Dự án Trường Ca Kịch Viện: Khi “Gen Z” bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng công nghệ số

Thứ năm, 14/04/2022 09:55 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong thời đại số, nhiều ý kiến lo ngại rằng văn hóa dân gian sẽ gặp khó khi tiếp cận lớp người trẻ. Tuy nhiên, đây đó vẫn có những người trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống và bảo tồn nó bằng cách làm rất “trẻ”. Trường Ca Kịch Viện là một dự án như thế.

Bởi người trẻ, vì người trẻ

Ra đời năm 2020, dự án Trường Ca Kịch Viện do một nhóm bạn trẻ thuộc thế hệ Z thực hiện, nhằm xây dựng một “bảo tàng” online về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam. Trường Ca Kịch Viện được biết đến với việc ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn văn hóa truyền thống, mang đến những thông tin cơ bản về các loại hình sân khấu quen thuộc như rối nước, chèo, tuồng, cải lương... và cả những diễn xướng có tính địa phương như Bả Trạo, Ổi Lỗi, trò Xuân Phả…

du an truong ca kich vien khi gen z bao ton nghe thuat truyen thong bang cong nghe so hinh 1

Poster sự kiện “Bắc Nhịp Tang Bồng” của Trường Ca Kịch Viện

Nói về quá trình thành lập dự án Trường Ca Kịch Viện, Nguyễn Hữu Dương - người sáng lập dự án (vốn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hiện là sinh viên Đại học Pomona, Mỹ) cho biết, xuất phát từ thực tế là các bạn trẻ hiện nay đều sử dụng internet trong cuộc sống hằng ngày nên anh đã có ý tưởng và xây dựng dự án này, mục đích nhằm quảng bá, lưu truyền và gìn giữ các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam trên các nền tảng số.

“Trong thời đại hội nhập văn hóa và sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại, các hình thức sân khấu và diễn xướng dân gian đang ngày càng nhận được ít sự quan tâm, hiểu biết của các bạn trẻ. Nhiều bạn nghĩ rằng nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất nhàm chán, khó hiểu nên không bao giờ tiếp xúc.

Trường Ca Kịch Viện sử dụng nền tảng số để đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam tới các bạn trẻ, để các bạn trẻ khác cũng thấy được cái hay, cái đẹp, cái liên quan đến đời sống hiện đại của nghệ thuật nước nhà, để rồi yêu nó, để rồi mong muốn góp phần gìn giữ nó”, Nguyễn Hữu Dương nói.

du an truong ca kich vien khi gen z bao ton nghe thuat truyen thong bang cong nghe so hinh 2

Các thành viên Trường Ca Kịch Viện tại triển lãm phối hợp tổ chức với Espelune, năm 2021. Ảnh: TCKV

Lý giải về tên gọi của dự án, Bùi Yến Linh - Trưởng Ban Tổ chức dự án cho biết, “Ca Kịch” là kịch và ca hát, gắn với chữ “Trường” thể hiện sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn dân tộc. “Viện” ở đây có thể hiểu là một “học viện” hay “viện bảo tàng” nhằm sưu tầm, trưng bày và chuyển tải những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật dân tộc.

“Trường Ca Kịch Viện được thành lập với mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với mọi người thông qua ứng dụng nhân văn số. Dự án mong rằng những đóng góp nhỏ bé của mình phần nào có thể rút ngắn khoảng cách của mọi người với những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ”, Yến Linh nói.

Linh cũng cho hay, nhóm Trường Ca Kịch Viện thường xuyên duy trì trên 20 thành viên, đều là những bạn trẻ tuổi từ 17 đến 22 là học sinh THPT và sinh viên, yêu thích văn hóa, nghệ thuật dân tộc. “Khi có những thành viên vì ra nước ngoài học, hoặc vì lý do riêng không tham gia dự án, Trường Ca Kịch Viện lại tuyển thành viên mới. Mỗi đợt như vậy, có đến hơn 100 đơn, tụi em lại lọc ra vài chục đơn rồi mới phỏng vấn, tìm ra những người phù hợp”, Linh cho biết.

Thông qua những nền tảng trực tuyến như Facebook và website, Trường Ca Kịch Viện tổng hợp và phổ biến kiến thức về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống tới công chúng mà trước hết là giới trẻ. Vào trang web truongcakichvien.com, hẳn nhiều người bất ngờ với khối lượng kiến thức khá phong phú cùng cách trình bày đồ họa hấp dẫn. Điều này đã tạo hiệu ứng tốt với giới trẻ, đưa họ đến gần hơn với các loại hình sân khấu truyền thống.

du an truong ca kich vien khi gen z bao ton nghe thuat truyen thong bang cong nghe so hinh 3

Khách nước ngoài xem triển lãm của Trường Ca Kịch Viện. Ảnh: TCKV

Theo Bùi Yến Linh, cho tới thời điểm hiện tại, Trường Ca Kịch Viện đã tổ chức được 15 triển lãm online với một số chủ đề: Tuồng và Hát bội thời Pháp thuộc, Sự khác biệt giữa một số nhạc cụ Việt Nam và Trung Quốc, Hệ thống nhân vật trong Chèo, Những vở Cải lương kinh điển… Fanpage của dự án có gần 5.000 lượt theo dõi và hàng trăm lượt tương tác; website của nhóm đã có gần 100.000 lượt truy cập và nhận được ủng hộ lớn từ đối tượng khán giả trẻ.

Về hoạt động offline, trong năm 2021, Trường Ca Kịch Viện đã đồng tổ chức một triển lãm ảnh với dự án Espelune, thu hút nhiều khách nước ngoài tham quan. Trong năm 2021, Trường Ca Kịch Viện cũng đã tham gia Festival Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam do Đại học RMIT tổ chức, đồng thời tổ chức chuỗi workshop “Sống với Văn hóa dân gian” để chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn các giá trị truyền thống bằng ngành công nghiệp sáng tạo và trong các nền tảng số...

Đạt một vài thành công gây tiếng vang ban đầu, nhưng Bùi Yến Linh cho biết, mục tiêu của dự án còn “tham vọng” hơn, khi nhóm mong muốn Trường Ca Kịch Viện trở thành một wiki về nghệ thuật truyền thống. Tại đây, công chúng được tiếp cận với một kho lưu trữ kiến thức lớn, có độ tin cậy, chính xác về những loại hình cơ bản của nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam.

“Làm mới” nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Trường Ca Kịch Viện đã và đang góp phần giới thiệu, quảng bá đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ những “món ăn” mới lạ, sáng tạo mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Những người còn rất trẻ này luôn trân trọng văn hóa dân tộc, tìm nhiều cách kết nối và làm sống lại nhiều giá trị vốn quý ngàn năm của cha ông. Ông Tiến Tân - nguyên cán bộ Nhà hát Tuồng Việt Nam đánh giá, trong lúc nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn về đời sống, về khán giả, các bạn trẻ Trường Ca Kịch Viện đã làm tốt công việc lan tỏa cần thiết cho sân khấu Việt Nam, đó là điều rất đáng quý.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để dự án bảo tồn nghệ thuật phát huy hiệu quả thì người trẻ cần được trực tiếp cảm nhận trong chính không gian nghệ thuật truyền thống ấy. Theo ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, muốn người trẻ xem chèo, tuồng, cải lương… bây giờ không thể “bắt” họ xem những tích cổ với những câu chuyện xa vời mà cần những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống hiện đại, do đó cần tạo ra những sản phẩm mới và cả cách biểu hiện mới.

Ông Vinh nhận xét, việc hoạt động online trên các nền tảng số khá phù hợp với giới trẻ nhưng đây mới “chỉ là một phần”. Quan trọng hơn, người trẻ cần được “nhúng” vào trong không gian của nghệ thuật truyền thống bằng những trải nghiệm offline thì mới cảm nhận được hết nét tinh túy và xúc cảm văn hóa dân tộc.

du an truong ca kich vien khi gen z bao ton nghe thuat truyen thong bang cong nghe so hinh 4

Một số thành viên nhóm Trường Ca Kịch Viện.

Được biết, sau thời gian chủ yếu hoạt động online trên website và Facebook do dịch bệnh, tới đây, Trường Ca Kịch Viện sẽ mở đầu các hoạt động offline bằng chuỗi sự kiện “Bắc nhịp tang bồng”. Sự kiện này diễn ra vào ngày 15/4 và kéo dài đến ngày 15/5/2022 tại Toong Tràng Thi (Số 8, Tràng Thi, Hà Nội) với sự tham gia của 25 nghệ sĩ và gần 100 tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật biểu diễn truyền thống, kết hợp song song với các sự kiện khác.

“Bắc nhịp tang bồng được ra đời với mục đích đem các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ đến gần với công chúng, tạo dịp gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ cùng chung sự quan tâm và yêu mến nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ có thể giao lưu, chia sẻ và quảng bá sản phẩm của mình, đồng thời đem không gian trải nghiệm nghệ thuật dân tộc tới đông đảo các đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ” - Yến Linh chia sẻ.

Dự án Trường Ca Kịch Viện cho thấy giới trẻ không quay lưng với truyền thống mà nghệ thuật truyền thống cần thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với thị hiếu của công chúng trẻ. Với quan niệm, văn hóa truyền thống không phải là thứ bất biến, nó liên tục được sáng tạo, làm mới để vận hành trong dòng chảy của đời sống đương đại, những người trẻ của nhóm Trường Ca Kịch Viện đã “khoác áo mới” cho văn hóa dân gian bằng thế mạnh của công nghệ thời đại số.

T.Toàn

Tin khác

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa