(CLO) Những bất cập xung quanh Dự án BOT quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu đã xảy ra trong một thời gian dài. Để làm rõ vấn đề này, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc, kết quả bước đầu cho thấy, dự án có nhiều sai phạm. Tuy nhiên vấn đề hiện đang đem lại sự “cấn cá” với nhiều người đấy là việc sử dụng, chuyển nhượng vốn tại chủ dự án là Công ty phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC).
Chuyển vốn có đúng quy định?
Đây không phải lần đầu dự án có tổng vốn 4.000 tỉ này bị thanh tra “sờ gáy”. Ngày 10.1.2013, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết luận 98/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện dự án BOT quốc lộ 51. Theo kết luận này thì dự án BOT quốc lộ 51 đã có hàng loạt những sai phạm như: Dự án không đảm bảo được tiến độ, việc ký hợp đồng cũng như quyết định đầu tư BOT chưa khả thi hoặc chưa chính xác… Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử ký kiểm điểm nghiêm túc với những cá nhân, tập thể có liên đới.
[caption id="attachment_133316" align="aligncenter" width="665"]
Quốc lộ 51 với nhiều sai phạm đã được vạch ra.[/caption]
BVEC là doanh nghiệp dự án được thành lập 15.12.2008 theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai với số vốn điều lệ là 1.750 tỉ. Trong đó cổ đông sáng lập là Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV đăng ký mua số cổ phần trị giá 1557,5 tỉ đồng.
Thế nhưng tính đến 4.2016 thì các cổ đông sáng mới góp …7% và đến thời điểm 30.5.2016 thì các cổ đông sáng lập lúc này là Thái Ninh, DIC, IDICO mới mua được 307 tỉ, đạt 17,5%.
Theo mục 1 điều 84 Luật doanh nghiệp thì “các cổ đông sáng lập phải đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông và phải thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký trong 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận kinh doanh” và “sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với vổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ”.
[caption id="attachment_133317" align="aligncenter" width="420"]
Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng[/caption]
Như vậy đã gần 8 năm trôi qua, số cổ phần các cổ đông sáng lập mua chỉ đạt 17,5% vốn điều lệ công ty. Không những thế việc chuyển nhượng các cổ phần sáng lập này cũng đang có những khuất tất được đặt ra với dư luận.
Theo đó, Dự án BOT QL 51 có 3 cổ đông sáng lập là IDICO, Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư VÀ Phát triển Việt Nam (BIDV). Thế nhưng một số nhà đầu tư đã âm thầm chuyển phần vốn cho những đối tác khác. Cụ thể Tổng công ty Sông Đà chuyển vốn cho DIC, BIDV chuyển vốn cho Công ty Cổ phần Thái Ninh.
Việc chuyển nhượng cổ phần này đã vi phạm hàng loạt những quy định của pháp luật. Đầu tiên là vi phạm điều 18 Nghị định 108/2009/NĐ-CP và điều khoản hợp đồng số 21/HĐ.BOT-QL51 cũng ghi: “Các trường hợp chuyển nhượng phải được phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải”. Quy định là vậy nhưng thực tế BVEC đã không báo cáo và không xin phép theo đúng thủ tục.
[caption id="attachment_133318" align="aligncenter" width="720"]
Dự án này đã từng bị Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Xây dựng “sờ gáy”![/caption]
Mặt khác, theo điều 23 Nghị định 102/2010/ NĐ-CP quy định về cổ đông sáng lập. Theo quy định này thì những cổ đông sáng lập là IDICO, Tổng công ty Sông Đà và BIDV do không đăng ký mua và thanh toán đủ 20% số cổ phần trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp phép đăng ký kinh doanh thì “không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần chưa thanh toán cho người khác”. Tại mục 3 điều 8, điều lệ công ty cũng ghi rõ: “Cổ phần chưa được thanh toán đầy đủ thì không được chuyển nhượng và hưởng cổ tức”.
Như đã phân tích, việc cổ đông sáng lập là ngân hàng BIDV và Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) – theo hợp đồng 02/CNCP/DIC-Thai Ninh ký ngày 12.9.2014 chuyển nhượng cổ phần cho Cty Thái Ninh là trái với các Nghị định mang số 108/2009/NĐ-CP và Nghị định 102/2010/ NĐ-CP .
“Tiền trảm, hậu tấu”?
Ngày 21.3.2016, BVEC đã có văn bản báo cáo nhằm giải thích về việc thực hiện chuyển nhượng cổ đông. Theo đó, BVEC cho rằng các cổ đông sáng lập được phép chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông.
Cụ thể, việc Sông Đà chuyển nhượng 30% cổ phần của mình cho DIC có hợp đồng chuyển nhượng ngày 6.1.2011, có nghị quyết Đại hội cổ đông ngày 2.2.2011. Việc BIDV chuyển 10% cổ phần cho Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) có hợp đồng ngày 6.5.2011, có nghị quyết cổ đông ngày 8.3.2011. Sau đó BEDC chuyển nhượng 21% cổ phần cho Thái Ninh có hợp đồng ngày 7.6.2011, có nghị quyết đại hội cổ đông 26.8.2011.
Việc DIC chuyển 5% cổ phần cho Thái Ninh có hợp đồng ngày 7.6.2011 và có nghị quyết 26.8.2011. Phía BVEC cho rằng “ việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông BVEC đã thực hiện đúng luật doanh nghiệp và điều lệ tổ chức hoạt động của công ty”
Song chỉ cần nhìn và ngày tháng ký hợp đồng và ngày tháng ra nghị quyết công ty có thể thấy ngay: Hầu hết các hợp đồng được ký kết trước khi có sự chấp thuận của Đại hội cổ đông BVEC. Hiện dư luận đang mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những vấn đề như: BVEC có đủ điều kiện để chuyển nhượng cổ phần hay không? Việc BVEC chưa mua đủ 20% cổ phần theo quy định tại sao vẫn được cấp giấy chứng nhận kinh doanh?...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên
Lâm Sơn