Độc đáo tục thờ Thánh Tam Giang ở vùng “ba sông”

Thứ năm, 29/12/2022 10:14 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong dân gian xứ Bắc, tục thờ Thánh Tam Giang đã “ăn sâu bám rễ” trong tiềm thức của người dân. Trong số 372 làng thờ Thánh Tam Giang, ở mỗi làng đều có truyền thuyết, thần tích ghi chép về lai lịch, công trạng của Thánh Tam Giang với quê hương đất nước.

Huyền tích về quá khứ hào hùng

Thánh Tam Giang là danh xưng chung của 5 anh em họ Trương là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương. Thân mẫu của năm vị là bà Từ Nhan, người làng Vân Mẫu, nay thuộc phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh. Tuy nhiên, trong các bản thần tích còn lưu giữ, Thánh Tam Giang chủ yếu gắn với công trạng của Trương Hống và Trương Hát, các vị khác ít được nhắc tới.

doc dao tuc tho thanh tam giang o vung ba song hinh 1

Người dân thành kính thắp hương tại đền Vân Mẫu.

Sử sách còn ghi lại, vào thế kỷ thứ VI, nước ta bị nhà Lương đô hộ. Năm 542 Lý Bí lãnh đạo nhân dân phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương xâm lược, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Ba năm sau, nhà Lương lại mang quân sang xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh, vua Lý Nam Đế trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến.

Triệu Quang Phục đưa quân về đầm Dạ Trạch (Hưng Yên), đồng thời truyền hịch tìm người tài giỏi đánh giặc giúp nước. Năm anh em họ Trương - khi đó đã có tiếng là những người lầu thông kinh sử, tinh thông võ nghệ - nghe có hịch chiêu tài, bèn bàn nhau dụng kế lập thân, về quê mộ quân giúp nước. Họ được Triệu Quang Phục thu nạp, phong Trương Hống làm Thượng tướng quân, Trương Hát làm Phó tướng quân, Trương Lừng, Trương Lẫy làm Tỳ tướng, Đạm Nương lo về binh lương và kế sách phản công. Năm vị đã lập được nhiều chiến công, dẹp yên giặc Lương, được nhà vua phong thưởng.

Ít lâu sau, Lý Phật Tử dùng gian kế lật đổ ngôi vua. Biết các danh tướng họ Trương là những người tài giỏi, Lý Phật Tử cho vời các ông ra làm quan, không được thì o ép truy lùng. Hai ông Trương Hống, Trương Hát không chịu khuất phục, đưa cả gia đình tuẫn tiết ở vùng ngã ba sông Cầu, giữ trọn tấm lòng trung quân ái quốc. Nhân dân dọc theo sông Cầu, sông Thương và các nơi các ông từng đóng quân đánh giặc vô cùng khâm phục, thương tiếc, lập đền thờ làm Thần.

Sau này, có truyền thuyết nhắc tới Trương Hống, Trương Hát liên quan đến sự ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Theo huyền tích, nhờ bài thơ khích lệ tinh thần quân sĩ và thần binh của Trương Hống, Trương Hát trợ giúp, năm 1076, Lý Thường Kiệt đã đánh tan đạo quân của Quách Quỳ, Triệu Tiết. Quân Tống sau trận đại bại ấy phải vội vàng rút quân về nước.

Để tưởng nhớ công lao của hai vị, các triều đại sau này sắc phong Trương Hống, Trương Hát là Tam Giang thượng đẳng thần, chữ “Tam Giang” bắt nguồn từ ba con sông - nơi có nhiều đền thờ hai ông.

Vùng đất dày đặc di tích

Trong không gian nhà Cố Trạch khá khang trang, kể lại những trang lịch sử hào hùng gắn liền với công trạng của Thánh Tam Giang, cụ Nguyễn Vĩnh Long - năm nay đã 80 tuổi cho biết thêm, ở phường Vân Dương bây giờ vẫn còn nhiều di tích gắn với Thánh Tam Giang. Trong đó, chính tại ngôi nhà Cố Trạch này là nơi năm anh em Đức Thánh Tam Giang sinh ra, lớn lên. Cách nhà Cố Trạch vài trăm mét là đền Vân Mẫu, nơi thờ thân mẫu của các Thánh Tam Giang và cũng gần đó là nghè Chu Mẫu.

doc dao tuc tho thanh tam giang o vung ba song hinh 2

Bốn pho tượng Thánh Tam Giang bằng đá xanh tại nghè Chu Mẫu.

“Rất đặc biệt là ở đền Vân Mẫu, phần mộ Thánh Mẫu còn nguyên vẹn. Tại đây cũng còn lưu giữ được bản thần tích Thánh Tam Giang, 13 đạo sắc phong các triều vua. Nghè Chu Mẫu hiện còn bảo lưu được 4 pho tượng Thánh Tam Giang bằng đá xanh, chính vì vậy dân gian còn gọi là Nghè tứ vị. Cả bốn pho tượng đều tạc trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ quan, mặc áo thêu rồng, phượng”, cụ Long cho hay.

Cụm di tích thờ Thánh Tam Giang ở phường Vân Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989. Hằng năm, ở địa phương có hai ngày lễ tưởng nhớ đến công đức của Thánh Tam Giang là ngày 6, 7 tháng Giêng và 15/4 âm lịch. Lễ hội truyền thống đền Vân Mẫu đã nổi tiếng trong dân gian vì có tới 372 làng thờ Thánh Tam Giang. Các làng này thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ; về địa chí thì rải từ Đu, Đuổng (Thái Nguyên), qua ngã ba Xà (Yên Phong, Bắc Ninh), rồi tới Lục Đầu Giang.

“Sông Cầu dài 290km, tính ra trung bình cứ 1 km lại có một làng thờ Thánh Tam Giang. Vì thế mà dân gian lưu truyền câu phương ngôn “Thượng Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu giang” để nhắc đến việc tôn thờ Thánh Tam Giang ở 372 làng”, cụ Long nói.

Theo cụ Long, tục lệ từ xưa vẫn được duy trì trong dịp đại lễ 5 năm một lần. Đó là, ngay từ trước Tết, dân làng họp bàn bầu Quan Đám, chọn quan viên tế, chọn người rước cờ, kiệu... Vào ngày chính hội, dân làng tổ chức rước và lễ Thánh long trọng, tôn nghiêm. Đoàn rước đi theo thứ tự các làng với rợp trời cờ, kiệu, bát bửu… tượng trưng cho cuộc hành quân đánh giặc của Thánh Tam Giang. Khi phần tế lễ Thánh Mẫu của làng Vân Mẫu kết thúc là đến các “hàng từ” (các làng cùng thờ Thánh Tam Giang) tập trung về đền tế lễ.

Theo quy ước, hàng từ nào gần thì rước kiệu gỗ, hàng từ nào xa thì rước kiệu giấy tượng trưng… Ngoài phần lễ của các hàng từ, các gia đình trong làng đều mang lễ vật lễ Thánh, cầu cho một năm mới nhân khang, vật thịnh. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò dân gian như tập trận, đánh cờ, đấu vật, kéo co, chọi gà… buổi tối có hát Quan họ, diễn Tuồng... Đến chiều ngày 16/4, gia đình Quan Đám cùng các cụ hương lão mang lễ vật làm lễ đóng cửa đền, kết thúc lễ hội.

Tôn vinh di sản quý

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tục thờ Thánh Tam Giang là một sự kiện tín ngưỡng dân gian với bề dày lịch sử hơn ngàn năm và không gian văn hóa lớn. Những truyền thống tín ngưỡng này đã góp phần soi sáng lịch sử dựng nước và giữ nước anh hùng của dân tộc Việt Nam.

doc dao tuc tho thanh tam giang o vung ba song hinh 3

Đền Vân Mẫu đã được tu bổ khang trang, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gần đây đã cho thấy nhiều bước đi tích cực. Ngoài những giá trị phi vật thể, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng, mở rộng khu thờ tự trong khuôn viên nhà Cố Trạch. Đền Vân Mẫu đã được tu bổ với quy mô tòa đền chính được xây dựng kết cấu 5 gian truyền thống với mái đao cong, bộ khung gỗ lim chắc chắn, gồm 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, được liên kết bởi chồng rường giá chiêng, trang trí chạm khắc tinh xảo.

Năm 2012, nhân dân địa phương xây mới toà Tiền tế phía trước mộ Thánh Mẫu, quy hoạch xây tường bao xung quanh mộ bằng đá kiểu lục giác. Nghè Chu Mẫu cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn vào năm 2007 với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng…

Ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND phường Vân Dương cho biết, được sự quan tâm của tỉnh và TP. Bắc Ninh, trong giai đoạn 2021 - 2022, phường đã được hỗ trợ kinh phí 1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại di tích Nhà Cố Trạch, Đền Vân Mẫu. Tuy nhiên, để xứng tầm là nơi quê hương của Thánh Tam Giang, là nơi để các “hàng từ” hành hương về mỗi mùa lễ hội, các di tích cần tiếp tục được đầu tư mạnh hơn nữa.

“Từ nay đến năm 2025; Đảng ủy, UBND, HĐND phường Vân Dương đưa vào kế hoạch tu bổ, bổ sung mở rộng khuôn viên, kè hỗ, bãi đỗ xe, nhà khách, công trình phụ trợ... tại di tích đền Vân Mẫu với kinh phí lên tới 20 tỷ đồng. Qua đó đáp ứng tín ngưỡng thờ phụng, chiêm bái của người dân; phát huy các giá trị, truyền thống lịch sử tốt đẹp”, ông Trọng cho biết thêm.

Bài: T.Toàn/Ảnh: Ngọc Hải

Bình Luận

Tin khác

Hải Phòng: Trưng bày 18 Bảo vật quốc gia nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024

Hải Phòng: Trưng bày 18 Bảo vật quốc gia nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024

(CLO) Sáng nay (11/5), Sở Văn hóa và Thể thao giao Bảo tàng Hải Phòng phối hợp nhà sưu tập An Biên trưng bày “Bảo vật quốc gia - Sưu tập An Biên” tại Bảo tàng Hải Phòng. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khô Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024.

Đời sống văn hóa
30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

(CLO) 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều địa phương trên cả nước sẽ có 7 ngày để thực tế, sáng tác tại nhiều di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

(CLO) Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024 bao gồm chuỗi các sự kiện ẩm thực, thể thao, diễu hành, ca múa nhạc, văn hóa nghệ thuật…

Đời sống văn hóa
Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

(CLO) Chiều 10/5, UBND Thành phố Hà Nội cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức buổi lễ phát động Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Sự kiện diễn ra nhằm tìm kiếm những ý tưởng thiết kế sáng tạo, độc đáo và khai thác quỹ đất thành phố hiệu quả.

Đời sống văn hóa
Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

(CLO) Đồng bào Thái, Mông, Sán Dìu, Khmer tại Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ phục hồi, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Đời sống văn hóa