(NB&CL) Dự án khu Đô thị 31 ha tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm- Hà Nội dù đã được bắt đầu khởi động từ năm 2004, song đến nay, qua 13 năm vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng đường số 3 và 4 nối đường Ngô Xuân Quảng với khu đất đấu giá, do vấp phải sự phản đối của 5 hộ dân tổ dân phố Thành Trung.
Xác định sai nguồn gốc đất
Theo đó, nguồn gốc đất mà 5 hộ dân đang sử dụng là đất thổ cư hình thành từ 1954, trước đây là Trạm y tế thuộc Nông trường Quốc doanh trồng Bông, sau đó được xây dựng thành khu gia đình cũ của trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp). Năm 1977, QĐ số 49/NN-RĐ/QĐ của Bộ Nông Nghiệp cắt hơn 4 ha của khu gia đình cũ để xây dựng Học viện Kinh tế Nông Nghiệp. Năm 1987, Bộ NN và CNTP ra QĐ số 42/VP-QĐ chuyển trụ sở Viện KTNN sang số 6 Nguyễn Công Trứ - Hà Nội làm việc; trụ sở cũ thành khu gia đình cho CBCNVC, với diện tích 1,6 ha. Như vậy nguồn gốc đất của các hộ đang sử dụng là đất thổ cư. Trong khi đó phương án dự thảo lại xác định là đất NN áp giá 186.900 ĐVN/1m2. Phương án chính thức lần 1 lại chuyển sang áp giá 35.000 ĐVN/m2. Đến phương án lần 2 vẫn áp giá 35.000 ĐVN/m2 đối với đất vượt hạn mức, tất cả các hộ đều bị áp giá này. Đặc biệt gia đình ông Trần Xuân Nam bị thu hồi hơn 412 m2 x 35.000 đ/m2, gia đình ông Quế 369 m2 x 35.000 đ/m2, các gia đình khác khi có đất vượt hạn mức cũng bị áp giá như vậy. Phương án đền bù cho các gia đình bị thu hồi đất đều bị UBND huyện chia ra 3 loại đất: Đất ở, đất nông nghiệp và đất không phân là loại gì chỉ đền bù 35.000 đ/m2. Khi người dân hỏi 35.000 ĐVN/1 m2 là giá cho loại đất nào thì không cán bộ nào trả lời được(?).
[caption id="attachment_165039" align="aligncenter" width="640"]
Dự án khu Đô thị 31 ha tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm- Hà Nội 13 năm vẫn chưa hoàn thành khâu GPMB.[/caption]
Trong khi đó, diện tích đất các gia đình đã sử dụng từ 1977 đến nay đã được Viện xác nhận về nguồn gốc đất, số lượng các loại đất v.v… và được UBND thị trấn Trâu Quỳ xác nhận mốc giới, bản đồ trích lục có số thửa và không có tranh chấp. Vậy mà UBND Thị trấn Trâu Quỳ đã tự ý sửa chữa số liệu mà chính mình xác nhận năm 2014, ra các số liệu không đúng thực tế từ đất thổ cư thành đất nông nghiệp, đất lấn chiếm; từ đất có nhà ở 200 m2 qui đổi chỉ được hưởng 120 m2 đất ở theo qui định mới. Thậm chí đất ở ổn định từ 1985 sửa thành đất ở sau năm 1993.
Theo các hộ dân, các gia đình cán bộ được giao 1 hoặc 2 gian nhà tạm và 6 m2 bếp phần đất đằng trước. Phần phía sau và đầu hồi các hộ tự khai phá cải tạo để mở rộng công trình, hoặc sử dụng làm vườn, đều diễn ra từ trước 15 tháng 10 năm 1993; các hộ gia đình đã đóng thuế từ 1994 đến nay. Cho nên việc áp giá đền bù chỉ được hưởng 60% đối với đất giao trái thẩm quyền, là không đúng.
Thắc mắc của dân chưa được làm rõ
Trong đơn thư khiếu nại và các cuộc đối thoại trực tiếp với cơ quan chức năng địa phương, các hộ đã đưa ra những thắc mắc như: Vì sao con đường số 3 chỉ chưa đầy 200 m và đường số 4 chỉ trên 200 m mà lại thiết kế hình cong, có phải để lấy thêm nhiều đất của các hộ dân? Tại một cuộc họp giữa đại diện chính quyền địa phương và các hộ, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ, chủ trì cuộc họp đã có ý kiến trong biên bản: Đề nghị xác định lại nguồn gốc đất theo đúng như biên bản xác nhận năm 2014 (biên bản có dấu của Viện và UBND thị trấn Trâu Quỳ). Vậy nhưng đến nay, tại sao đề nghị đó chưa được thực hiện?
Trường hợp gia đình bà Phạm Thị Men, là con liệt sỹ, đã nộp giấy chứng nhận cho chính quyền, nhưng không được các cơ quan lưu tâm, đưa vào hồ sơ để tính phương án đền bù. Hoặc, gia đình ông Trần Xuân Nam, dù thực tế ông có 4 hộ, thể hiện cụ thể trên 4 sổ hộ khẩu được cấp, nhưng khi thống kê lại ghi 02 hộ; lúc kê khai phương án đền bù lại ghi 3 hộ. Ngay cả khi tính 3 hộ, cũng ghi nhầm số nhân khẩu trong gia đình. Có một điều nực cười là nếu nhận tiền đền bù theo phương án của huyện Gia Lâm, sau khi đóng các loại thuế, gia đình ông Nam không đủ tiền để nộp mua diện tích tại khu dự án mới. Nghĩa là sau khi bị thu hồi xong, ông phải đóng thêm hàng trăm triệu đồng mới được ra chỗ ở mới dù diện tích khu mới chỉ bằng khoảng 1/4 diện tích đất ông đang ở. Còn gia đình ông Nguyễn Quang Thoại, cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu cũng hết sức bất bình vì khi đo đạc, gia đình ông có diện tích thực tế là 115,7 m2, nhưng chỉ ghi là 81,5 m2 và cho tái định cư 81 m2. Ông đề nghị phải được đổi đủ đất, vì diện tích nhà ông dưới 120 m2 (theo Luật). Điểm nữa khiến ông hết sức bức xúc là mặc dù gia đình ông đã có đơn khiếu nại, đang trong thời gian chờ giải quyết, nhưng căn nhà của ông đã bị phá dỡ 2/3 mà ông không hề được thông báo.
Trong hơn một năm, qua hàng chục cuộc họp với dân, các hộ đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án để sửa chữa những sai sót nhưng không được chấp thuận. Lần gần đây nhất, phóng viên đã được trực tiếp tham dự cuộc đối thoại giữa ông Nguyễn Ngọc Thuần (Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì) cùng các cơ quan chức năng với đại diện 5 hộ dân. Dù ông Thuần hứa sẽ giải đáp mọi thắc mắc của các hộ dân, song, khi mới bắt đầu phần trả lời đầu tiên, ông đã thấy bế tắc và xin dừng cuộc họp để xin ý kiến lãnh đạo. Đến nay, ông Thuần vẫn chưa trở lại đối thoại với các hộ dân, trong khi thời hạn khiếu nại của công dân lên thành phố đã hết.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Chiến Văn