Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn đưa Thanh Hoá phát triển

Thứ tư, 23/11/2022 20:56 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đã xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành công nghiệp không khói

Có thể thấy, với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của các vùng kinh tế là: miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc.

du lich se la nganh kinh te mui nhon dua thanh hoa phat trien hinh 1

Du lịch Sầm Sơn khởi sắc trong nhiều năm trở lại đây

Cùng với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa có Di tích cấp quốc gia đặc biệt là: Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng tích Sầm Sơn.

Tỉnh Thanh Hóa có 102 km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…; cùng nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, Thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã…

Thanh Hóa cũng là vùng đất có nhiều các lễ hội truyền thống đặc sắc, văn hóa ẩm thực phong phú. Vì vậy, tỉnh Thanh có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

Có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn du khách. Đồng thời, với sự nỗ lực của tỉnh và các địa phương trong công tác tuyên truyền, quảng bá, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của xứ Thanh, bắt đầu có sự quan tâm để tạo cho Thanh Hóa một sức bật mới về du lịch.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự.

Đồng hành phát triển

Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 10.557.700 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022; tổng thu du lịch đạt: 19.340 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107,9% kế hoạch 2022.

du lich se la nganh kinh te mui nhon dua thanh hoa phat trien hinh 2

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết, những kết quả tích cực của ngành du lịch Thanh Hoá năm 2022 phần lớn dựa vào sự lãnh, chỉ đạo, định hướng quyết liệt của các ngành chức năng. Cùng đó, tỉnh Thanh Hoá tích cực, chủ động, tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; tỉnh cũng chuẩn bị tốt các điều kiện về an ninh, an toàn, nhân lực để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch ngay sau khi "mở cửa" trở lại.

Đặc biệt, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao sau 2 năm bị gián đoán bởi đại dịch COVID-19; thời tiết thuận lợi cho du lịch biển - loại hình du lịch có thế mạnh của tỉnh Thanh Hoá.

Đối với các sản phẩm du lịch biển, việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn.

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

du lich se la nganh kinh te mui nhon dua thanh hoa phat trien hinh 3

Sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Ảnh: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đạt 7,4%/năm, tổng thu du lịch tăng trưởng 18,1%/năm.

Cùng với việc đẩy mạnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch, hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã; tuyến đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; dự án đường từ Quốc lộ 1A nối với Khu Du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh...

Đặc biệt, việc kết nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với các địa phương thuộc 4 khu vực trọng điểm phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần hình thành nên các tour nội địa hấp dẫn, thu hút dòng khách “tiềm năng” đến với Thanh Hóa.

du lich se la nganh kinh te mui nhon dua thanh hoa phat trien hinh 4

Khu di tích Lam Kinh là địa phương đầu tiên được ứng dụng công nghệ sản phẩm du lịch thông minh

Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư phát triển và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. Phát triển du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan.

Bên cạnh đó, về đóng góp xã hội, du lịch góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho các ngành nghề liên quan, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Với tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 40.600 lao động.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Du lịch chuyển đổi số

Tại Thanh Hóa, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch diễn ra tương đối mạnh thời gian qua. Thanh Hóa là 1 trong 4 địa phương được Tổng cục Du lịch lựa chọn để xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

du lich se la nganh kinh te mui nhon dua thanh hoa phat trien hinh 5

Khu di tích lịch sử Lam Kinh từng chuẩn bị sẵn các mã QR để du khách nghe thuyết minh về khu du lịch

Thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã chủ động, tích cực tham mưu, triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về tiếp cận công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.

Từ đó, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả các chủ thể liên quan… Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone triển khai thực hiện thí điểm xây dựng nội dung công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR); cài đặt ứng dụng du lịch thông minh để cung cấp thông tin cho khách du lịch ở bốn địa điểm: Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên và Pù Luông.

Với những tín hiệu đáng mừng thời gian qua, việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, làm khởi sắc du lịch tỉnh nhà sau những năm khó khăn vì đại dịch COVID-19; góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

(CLO) Chiều 19/9, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở ủng hộ việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đời sống văn hóa
Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.

Đời sống văn hóa
Lùi Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 sang tháng 12

Lùi Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 sang tháng 12

(CLO) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất với tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh lùi thời gian tổ chức Ngày hội sang tháng 12 năm 2024.

Đời sống văn hóa
Giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Trung

Giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Trung

(CLO) Giao lưu văn hóa “Gió trăng chung một bầu trời, Núi sông nối liền Việt - Trung” góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Đời sống văn hóa
Hà Nam: Nhiều hoạt động tại Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024

Hà Nam: Nhiều hoạt động tại Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024

(CLO) Tối 18/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), UBND huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương tổ chức Khai mạc Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024, nhân kỷ niệm 724 năm ngày mất của Đức Thánh Trần.

Đời sống văn hóa