Đơn độc sưu tầm văn hóa cổ ở Bình Dương

Thứ sáu, 03/04/2015 09:55 AM - 0 Trả lời

Đơn độc sưu tầm văn hóa cổ ở Bình Dương

(Congluan.vn) - Vốn là nhà giáo nhưng trong ông lại có niềm đam mê về nghiên cứu văn hóa cổ, đặc biệt là văn hóa chữ Nôm và văn hóa chữ Hán trong các công trình cổ trên đất Bình Dương. Những nghiên cứu của ông được đánh giá là những công trình có giá trị cao về lịch sử văn hóa chỉ có ở Bình Dương…

Từ “Lưu Hương diễn nghĩa bản quyển”

Thật ra ông là chàng trai Đất Võ Tây Sơn – Bình Định, đã tốt nghiệp Sư phạm Việt Hán – TP HCM (1970) và ĐH Văn khoa – TP HCM (tức trường ĐHKHXH và nhân văn TP. HCM bây giờ) năm 1969 biết nghiên cứu Hán Nôm vào năm 1970. Khi về hưu, sống trên đất Bình Dương – nơi có khá nhiều nhà cổ, ông càng dành nhiều thời gian cho niềm đam mê của mình. Là một Phật tử thích nghiên cứu văn hóa Hán Nôm nên ông giáo Phan Thanh Đào thường hay đến những ngôi nhà cổ ở đất Bình Dương.

Báo Công luận
 
Vợ chồng ông giáo Phan Thanh Đào 
 
Bữa nọ ông tìm về chùa cổ Hội Khánh, chùa cho ông làm ở thư viện sách, rồi tình cờ ông phát hiện ra “Lưu hương diễn nghĩa bảo quyển” trong kho sách cũ này. Đây là một cuốn truyện cổ Phật giáo Trung Quốc thuộc đời Tống được truyền qua Việt Nam bằng văn xuôi, người ta đã diễn nôm bằng thể lục bát. Sách được in bằng giấy bản xưa, khổ 13x21, bìa ngoài màu đỏ với chữ Hán viết tay: Lưu Hương cổ tích toàn truyện. Lớp bìa bên trong với chữ ghi: Lưu Hương Diễn Nghĩa bảo quyển, bên trái ghi Đại Nam Quốc tín nữ Nguyễn Từ Nguyên, Hoàng Diệu Trúc đồng kính san. Bên phải ghi Quang Tự tam thập từ niên Mậu Thân mạnh thu cốc đán (1908).

Ông Phan Thanh Đào cho biết: “Khi phát hiện ra cuốn truyện này, tôi rất mừng vì đây là tác phẩm Nôm cổ xưa nhất chưa ai biết. Cuốn sách này được in từ năm 1908, nằm trong tủ sách cũ của chùa cổ Hội Khánh. Tôi có báo lại việc phát hiện cuốn sách cổ này với Sở giáo dục đào tạo Bình Dương. Sau đó một năm (1986), Sở giáo dục đào tạo Bình Dương phân công tôi đi công tác ở Huế để bàn chuyện giáo dục. Ngoài đó tôi gặp nhiều tay “sừng sỏ” về Hán Nôm. Ông bạn tôi làm báo ở Huế có dẫn tôi tới gặp một tay giỏi Hán Nôm, ông ấy đọc qua “Lưu hương diễn nghĩa bảo quyển” nhưng ổng cũng không biết gì cả. Tôi về Quy Nhơn – Bình Định nhờ người nhưng vẫn chưa ai biết về sự xuất hiện của tác phẩm này. Vậy là “bó tay”. Về lại Bình Dương, tôi quyết định mượn chùa cuốn sách này về nhà từ từ nghiên cứu. Qua giọng văn, ngôn từ sử dụng trong tác phẩm, tôi biết đây là tác phẩm do người Nam Bộ mình viết. Sau một năm nghiên cứu, tôi đã phiên âm được toàn bộ cuốn sách và chép lại lưu giữ. Và sau đó tôi biết được nhiều điều thú vị về cuốn sách này”.

Quả thật cho tới năm 2008, được sự khích lệ của Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng – Chủ tịch hội khoa học lịch sử Bình Dương, ông giáo Đào mới chỉnh sửa lại bản thảo và in thành sách. Từ đó “Lưu hương diễn nghĩa bảo quyển” được xem là một trong những công trình có giá trị cao về lịch sử văn hóa chỉ có ở đất Bình Dương. Xét về mặt văn chương, tác phẩm này có giá trị cao bởi nó là chữ Nôm của địa phương mình. Đây cũng là tác phẩm có chủ đề viết về tư tưởng Phật giáo.

Báo Công luận
 
Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển 
 
Chính vì vậy, xét về tác phẩm chữ Nôm cổ viết về tư tưởng Phật giáo thì nó là tác phẩm thứ 3 (sau tác phẩm Quan Âm Thị Kính và tác phẩm Phật Bà Quan Âm) diễn nghĩa từ những cố sự trong dân gian mang nội dung tư tưởng Phật giáo dùng để khuyến thiện, răn đời. Tác phẩm gồm 3.306 câu thơ lục bát được gói gọn trong 86 trang. Nội dung câu chuyện trong tác phẩm được đặt trên tinh thần nhẫn nhục, giữ giới và kiêng sát sanh của Phật giáo. Đồng thời nó cũng đề cao các thuyết nhân quả. Cốt truyện đặt trên quan điểm phổ biến của văn học cổ điển: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”. Mâu thuẫn được phản ánh trong tác phẩm là những mâu thuẫn xảy ra trong gia đình: mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, mâu thuẫn giữa những chị em dâu trong gia đình. Bên cạnh đó “Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển” còn phản ánh những hình ảnh hiện thực của cuộc sống ngày xưa, ở đó người nghèo khó thường hay bị ngược đãi.

Đến văn hóa cổ - nghiệp đam mê

Bây giờ đã ở cái tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hi” nhưng xem ra ông giáo của trường THPT Trịnh Hoài Đức (thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương) ngày nào vẫn cứ đau đáu với cái nghiệp nghiên cứu văn hóa cổ ở cái đất mà ông xem là quê hương thứ 2 của mình. Ông tâm niệm rằng, mình sống ở đất Bình Dương này nhiều hơn các nơi khác, sẵn vốn kiến thức về chữ Hán – Nôm nên mình phải có trách nhiệm góp một phần sức mình vào công việc bảo tồn những giá trị văn hóa nơi đây. Ông phải nghiên cứu nhiều để lưu giữ lại cho đời sau bởi những dấu tích của cha ông ta để lại trên các công trình kiến trúc cổ sớm muộn gì cũng mai một lần.

Ông Đào cho biết: “Tôi hi vọng rằng với những gì tôi tìm hiểu, nghiên cứu trong thời gian qua và cả sau này phần nào đó sẽ có ích cho công tác bảo tồn văn hóa của địa phương. Bởi lẽ đó mà vừa dạy học tôi vừa tranh thủ thời gian rãnh rỗi đi tìm và sưu tầm tư liệu nghiên cứu văn hóa cổ. Thú thật, tôi mất nhiều thời gian và tiền bạc mua tài liệu tìm hiểu thêm, nhưng làm được việc mình yêu thích và có ích cho xã hội thì cũng không uổng công đâu!”.

Báo Công luận
 
  Công trình nghiên cứu "Nhà cổ Bình Dương"
 

- Tỉnh thành nào cũng có văn hóa xưa để lại, đặc biệt là ở Bình Dương có rất nhiều nhà cổ do Pháp xây dựng từ những năm 1920. Nghe ai đó nói ở đâu có công trình cổ thì ông nhất định tìm đến. Bởi vì vậy mới nói “nhà cổ là “duyên nợ” đầu tiên” của ông trong cái nghiệp đi tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa cổ trên đất Bình Dương.

Ông tâm sự: “Học giả Nguyễn Hiến Lê có viết: “Có duyên mới xuất bản được một cuốn sách”. Trong trường hợp chúng tôi thì có lẽ phải nói: “Có duyên mới thực hiện được một ước mơ”. Tôi nhớ cách đây đã lâu, trong một cuộc họp Hội đồng khoa học tại Ban khoa học công nghệ tỉnh mà nay là Sở khoa học công nghệ, tôi đã nêu lên ước mơ của mình là có được một đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội và đã được đồng chí Trưởng ban khuyến khích và đồng ý. Trong lúc tôi đang tìm một đề tài phù hợp với yêu cầu của tỉnh, lại hợp với sở thích của mình thì một người bạn vong niên giới thiệu về ngôi nhà cổ của cụ bác sĩ nha khoa Trần Công Vàng ở phường Phú Cường – Thị xã Thủ Dầu Một vừa được Bộ văn hóa thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và rủ tôi đến xem. Đó là cái duyên để tôi thực hiện công trình nghiên cứu này”.

Theo ông Đào thì cảm giác đầu tiên khi ông bước vào ngôi nhà của ông Vàng là sự choáng ngợp lẫn với niềm khâm phục và một sự ấm áp như một kẻ xa quê hương lâu ngày, nay được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chính cái qui mô rộng lớn của một ngôi nhà gỗ, sự phong phú trong các hạng mục kiến trúc và trang trí nội thất, vẻ cổ kính của một ngôi nhà xưa mà trải qua bao thời kì với những chuyển biến dữ dội của đất nước vẫn còn giữ được nguyên vẹn đã làm cho ông có cái cảm giác choáng ngợp và khâm phục ấy. Những kèo, cột, đấm, quyết, ngạch, ngưỡng… những tấm hoành phi, những câu đối… làm ông nhớ lại thời thơ ấu của mình.

Ông Đào bộc bạch: “Chả là tôi có một ông chú họ từng là chánh tượng, tức người thợ cả có nhiều học trò đến học nghề. Những khi chú tôi lãnh cất nhà hoặc tu sửa đình miếu trong làng, tôi thường đến chơi trong lúc thợ mộc đang cưa xẻ, đục đẽo, chạm trỗ, tôi thường theo chú để hỏi han, trò chuyện, dần dần quen thuộc với những chi tiết kiến trúc trong một ngôi nhà gỗ. Ngay ngôi nhà của cha mẹ tôi hồi đó, tuy không có qui mô to lớn và sang trọng, nhưng nét kiến trúc rất đẹp, một ngôi nhà lá mái theo kiểu nhà phổ biến của Bình Định mà ca dao vùng Liên khu V đã có câu: “Tiếng đồn Bình Định tốt nhà/ Phú Yên tốt lúa, Khánh Hòa tốt trâu”. Bây giờ gặp lại nhà cụ Vàng, ngoài cái cảm giác choáng và khâm phục như đã nói, tôi còn cảm thấy một cảm giác thân quen êm ấm như gần gũi với mình.

Đến khi tiếp xúc với chủ nhà, tôi rất cảm động, quý mến tấm lòng của chủ nhân, một người Tây học, nhiều năm sống ở Pháp như thế mà tâm hồn rất Đông phương, luôn trân trọng tất cả những gì tổ tiên để lại, mặc dù cụ chưa hiểu hết về ngôi nhà của mình, không đọc được những câu đối, những tấm hoành… treo trong nhà. Cụ chỉ nghĩ đó là những điều tốt đẹp, thiêng liêng mà tổ tiên để lại, phần cụ là con cháu nên phải bảo tồn. Thực, làm công tác nghiên cứu văn hóa cổ mà bắt gặp một người có ý thức cao trong việc bảo tồn những giá trị cổ như thế, tôi thật sự rất xúc động!”. Và cũng vì lẽ đó mà công trình “Nghiên cứu những ngôi nhà cổ ở Bình Dương” của ông đã ra đời, để rồi năm 2004 với sự hỗ trợ tích cực của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương mà công trình này của ông được xuất bản thành sách “Nhà cổ Bình Dương” giới thiệu rộng rãi tới mọi người.

Báo Công luận
 
Hàng ngày ông Đào vẫn không ngừng đọc sách và nghiên cứu 
 
Anh Dương Ngọc Hải – Cán bộ Bảo tàng Bình Dương cho biết: “Đối tượng cụ thể mà ông Đào nghiên cứu ở đây là những ngôi nhà cổ của người Việt mà có ngôi nhà đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, huyện Tân Uyên – những nơi được lịch sử công nhận là những vùng có cư dân người Việt đến định cư khá sớm. Về ý nghĩa thực tiễn, công trình nghiên cứu Nhà cổ ở Bình Dương của ông Phan Thanh Đào sẽ giúp cho công tác bảo tồn, bảo tang có thêm những tư liệu phong phú, cụ thể, chính xác để giới thiệu với khách tham quan, du lịch. Công trình còn giúp cho dịch vụ, du lịch của tỉnh giới thiệu cho du khách, gây ấn tượng tốt đẹp phong phú cho khách phương xa khi đến Bình Dương”.

Ngoài hai cuốn sách: Nhà cổ Bình Dương và Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển, thời gian qua, ông còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về những ngôi nhà cổ trên đất Bình Dương. Đến nay việc nghiên cứu văn hóa cổ ẩn chứa trong những công trình cổ vẫn liên tục trào dâng trong huyết quãng của ông.

Ông tâm sự: “Những nhà cổ xuất hiện ở Bình Dương có dính líu đến mỹ thuật. Nhà lâu thì người ta sẽ sửa đổi, mình không nghiên cứu kịp thời thì sẽ mất đi. Tôi đã đi được con đường mình muốn đi. Tiếc rằng giờ mình tuổi cao sức yếu, không đi xa được nhiều. Muốn nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ, phải tìm đến các chùa, đình…ghi chép, chụp ảnh về nghiên cứu thì mới hiệu quả. Công việc này nó cũng âm thầm lặng lẽ như những nét văn hóa cổ đang tồn tại đâu đó mà chúng ta chưa phát hiện ra…”.

  • Trần Hồng - Hải Âu

Tin khác

Khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”

Khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng ngày 26/4, tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạo Cục Chính trị phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc, cắt băng khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Các Nghị quyết, chỉ đạo quan trọng của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định thắng lợi Điện Biên Phủ

Các Nghị quyết, chỉ đạo quan trọng của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định thắng lợi Điện Biên Phủ

Trong bối cảnh cuộc chiến Điện Biên Phủ đang dần bước vào những thời khắc quyết định, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đưa ra các nghị quyết, chỉ đạo quan trọng mang tính định hướng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Đời sống văn hóa
Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm 'Thăng Long hội tụ'

Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm "Thăng Long hội tụ"

(CLO) Nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Triển lãm mỹ thuật mang tên "Thăng Long hội tụ" do các nghệ sĩ, họa sĩ tài hoa từ thị xã Sơn Tây và Hà Nội phối hợp tổ chức.

Đời sống văn hóa
Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

(CLO) Theo dự kiến, Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2024 sẽ diễn vào tháng 10 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Đời sống văn hóa
Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

(CLO) Những ngày gần đây, người dân Thủ đô Hà Nội đi trên cầu đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được nên ý tưởng từ "hầm thủy cung" đẹp lung linh, qua nghệ thuật sắp đặt ánh sáng.

Đời sống văn hóa