Đối phó với mối nguy lạm phát năm 2023: Cần rất cẩn trọng!

Thứ năm, 29/12/2022 09:36 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong năm 2022, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách về tài khóa, tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp này đều đem lại hiệu quả, và giúp lạm phát được ghìm ở mức thấp. Dù vậy, thách thức vẫn còn trong năm 2023.

Lạm phát của Việt Nam vẫn trong vòng kiểm soát

Năm 2022, sau sự xung đột giữa Nga - Ukraine, lạm phát đã lan rộng ra toàn thế giới, và tạo ra một “cơn bão” giá cả. Ngay cả các siêu cường kinh tế, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc… đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục trong nhiều năm.

Đơn cử, tại EU, tính đến hết tháng 10/2022, lạm phát của khu vực này đã tăng kỷ lục lên 10,7%. Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua. Trong đó, một số quốc gia có mức lạm phát trên 20%, như Estonia lạm phát lên tới 22,4%, Latvia lạm phát 21,8%. Ngay cả Pháp, một trong những trụ cột của EU cũng ghi nhận mức lạm phát 7,1%, Đức là 11,6%.

doi pho voi moi nguy lam phat nam 2023 can rat can trong hinh 1

Trong khu vực Đông Nam Á, lạm phát cũng đang là mối lo cho nhiều quốc gia. Đơn cử, Thái Lan đang trải qua “bão” lạm phát chưa từng thấy trong một thập kỷ qua, với mức tăng 6,2% trong 3 quý đầu của năm 2022. Tương tự, tại Indonesia, tính đến hết tháng 11/2022, lạm phát của nước này đã tăng 5,42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số lạm phát thấp, tính tới cuối tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 3,02%. Một số dự báo cho rằng, trong năm 2022, lạm phát của Việt Nam sẽ dao động trong khoảng 3,5% - 3,8%, vẫn dưới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm. Từ những con số trên, có thể thấy, lạm phát của Việt Nam vẫn đang nằm trong vòng kiểm soát.

Nhận định về chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm 2022, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Lạm phát và kiềm chế lạm phát đang trở thành vấn đề nóng của thế giới, trong đó có Việt Nam trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô.

Theo ông Vịnh, về lý thuyết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lạm phát ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều giống nhau, chủ yếu từ 2 phía cung và cầu. Nếu cầu tăng nhưng cung thiếu thì giá cả sẽ tăng. Trong khi đó, nếu chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa tăng, điều này cũng sẽ tạo ra lạm phát. Dù có cùng một nguyên nhân, nhưng các quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát khác nhau.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Vịnh cho biết: Sở dĩ, chỉ số lạm phát giữa các quốc gia có sự khác nhau là do đặc thù của mỗi nền kinh tế đã có sự khác biệt, thêm vào đó, sự điều hành của Chính phủ cũng không đồng nhất.

“Đơn cử như Việt Nam, vì sao nước ta lại kiểm soát lạm phát tốt, trong khi các nước như Mỹ, Nhật Bản có tiềm lực kinh tế mạnh hơn ta, nhưng lại đang chịu áp lực rất lớn từ lạm phát. Nếu nhìn vào cơ cấu kinh tế Việt Nam có thể thấy, chúng ta có xuất phát điểm thấp, thu nhập của người dân cũng thấp, nên ảnh hưởng của lạm phát không cao như các quốc gia đã phát triển”, ông Vịnh nói.

Bên cạnh đó, phần lớn dân cư Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn, dựa vào kinh tế nông nghiệp, có thể tự cung, tự cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nên ảnh hưởng của lạm phát cũng không nhiều.

Cũng theo ông Vịnh, trong năm 2022, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách về tài khóa, tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp này đều đem lại hiệu quả, được minh chứng bằng con số đã nêu bên trên.

“Như vậy, lạm phát của Việt Nam thấp, là do đặc thù kinh tế và cách điều hành của Chính phủ đã có sự khác biệt. Và sự khác biệt này đã đem lại hiệu quả, lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát”, ông Vịnh nói.

Cẩn tắc vô áy náy

Đồng tình với nhận định này, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế chia sẻ: Việt Nam có lịch sử kiểm soát tốt lạm phát trong 7 năm liền (2015 - 2021) đạt CPI dưới 4% và có tới 9 năm xuất siêu trong giai đoạn (2011 - 2021). Dự trữ ngoại hối tăng cao (đạt 105 tỷ USD năm 2021). Kinh tế Việt Nam trong 2 năm dịch COVID-19 (2020 - 2021) vẫn đạt tăng trưởng dương đã giúp tạo dư địa cho Chính phủ kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chủ quan. Thực tế, mối nguy về lạm phát vẫn đang thường trực, kể cả sang năm 2023.

Ông Võ Trí Thành nói: Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, nhiều hệ lụy dẫn theo đã khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Việc gián đoạn nguồn cung năng lượng ảnh hưởng đến mọi thứ, từ giá lương thực, giá điện, cho đến tâm lý của người tiêu dùng…

Các cú sốc về giá năng lượng có thể gây ra những trở ngại lớn cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Vì vậy, khi xảy ra khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và thế giới, Việt Nam gặp phải cạnh tranh rất lớn ở trên thế giới trong câu chuyện về nguồn cung, liên quan đến vấn đề giá cả và khủng hoảng sẽ ảnh hưởng lớn trong các kế hoạch triển khai về đầu tư cho năng lượng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

“Thực tế là thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước tăng cao đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân nhưng Chính phủ đã có những động thái kịp thời để xử lý ngay tại chỗ. Tuy nhiên, việc xử lý này có thể thực hiện trong điều kiện Việt Nam vẫn còn có nguồn để điều chỉnh”, ông Thành nhận định.

Trong trường hợp có nhiều tác động cùng xảy ra, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình huống không có bất kỳ một phương án nào để xử lý khi khủng hoảng năng lượng.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có sự thay đổi về thói quen tiêu dùng cũng như có sự thay đổi về cách làm chính sách và thực hiện chính sách với tầm nhìn dài hạn hơn, thực tế hơn so với hiện nay. Trên cơ sở đó vấn đề dự báo giá cả năng lượng cũng phải xem xét tính toán cụ thể để đem lại hiệu quả cao.

“Tôi cho rằng không chỉ xăng dầu, mà cả các mặt hàng khác cũng phải vận hành dựa trên các nguyên tắc này. Mục tiêu của chúng ta trong điều hành giá là phải linh hoạt, kịp thời, đúng thời điểm, tránh những “cú sốc” cho nền kinh tế. Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua của các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực, kịp thời, phù hợp, đảm bảo khả năng chấp nhận của nền kinh tế”, TS. Võ Trí Thành nói.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế tác động đến tổng cầu phải rất cẩn trọng, đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ. Điều quan trọng nhất là hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất để tránh tạo sức ép cho lạm phát.

Trả lời riêng với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về giải pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2023, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Trong bối cảnh nhiều bất định, rủi ro lớn hiện nay, trong khi lạm phát cơ bản trong nước đã tăng nhanh và áp lực lạm phát chung vẫn có xu hướng tăng lên, có nhận định cho rằng sự phối chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này càng trở nên quan trọng.

Việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong bối cảnh kinh tế lạm phát cao, ẩn chưa nhiều rủi ro, bất định là rất thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cùng các chính sách vĩ mô khác theo hướng phối hợp chặt chẽ, hài hòa, đồng bộ, linh hoạt, nhịp nhàng, kịp thời thích ứng với các diễn biến bất định, rủi ro của thị trường trong nước và quốc tế, không chuyển trạng thái đột ngột.

Kết quả của việc phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Lạm phát được kiểm soát, môi trường kinh tế vĩ mô được ổn định, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Các chính sách hỗ trợ thuế, phí, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất… có tác động trực tiếp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định đời sống của người dân; mặt bằng giá cả cơ bản được giữ ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Việc phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa luôn được chú trọng, xác định là một định hướng lớn và nhiệm vụ xuyên suốt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 30% kể từ tháng 6

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 30% kể từ tháng 6

(CLO) Giá trị xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm mạnh gần 30% kể từ cuối tháng 6 do giá chuẩn quốc tế giảm kéo theo giá trị của các loại dầu thô của nước này, Bloomberg ước tính.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá xăng tăng nhẹ, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít

Giá xăng tăng nhẹ, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít

(CLO) Từ 15h chiều nay (19/9), giá xăng trong nước tăng nhẹ không đáng kể. Sau điều chỉnh, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hậu trung thu, quầy bánh ế đồng loạt hạ giá 'sập sàn'

Hậu trung thu, quầy bánh ế đồng loạt hạ giá 'sập sàn'

(CLO) Hậu Trung thu là thời điểm vàng để người tiêu dùng săn lùng bánh trung thu đại hạ giá, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá sâu, nhiều quầy hàng di động vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xả thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, doanh nghiệp sản xuất bia tại Bắc Ninh bị phạt 192 triệu đồng

Xả thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, doanh nghiệp sản xuất bia tại Bắc Ninh bị phạt 192 triệu đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Thương mại và Sản xuất An Thịnh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu thô giá rẻ của Nga

Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu thô giá rẻ của Nga

(CLO) Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu và khí đốt với giá thấp nhất có thể từ nguồn cung dầu thô của Nga, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri trả lời Reuters tại hội nghị Gastech ở Houston.

Thị trường - Doanh nghiệp