Du lịch Việt Nam: Tìm “chìa khóa vàng” để bứt phá nhanh sau đại dịch!

Thứ năm, 08/04/2021 09:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, với lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, ngành du lịch sẽ bứt phá nhanh sau khi kết thúc dịch bệnh.

1.Trong 10 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về cả số lượng du khách trong và ngoài nước, lẫn doanh thu từ ngành du lịch. Riêng về số lượng du khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng mỗi năm luôn đạt trên 2 con số.

Ví dụ, năm 2010, cả nước đã đón 5 triệu lượt khách quốc tế, cùng 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ ngành du lịch đạt 96.000 tỷ đồng, đóng góp 5% GDP cả nước.

Báo Công luận

Cho tới năm 2019, toàn ngành đã tiếp đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa. Sau 10 năm, cả du khách nội và quốc tế đều tăng 3,5 lần. Đặc biệt, doanh thu từ ngành du lịch trong năm 2019 đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 7,5 lần so với 10 năm trước. Đóng góp 9,2% vào GDP. Năm 2019, Việt Nam đã đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Trong khối ASEAN, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn, vươn lên vị trí thứ 4 trong khu vực, vượt xa các quốc gia như Philippine hay Indonesia. Với tốc độ tăng trưởng không ngừng nghỉ, ngành du lịch Việt Nam trong năm 2020 được dự báo sẽ đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, và xấp xỉ 100 triệu lượt khách nội địa.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch “vỡ mộng”, các chỉ số của ngành du lịch đều suy giảm nghiêm trọng. Kết thúc năm 2020, tổng lượt khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, mức giảm tương đương 19 tỷ USD.

Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

2. Trong một năm qua, Chính phủ cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau quá trình kiểm soát đại dịch.

Một trong những giải pháp đã đem lại hiệu quả tích cực, chính là việc kích cầu du lịch nội địa, nhằm trám vào khoảng trống của du khách quốc tế. Một số dấu ấn có thể thấy, doanh thu từ du lịch trong 6 tháng cuối năm 2020 đã tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm. Các công ty lữ hành, khách hàng bắt đầu đón khách trở lại.

Bà Nguyễn Trần Kim Thanh - Quản lý cấp cao của Traveloka nhận xét, thị trường du lịch nội địa của Việt Nam đang dẫn đầu về khả năng phục hồi so với các quốc gia khác mà ứng dụng đặt phòng trực tuyến này hoạt động.

Bà Thanh cho rằng, dù đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề ngành du lịch, song chính dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp lữ hành thay đổi về tư duy tiếp thị, vừa phải tập trung vào người dân địa phương, tìm hiểu sâu nhu cầu của họ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất; và đồng thời phải đặt ưu tiên về sức khỏe và an toàn của du khách lên hàng đầu bên cạnh việc truyền cảm hứng về du lịch và khám phá.

Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) khẳng định: Việc kích cầu du lịch nội địa chỉ mang lại lợi ích rất nhỏ cho ngành du lịch. Trên hết, mọi lợi ích nằm trong tay du khách quốc tế.

Bởi, mức chi tiêu của du khách nước ngoài cao hơn nhiều so với du khách nội địa. Cụ thể, mức chi tiêu bình quân của du khách nước ngoài đạt vài nghìn USD, thì du khách nội chi tiêu khoảng 200 - 300 USD/người.

Bên cạnh đó, đặc điểm của du khách nội địa là đi du lịch theo mùa. Ví dụ, vào các tháng mùa đông, các bãi biển tại miền Bắc tương đối vắng khách. Do đó, những mùa ít du khách nội địa, sẽ có khách du lịch quốc tế bù vào, tạo công ăn việc làm cho ngành du lịch liên tục trong suốt 1 năm.

Empty

Cuối cùng, khách du lịch quốc tế trải dài nhiều phân khúc, từ du lịch ba-lô dưới 1 sao, cho tới nghỉ dưỡng ở các khu du lịch 5 sao cao cấp. Họ đã tạo ra công ăn việc làm cho tất cả các dải dịch vụ của ngành du lịch. Trong khi đó, khách nội thường tập trung trong phổ từ 2 sao - 3 sao.

Dù vậy, ông Chính rất lạc quan về sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam, sau khi đại dịch kết thúc. Bởi, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, như một nền lịch sử lâu đời, văn hóa vùng miền đa dạng, món ăn ngon, tốt cho sức khỏe, thiên nhiên ban tặng cho nhiều bãi biển đẹp,... Đặc biệt, phí dịch vụ, phí du lịch tại Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết: Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tìm giải pháp khả thi đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch.

Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ dự kiến triển khai giai đoạn thí điểm, trên nguyên tắc dựa vào hộ chiếu vắc-xin, kết hợp công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.

3. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, thế nhưng, hiện tại, ngành du lịch vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đang cản trở cho sự bứt phá sau khi đại dịch kết thúc.

Đồng tình với nhận định này, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, một trong những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam nằm ở việc quảng bá văn hóa, quảng bá du lịch chưa tốt. Nói tóm gọn là khâu marketing còn bất cập.

Ông Chính lấy ví dụ: Trong 3 năm gần đây, Hàn Quốc là một trong 3 quốc gia có số lượng du khách tới Việt Nam du lịch đông nhất. Và người Hàn Quốc rất ưa chuộng ẩm thực của người Việt, không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe.

Trên thực tế, nền ẩm thực của Việt Nam không được nhiều du khách quốc  tế biết tới, hoặc họ chỉ biết một số món ăn đặc trưng như phở, bánh mỳ hay cà phê. Nhiều du khách chưa từng tới Việt Nam nghĩ rằng, người Việt quanh năm suốt tháng chỉ ăn các món như vậy.

Nhìn sang các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Singapore, họ làm rất tốt việc quảng bá ngành du lịch, bằng cách mở các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu thị trường nước ngoài, tìm hiểu thói quen, hành vi, gu ẩm thực của các nước sở tại. Sau đó, tổ chức một số lễ hội văn hóa, các lễ hội ẩm thực tại đất nước đó, nhằm giới thiệu các nét đẹp văn hóa, các món ăn đặc trưng và đưa ra các gói du lịch phù hợp để người dân lựa chọn.

Đó chính là lý do vì sao, người Việt chưa bao giờ đi Thái Lan, nhưng vẫn biết món ăn nổi tiếng nhất của họ là Tom-Yum hoặc lẩu Thái,... Singapore thì có cơm gà Hải Nam, hoặc cháo ếch;....”, ông Chính nói.

Cũng theo đánh giá của ông Chính, ngay cả việc quảng bá du lịch trong nước, tiếp cận với du khách nội địa cũng dừng ở mức yếu kém.

Ở nhiều quốc gia, mọi người đều biết vùng này có món ăn nào là đặc sản. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả người Hà Nội cũng không thể biết được Phú Quốc có món gì ngon, hoặc vùng Châu Đốc đặc sản là gì. Như vậy, có thể thấy, việc marketing ngay tại trong nước còn hạn chế”, chuyên gia của TAB nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ông Hoàng Nhân Chính kiến nghị, Chính phủ, cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, có thể mở một số lễ hội Việt Nam ra quốc tế, hoặc thành lập cơ quan xúc tiến du lịch ở nước ngoài, tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá.

Lâm Vũ

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn