Đồng bằng sông Cửu Long: Đột phá về hạ tầng giao thông để phát triển xứng tầm

Thứ hai, 02/09/2024 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như đứng ngoài cuộc chơi xây dựng đường cao tốc” - câu nói này đã phần nào phản ánh thực trạng hạ tầng giao thông của vùng đất trù phú này trong một thời gian dài.

Cuối năm 2020, ĐBSCL chỉ có hơn 40 km đường cao tốc trên tổng số gần 1.200 km của cả nước, một con số quá nhỏ bé so với tiềm năng và vai trò của vùng. Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, bức tranh đó đã thay đổi đáng kể. Hệ thống đường cao tốc đang dần phủ sóng khắp miền Tây, mở ra những cơ hội phát triển mới cho khu vực.

Từ “vùng trũng” về hạ tầng giao thông

ĐBSCL là vùng đất trù phú với 13 tỉnh, thành phố, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Hiện nay vùng đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây.

Do vậy, khu vực này còn được gọi là vựa nông sản lớn nhất cả nước. Không những thế, ĐBSCL còn sở hữu chuỗi đảo quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn, cản trở sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đưa vào hoạt động từ năm 2010 đến hết năm 2021 vẫn là tuyến cao tốc đầu tiên và duy nhất của khu vực ĐBSCL.

Mặc dù tuyến cao tốc này đã giải phóng con đường độc đạo Quốc lộ 1 từ TP. Hồ Chí Minh đi miền Tây nhưng đến nay đã quá tải và thường xuyên ùn tắc vào những dịp cao điểm lễ, Tết.

dong bang song cuu long dot pha ve ha tang giao thong de phat trien xung tam hinh 1

Bứt phá về hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển cho khu vực ĐBSCL. Ảnh: CA.

Nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn.

Bên cạnh đó theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với các khu vực khác. Đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế.

Đánh giá về thực trạng của ĐBSCL, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, khu vực này có lợi thế về điều kiện tự nhiên với đặc trưng là vùng sông nước, phù sa; đất đai bằng phẳng, màu mỡ; thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhiệt đới.

Gánh vác sứ mệnh quốc gia là vựa lúa, bảo đảm an ninh, an toàn lương thực quốc gia nhưng khu vực này lại đang phải đối diện với sự “nghèo khó, vất vả”. Dù GDP từng vượt trội so với TP. Hồ Chí Minh nhưng hiện nay con số này chỉ bằng 2/3.

Cùng nêu lên thực trạng đáng buồn này, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích cả nước, dân số chiếm 18% cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50%, GDP chiếm khoảng 12% toàn nền kinh tế. Song GRDP bình quân đầu người của vùng lại thấp hơn mức bình quân chung cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển. Hiện ĐBSCL chưa có cảng đầu mối, trung tâm logistics lớn, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp xuống cấp. Nhiều khu vực của vùng đang là “vùng trũng” y tế, giáo dục của cả nước.

Đến những bứt phá ngoạn mục trong xây dựng cao tốc

Xác định hạ tầng giao thông là động lực cho sự phát triển, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực.

Tại cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực ĐBSCL vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km, để khu vực này có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch và cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng.

dong bang song cuu long dot pha ve ha tang giao thong de phat trien xung tam hinh 2

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác đã rút ngắn 50 km từ TP. Hồ Chí Minh về thủ phủ miền Tây. Ảnh: CL.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của vùng để triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia.

Đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.

Đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn, giai đoạn 2021 - 2025, cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550 km cao tốc trong vùng.

Hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (30 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng); triển khai và phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng. Các tuyến đường này thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác cuối năm 2023 mang nhiều ý nghĩa trong giảm thiểu ùn tắc, rút ngắn 50 km từ TP. Hồ Chí Minh về thủ phủ miền Tây; tương đương thời gian đi chỉ khoảng 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây.

Ngoài ra các tuyến cao tốc trục ngang, kết nối các khu vực cũng đã được chú trọng đầu tư xây dựng như khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng vào tháng 6/2023. Dự kiến khởi công tuyến Mỹ An - Cao Lãnh vào cuối năm 2024. Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 27 km với tổng vốn đầu tư 7.496 tỉ đồng, được chia ra 2 dự án thành phần.

Tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (80 km) theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tất cả dự án này đều được sử dụng bằng nguồn đầu tư công và đã được xác định, bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện.

Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thành khoảng 637 km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng gồm cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15 km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (qua Long An dài 21 km), đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74 km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90 km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68 km và tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng dài 150 km.

Để hoàn thành khối lượng khổng lồ này, Bộ GTVT xác định cần có giải pháp tối ưu về nguồn vốn, vật liệu san lấp làm nền đường và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng quyết định đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Do vậy cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tại mỗi địa phương.

Bảo Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Thử tải cầu Long Biên và cầu Đuống, sẵn sàng chạy tàu trở lại

Thử tải cầu Long Biên và cầu Đuống, sẵn sàng chạy tàu trở lại

(CLO) Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tàu hỏa sẽ hoạt động trở lại qua cầu Long Biên và cầu Đuống bắt đầu từ 13h chiều nay (ngày 13/9) sau khi đã được thử tải bảo đảm an toàn.

Giao thông
Hà Nội: Tập trung xử lý cây xanh gãy đổ, bảo đảm an toàn giao thông

Hà Nội: Tập trung xử lý cây xanh gãy đổ, bảo đảm an toàn giao thông

(CLO) Những ngày qua, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để xử lý một khối lượng lớn cây xanh gãy đổ sau bão số 3 nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Giao thông
Thi công Quốc lộ 19 làm nứt nhà dân ở Gia Lai: Nhiều hộ không đồng ý mức đền bù

Thi công Quốc lộ 19 làm nứt nhà dân ở Gia Lai: Nhiều hộ không đồng ý mức đền bù

(CLO) Quá trình thi công lu rung Quốc lộ 19 (Gia Lai) đã làm hàng chục nhà dân bị nứt toác, hư hỏng. Trước thực trạng này, đơn vị thi công đã phối hợp với bên bảo hiểm lên phương án đền bù, hỗ trợ tuy nhiên người dân không đồng ý và cho rằng mức đền bù quá thấp.

Giao thông
Quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Hóa vẫn bị ngập nước

Quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Hóa vẫn bị ngập nước

(CLO) Tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn 2 xã Yên Dương và Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa bị ngập, giao thông qua đây gặp nhiều khó khăn.

Giao thông
Khôi phục nhanh nhất các tuyến vận tải huyết mạch, bảo đảm an toàn giao thông

Khôi phục nhanh nhất các tuyến vận tải huyết mạch, bảo đảm an toàn giao thông

(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công điện số 38/CĐ-BGTVT gửi các cơ quan, đơn vị trong ngành về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và các cầu vượt sông do ảnh hưởng của mưa, lũ sau bão số 3.

Giao thông