Đổi thay ở một miền cứ địa

Thứ bảy, 25/08/2018 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vào những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử, chúng tôi lại có dịp quay về Pác Bó, nơi mà 77 năm về trước (năm 1941) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân về đây để tạo dựng miền cứ địa đầu tiên cho cách mạng. Đất Pác Bó của miền cứ địa Hà Quảng (Cao Bằng) đã thay đổi. Đâu đâu cũng thấy người dân hồ hởi vui mừng trước một cuộc sống mới cùng câu chuyện tấc lòng mà Bác Hồ đã để lại nơi đây!

Đất Cao Bằng, mà cụ thể hơn là đất Trường Hà, nơi có địa danh nổi tiếng Pác Bó mùa nào lên cũng đẹp và để lại những kỷ niệm đắm say trong lòng du khách. Mùa này, ở mảnh đất biên ải, những nương ngô đã trổ cờ, sậm râu báo hiệu một mùa vàng bội thu, quấn quýt một màu xanh mỡ màng bám theo dòng suối Lê trong vắt do Bác Hồ đặt tên lên đến tận hang Cốc Pó. 

Xóm Pác Bó – nơi có hang Cốc Bó (nghĩa là Miệng Nguồn) của những ngày nào Bác chúng ta “chông chênh bàn đá dịch sử Đảng” giờ khắc này vui lắm. Người dân Pác Bó cho biết, sau ngày toàn dân độc lập, ngoài cái Tết cổ truyền của dân tộc thì những anh em dân tộc Tày, dân tộc Nùng trên đây đã chọn ngày 2/9 hằng năm làm ngày Tết nữa cho mình – Họ gọi đấy là Tết Độc lập.

Báo Công luận
 Miền cứ địa Pác Bó đã xanh cây, vững nhà.  
Những ngôi “nhà lá đơn sơ, tấm lòng rộng mở” ngày nào nay đã được ngói hóa, xóa đi những túng thiếu dạo nào của người dân. Cờ hoa đã được người dân treo, không khí Tết Độc lập hầu như bao trùm khắp các triền đá, cánh rừng của miền đất linh địa dạo nào.

Những ngày này, gặp chúng tôi ở miền cứ địa Pác Bó, cựu lão thành cách mạng có tên Hoàng Thị Khìn vui lắm. Sinh năm 1923, năm nay bước vào tuổi 95 tròn vạnh nhưng cụ Khìn vẫn khỏe, minh mẫn và giản đơn trong cuộc sống thường nhật của mình. 

Cụ Khìn bảo, sở dĩ cụ có thói quen và lựa chọn cho mình một cuộc sống đơn giản ấy là do học từ Bác Hồ trong những ngày cụ được cha (vốn là cựu lão thành cách mạng) có tên Hoàng Quốc Long cùng Đồng chí Lê Quảng Ba giao nhiệm vụ đưa cơm lên hang Củ Mài (Hang Cốc Bó sau này) cho Già Thu (Bác Hồ) trong ngày.

Ngày ấy, Đội nhi đồng Cứu quốc của cụ Khìn có 12 người, do anh Đại Việt làm tổ trưởng và anh Kim Đồng làm đội phó. Trong 12 con người ấy thì cụ Khìn và cô em gái Hoàng Thị Hoa vốn là con của ông Lê Hoàng Long – một cán bộ cách mạng thân tín nên mới được giao trọng trách ấy. 

Báo Công luận
Cụ Hoàng Thị Khìn vô cùng phấn khởi bởi sự đổi thay của quê hương. 
Cụ Khìn cho biết, ngày ấy, biết Bác Hồ về nước, chọn Pác Bó làm nơi tạo dựng phong trào cách mạng nên giặc Pháp lập đồn, bốt, bủa quân vây hãm, lùng sục ghê lắm. Để ngày đem được 2 bữa cơm vào cho Bác, chị em cụ Khìn phải nấu cháo bẹ (cháo ngô) cho vào ống nứa đeo bên người, giả đi lấy rau lợn mới mang vào được cho Bác.

95 tuổi đời, 73 năm làm công dân của một đất nước tự do, cụ Khìn vui và vui nhất là vào những ngày độc lập này. Cụ bảo, nhờ Bác, nhờ các bậc lão thành tiền bối mà gia đình cụ cũng như toàn dân xóm Pác Bó đã thay đổi. Nếu không có Bác Hồ, không có con đường cách mạng thì không bao giờ người dân có cơ hội như vậy. Người dân đã hết đói ăn, từ nhà tạm, người dân đã xây được nhà và cái quan trọng là được tự do đi lại, tự do sinh hoạt – đấy là cái giá của sự độc lập.

Bí thư chi bộ xã Pác Bó Nông Thị Dung – thế hệ công dân độc lập thứ 3 trưởng thành trên vùng đất cứ địa này những ngày này niềm vui nối tiếp niềm vui. Nhưng có lẽ không có niềm vui nào bằng khi chính chị được chứng kiến những nội lực của người dân được phát huy, vươn lên làm giàu trong thời kỳ mới này.

Bên khói lam quện quánh của những nhà dân trong xóm, không cần giấy tờ, sách vở, chị Dung vanh vách cho chúng tôi biết những số liệu như thể nằm lòng. Hiện Chi bộ có 30 đảng viên, đây là lực lượng nòng cốt để phát huy truyền thống cách mạng cũng như tinh thần và nghị lực cho người dân trong xã. Nhờ Đảng bộ mạnh nên kinh tế - xã hội Pác Bó khá phát triển. 

Chỉ trong một thời gian ngắn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng hằng năm ở Pác Bó đã tăng 877 tấn, nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp là 62 triệu đồng. Nhờ việc chuyên canh, tăng năng suất cây trồng vật nuôi tạo sinh kế lâu dài bền vững cho dân mà tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 17%.

Báo Công luận
Núi Các Mác – Nơi Bác Hồ đặt tên trong những ngày hoạt động cách mạng.     
Báo Công luận
Hang Củ Mài – Hang Cốc Bó – nơi lưu giữ những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước lãnh đạo cách mạng.     
Có lên mảnh đất địa đầu như Pác Bó này, có tận mắt chứng kiến về khí hậu thổ nhưỡng đất đai của người dân mới thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên đây mới đáng trân trọng biết nhường nào. Có thể với những miền đất khác, tỷ lệ trên chưa phải đã gây ấn tượng, nhưng với mảnh đất cách mạng được mệnh danh là nơi “đầu biên, cuối ải” này mới thấy đó là cả một nghị lực vượt khó của người dân.

Không những tăng giá trị cây trồng, giá trị sản xuất mà đợt lên Pác Bó này, ghi dấu ấn đậm nét với chúng tôi vẫn là những mô hình kinh tế điển hình, những trang trại với quy mô lớn do chính những cá nhân của các anh em dân tộc Tày, dân tộc Nùng hình thành trên đây. Trong các cá nhân tiêu biểu ấy phải kể đến mô hình trang trại của gia đình Hoàng Đức Tính.
Men theo con đường đá xanh ngô, vàng lúa của Pác Bó, chúng tôi tìm vào nhà Hoàng Đức Tính. Không thể ngờ, ở một nơi có thể coi là xa xôi này mà Tính đã tạo dựng cho mình một lượng kiến thức, một ý chí dám nghĩ, dám làm để vượt khó và vươn lên làm giàu.

Tết Độc lập cận kề, nhà Tính đã rộn ràng cờ hoa, tiếng nói cười, chuyện trò của người thân, trong đó có cả người của xóm đến học tập cách làm ăn của anh. Bên ấm trà rừng và món bánh khảo truyền thống làm để đãi khách trong những ngày lễ, tết, Tính vui vẻ cho biết: Trước nhà mình cũng nghèo lắm. Điều kiện thổ nhưỡng ở đây khắc nghiệt, nhưng là người ở một miền đất được mệnh danh là cái nôi cách mạng nên để cho mình nghèo đói, chờ sự hỗ trợ là không được. Phải nghĩ cách, nghĩ kế để vươn lên, để làm sao mỗi khi có khách tìm về nguồn, tìm về nơi phát tích của cách mạng mình có thể tự hào được.

Bằng suy nghĩ này, nghiên cứu, tìm hiểu, Tính quyết định phát triển mô hình trang trại. Chiêm mùa đổi vụ, người có công, đất chẳng phụ, bằng việc đưa cây con và giống mới vào nên miền đá sỏi khô cằn nơi Tính định cư đã xanh đất, xanh cây. Hiện với mô hình cây con kết hợp này, mỗi năm gia đình Tính đã có thu nhập tới 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, Tính đã xây được nhà, sắm được các vật dụng đắt tiền và nuôi được con cái ăn học đàng hoàng.

Không nhận lời ở lại Tết Độc lập cùng người dân Pác Bó với làn then, điệu tính, tôi bịn rịn ra về. Lòng tôi chợt ấm lên với những ghi nhận về sự đổi thay của miền đất đầu nguồn có tên Pác Bó này!

Bài và ảnh: Đơn Thương


Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương