Nghi vấn nhóm lợi ích tại TP. Cao Lãnh cần được làm rõ
TAND tỉnh Đồng Tháp vừa ra thông báo số 64/2017/TLST-HC về việc thụ lý vụ án ông Lê Phương Trang (ngụ tại TP.Cao Lãnh) khởi kiện UBND TP. Cao Lãnh, yêu cầu tòa án “Hủy quyết định số 636 ngày 14/10/2016 của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP. Cao Lãnh”.Trước đó, ông Trang đã trải qua 7 năm trần ai khiếu nại đòi quyền lợi hợp pháp.
Theo đó, ngày 10/12/2010, ông Trang nhận chuyển nhượng qua công chứng 1.095m2 đất với hộ ông Đoàn Phú Cường (ngụ TP. Cao Lãnh). Trong ngày, ông nộp hồ sơ xin sang tên QSDĐ nhưng sau đó bị từ chối. Sau khi được giải thích là do TAND TP. Cao Lãnh có quyết định phong tỏa thửa đất, ông hoài nghi có nhóm lợi ích, khi giấy hẹn trả kết quả ghi 22/12, nhưng tới 24/12/2010 tòa mới ký phong tỏa, tại sao chính quyền biết trước để ngăn cản?
Theo tìm hiểu của PV, vợ ông Cường có vay 600 triệu đồng, bên cho vay khởi kiện đòi nợ, yêu cầu tòa phong tỏa đất đã bán cho ông Trang. TAND TP. Cao Lãnh sau đó tuyên xử: Buộc ông Cường có trách nhiệm liên đới trả nợ. Hiện tại, bản án của các cấp tòa tại Đồng Tháp đều bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy vào 27/5/2016 (Báo NB&CL sẽ thông tin riêng).
Sang năm 2011, một phần thửa đất của ông Trang lọt quy hoạch dự án cộng đồng. Ngày 9/5/2011, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP ra thông báo về việc ông Trang được bồi thường 517 triệu đồng. Nhưng tới 14/10/2016, TP. Cao Lãnh lại ra Quyết định số 636/QĐ-HĐBTHT&TĐC điều chỉnh bồi thường hỗ trợ từ ông Trang sang cho hộ ông Cường; ông Trang khiếu nại.
Trả lời công dân, ngày 22/11/2016, Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh Đặng Văn Nang có văn bản khẳng định quyết định thay đối tượng được bồi thường là đúng quy định, nhưng căn cứ mà văn bản đưa ra lại thiếu cơ sở pháp lý theo quy định của Luật đất đai và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai.Theo luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), quyết định số 636/QĐ-HĐBTHT&TĐC trái với khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP
quy định: “HĐ chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại QSDĐ; HĐ hoặc văn bản tặng cho QSDĐ; HĐ thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng QSDĐ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký QSDĐ…”.
Cũng theo luật sư Tâm, giải quyết tranh chấp hợp đồng vay là trách nhiệm của tòa, còn bảo vệ quyền lợi của người mua đất qua công chứng là trách nhiệm của chính quyền, cần rạch ròi. Thế nhưng, chính quyền từ chối áp dụng Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai, để một thương nhân từ TP.HCM tới Đồng Tháp lập nghiệp lung lay niềm tin, phải gõ cửa tòa án.
Dự án Trường Tương Lai, TP. Cao Lãnh đang thi công nhộn nhịp
Lùm xùm tại trường Tương Lai và 33 năm dân khiếu nại
33 năm trước, năm 1984, UBND huyện Cao Lãnh (nay là TP.Cao Lãnh) có chủ trương xây dựng công trình Vườn cây ao cá Bác Hồ. Chính quyền xã Hòa An (nay là P.4) họp dân thông báo (bằng miệng): Khu đất khoảng 33.000m2 của 14 hộ dân sẽ được trưng dụng, dân sẽ được bồi hoàn hoa màu, kiến trúc trên đất và hoán đổi đất nơi khác.
Sau đó, người dân được nhận bồi hoàn 50.000 đồng (đối với nhà gạch), 30.000 đồng (đối với nhà lá), 8.000 đồng (đối với phần mộ) và 8 đồng/1m2 hoa màu trên đất bị thu hồi.
Thu hồi đất xong, địa phương lại bỏ hoang. Năm 1990, khu đất được bàn giao cho UBND tỉnh quản lý; tỉnh cho người dân thuê một phần làm nhà hàng, còn lại khoảng 30.000m2 để mặc cỏ mọc. Bức xúc vì đất bị bỏ hoang, người dân đã khiếu nại nhưng không được giải quyết. Tới năm 2013, khu đất được cho Công ty CP Công nghệ Truyền thông Tương Lai (Công ty Tương Lai) thuê để xây trường học 3 cấp: Tiểu học, THCS, THPT Tương Lai.
Sau 30 năm, 14 hộ dân tưởng chừng tuyệt vọng, thì may thay, ngày 8/10/2014, trong buổi tiếp xúc với các hộ dân, người chủ trì - Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh Đặng Văn Nang đã ghi nhận ý kiến của bà con để báo cáo lãnh đạo tỉnh, dựa trên ý kiến dân để nêu chủ trương giải quyết với 2 phương án: Phương án 1: Tiền cho thuê đất (khoảng 18,0 tỷ đồng) chi trả hỗ trợ hết cho dân; Phương án 2: Tiền cho thuê đất trên hợp đồng trừ đi tiền Tỉnh ủy đầu tư (khoảng 3,5 tỷ) còn lại khoảng 14,5 tỷ hỗ trợ hết cho dân. Người dân sau đó đã đồng thuận việc xây dựng Trường Tương Lai 3 cấp, nhưng khi phát hiện các dấu hiệu còn “khuất tất”, họ tiếp tục khiếu nại.
Cụ thể, ông Lê Quang Hiền, ông Huỳnh Thanh Hùng và ông Lê Trát Công Khanh (cùng ngụ TP.Cao Lãnh) cho rằng chính quyền cần công khai số tiền (khoảng 3,5 tỉ đồng) do Tỉnh ủy đầu tư, tiền cho thuê đất từ 1990 tới nay cho dân biết: Tổng diện tích thu hồi là hơn 32.283,8m2, cho Công ty Tương Lai thuê 24,526,1m2, vậy gần 8.000m2 đất còn lại về tay ai? Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, nay giao cho tư nhân có đúng mục đích không? Công ty Tương Lai (Giám đốc sinh năm 1989, thời điểm làm dự án chỉ mới ngoài 20 tuổi – PV) năng lực thế nào, tại sao lại được chọn không qua đấu giá, được ưu tiên, ưu đãi?...
Mới đây, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận đơn khởi kiện của 03 hộ dân nói trên và đã tổ chức mời người khởi kiện và người bị kiện (UBND TP. Cao Lãnh và UBND tỉnh Đồng Tháp) tới phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cớ và đối thoại giữa các bên tại trụ sở tòa án tỉnh. Tuy vậy, phía UBND TP. Cao Lãnh và UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của người khởi kiện.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Kiên Giang – Hùng Anh