(congluan.vn) - Diễn đàn “Việt Nam Ceo Forrum - 2014” diễn ra vừa qua tại Tp.HCM không chỉ là sự kiện chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, mà còn là dịp để các doanh nhân Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau trao đổi về những vấn đề mà lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Bà Victoria Kwakwa: “hoàn thiện các văn bản pháp lý, cải thiện sự “bấp bênh” trong các chính sách, là cơ sở cho doanh nghiệp VN hội nhập nhanh nhất với nền kinh tế thế giới”
Cần thay đổi “cơ chế”
Nền kinh tế của mỗi quốc gia như thế nào, chính doanh nghiệp và doanh nhân là yếu tố quan trọng quyết định vị thế của nền kinh tế đó. VN đang từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới, thì vai trò và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam ngày càng to lớn hơn. “Doanh nhân VN đã sẵn sàng để bước vào sân chơi lớn toàn cầu?” – Chủ đề này không chỉ được hơn 1.000 doanh nhân trong cả nước tham dự “Việt Nam Ceo Forrum- 20124” chia sẻ, mà còn được rất nhiều diễn giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam quan tâm.
Rõ ràng, mỗi quốc gia với mỗi nền tảng văn hóa - xã hội, kinh tế, chính trị… có điểm xuất phát riêng, nên hoạt động quản lý và phương thức hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, “các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có các điểm chung và mang tính quyết định đối với bất cứ một doanh nghiệp đó là: Chiến lược, mục tiêu mang tính bền vững cao”. Chuyên gia kinh tế Võ Chí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định.
Nhưng “Với doanh nghiệp VN hiện nay các vấn đề này là cực kỳ gian nan. Khi doanh nghiệp VN hiện nay có đến hơn 80% có quy mô vừa và nhỏ, khiến cho hoạt động doanh nghiệp thường thiếu tính chiến lược lâu dài (ngay cả việc chấp nhận rủi ro). Trong đó, chưa kể đến vấn đề tư duy truyền thống khi nhiều doanh nghiệp mở ra nhưng làm ăn theo kiểu phong trào”. Ông Thành phân tích.
Nền kinh tế VN đang chuẩn bị từng bước để đi vào “sân chơi” lớn cũng đồng nghĩa với việc doanh nhân VN đang ở trong giai đoạn mới, cần một bước phát triển mới và với một tư duy mới. Bà Phạm Chi Lan – Thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực canh tranh, đã thẳng thắn nhìn nhận “Doanh nhân của chúng ta vẫn chưa có nhiều sự thay đổi trong tư duy và luôn quan điểm: Khi nào họ làm ăn được, thì mình sẽ tham gia chứ chưa đủ tự tin và dám dấn thân một cách mạnh mẽ và có lập trường”.
Trong sự kiện “Việt Nam Ceo Forrum”, Bà Phạm Chi Lan cũng đồng quan điểm theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, rằng các doanh nhân VN muốn vào sân chơi toàn cầu, thì ngay bây giờ cần phải thay đổi quan điểm và nên có cách cạnh tranh trực diện đối với ngay cả các đối tác trong nước và của các nước trong khu vực như Asean.
Trong hội nghị mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá rất cao vai trò của doanh nhân VN ngày nay: “Đây là lúc Việt Nam có đủ điều kiện để bước vào sân chơi toàn cầu. Nhưng để làm được điều đó, thì từ mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mà trong đó vai trò của mỗi doanh nhân là cực kỳ quan trọng. Vì thế, mỗi doanh nhân cần thay đổi cách suy nghĩ, cách làm và tận dụng mọi cơ hội để biến cái không thể thành cái có thể, mang lại lợi ích cho bản thân và đất nước”.
Trong bối cảnh VN đang từng bước hoàn thiện các thể chế chính sách để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến và cho rằng vấn đề VN cần làm ngay bây giờ là thay đổi “cơ chế” toàn diện. “Từ việc cải thiện sự “bấp bênh” trong các văn bản pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, tiến đến việc xóa bỏ những suy nghĩ truyền thống “lao động trẻ, nhân công rẻ” bằng quan tâm đến việc đào tạo chuyên sâu, năng lực quản lý và đội ngũ có trình độ kỹ năng mềm trong quản lý, cũng như điều hành công việc, sao cho phù hợp với xu hướng hội nhập chung toàn cầu”. Ông Phạm Phú Ngọc trai – TGĐ Cty tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cũng chia sẻ.
Sẵn sàng vượt qua thách thức
Không chỉ là thành viên, đối tác thương mại của các quốc gia trên thế giới, mà Việt Nam đang hướng đến cộng đồng kinh tế Asean và tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại những cơ hội mới. Trong đó, có cả những thách thức không nhỏ.
Ông Patrick Wall - Chánh văn phòng thương mại, dịch vụ thương mại Hoa Kỳ - Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM nhìn nhận, người lao động VN đã quen với tư duy “dựa vào mối quan hệ” sẽ làm ảnh hưởng và tụt hậu những người thực sự có năng lực. Điều này cũng sẽ tạo ra tính thiếu bình đẳng. “Việc Chính phủ VN hoàn thiện các văn bản pháp lý mang tính bền vững cao, sẽ là một trong những biện pháp tốt nhất và là bước đi quan trọng trong việc tạo ra sự bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong cán cân hợp tác thương mại. Đây cũng chính cơ hội cho doanh nghiệp và doanh nhân VN tiếp cận với nền kinh tế thế giới nhanh và hiệu quả nhất”.
Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cực kỳ quan trọng. “Việc đối phó với các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi, trên giá trị của việc đề cao vai trò của luật pháp quốc tế… sẽ là cơ sở để Chính phủ VN, doanh nghiệp VN bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích về nhiều mặt như an ninh, kinh tế, xã hội…”. Bà Andrea Lupo - Giám đốc chương trình toàn cầu – USTDA nêu quan điểm.
Trong một môi trường kinh doanh mới, với những cách thức và hoạt động mới, các nhà lãnh đạo lãnh đạo doanh nghiệp VN luôn sẵn sàng thay đổi. Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình –Chủ tịch HĐQT Cty CP tập đoàn FPT thì “Doanh nghiệp VN rất cần đến sự đồng hành của các nhà làm chính sách quản lý, chính quyền… bằng việc ban hành những quy định, những chính sách mang tính thực tế và bền vững cao. Điều đó, sẽ tạo tiền đề làm cơ sở doanh nghiệp VN hội nhập và thích ứng với khi bước vào sân chơi mới”.
Còn Ông Johna Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) thì các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp VN cũng đã sẵn sàng bước vào sân chơi mới và “Chính phủ VN hiện đang có nhiều thông điệp mở rộng hợp tác, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trên thế giới. Vì vậy, muốn không thua ngay tại sân nhà, đặc biệt mở rộng giao thương thương mại, doanh nhân VN cần phải hiểu và nắm rõ các Luật mang tính toàn cầu, trên cơ sở hoàn thiện pháp luật và các văn bản của nhà nước”.
Rõ ràng, bên cạnh những thuận lợi về nhân công, điều kiện môi trường, tài nguyên... cùng với lòng nhiệt huyết và quyết tâm của mỗi doanh nhân, thì VN cũng có không ít khó khăn. Trong đó, “Chính phủ VN nên xác định mục tiêu căn bản là hoàn thiện các văn bản pháp lý, chính sách… Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng và cần thiết trong hoạt động hợp tác thương mại, là cơ sở để VN bước vào hội nhập và doanh nhân Việt Nam thích ứng với nền kinh tế toàn cầu”. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại VN, Đông Á và Thái Bình Dương kiến nghị.