(Congluan.vn) - Tại hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn của doanh nghiệp” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 23/4, bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho hay, dự thảo sửa đổi Bộ luật này chuẩn bị trình Quốc hội sẽ không còn các tội danh: cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165); kinh doanh trái phép (điều 159); báo cáo sai trong quản lý kinh tế (điều 167) và quảng cáo gian dối (điều 168).
[caption id="attachment_14153" align="aligncenter" width="500"]
Hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn cộng đồng doanh nghiệp”. Ảnh VOV[/caption]
Đây là một trong những thay đổi quan trọng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Lý do chung của việc bãi bỏ các tội này, theo cơ quan soạn thảo, là xuất phát từ yêu cầu phát huy tính năng động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh tế. Cơ quan soạn thảo và nhiều các chuyên gia đều cho rằng điều này sẽ giúp loại bỏ được những rào cản rất lớn đối với sản xuất kinh doanh.
Bình luận về tội kinh doanh trái phép được quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, LS Trương Thanh Đức (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cho rằng đây là một hạn chế rất lớn đối với quyền tự do kinh doanh. Trong khi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi này chưa đến mức phải xử lý hình sự, nhất là khi đã có các tội khác như tội trốn thuế, tội lừa dối khách hàng… để xử lý sai phạm.
Còn theo bà Lê Thị Hòa, Luật Đầu tư 2014 đã quy định những lĩnh vực cấm kinh doanh và những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, một số lĩnh vực khác thì Bộ luật Hình sự đã có quy định cụ thể như tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, hoặc tội phạm trong lĩnh vực đất đai, bảo hiểm, buôn bán vũ khí… Do đó, việc duy trì tội danh này là không cần thiết trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như hiện nay.
Về tội cố ý làm trái, cơ quan soạn thảo cho rằng nền kinh tế thị trường lành mạnh đòi hỏi nhà nước xây dựng hành lang pháp lý để người dân được quyền làm những điều pháp luật không cấm, năng động, tìm tòi, sáng tạo để làm giàu cho bản thân và xã hội. Việc duy trì tội này sẽ không đáp ứng được yêu cầu đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tội này được coi như một “cái túi” để xử lý tất cả những trường hợp cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Nỗi sợ vướng vào tội này đã làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh. “Đây thực sự là rào cản rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế” – bản thuyết minh của cơ quan soạn thảo khẳng định.
Cũng có ý kiến cho rằng không nên bỏ tội danh này vì trong khi chưa thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này có những trường hợp phạm tội sẽ không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, nhằm không bỏ lọt tội phạm, dự thảo đã bổ sung một số tội danh mới mang đặc trưng của tội cố ý làm trái vào từng lĩnh vực cụ thể như chứng khoán, bảo hiểm…, đồng thời làm rõ cấu thành tội phạm của các tội phạm đã có sẵn như trốn thuế…
Liên quan đến vấn đề này, đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động và quy định này nhận được sự đồng tình gần như tuyệt đối.
Một vấn đề khác cũng hết sức được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là việc dự thảo Bộ luật Hình sự bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế thành một chương riêng.
Cơ sở thực tiễn của thay đổi này là các vụ việc gây rúng động dư luận thời gian qua như vụ việc Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan xả thải “giết” sông Thị Vải, Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty Tung Kuang tại Hải Dương xả thải trộm, Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn thuốc trừ sâu… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không xử lý được triệt để do thiếu nguồn quy định pháp luật.
Còn việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe, bởi các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nhiều lần để duy trì hoạt động. “Những bất cập về mức xử phạt hành chính, việc thiếu thủ tục tư pháp chặt chẽ và nhất là thiếu sự vào cuộc của một cơ quan điều tra chuyên nghiệp đã làm việc xử lý kém hiệu quả”, thuyết minh của cơ quan soạn thảo chỉ rõ.
Theo TS. Lê Đăng Doanh (Đại học Luật Hà Nội), trong thực tế, nhiều vụ việc pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm rất tinh vi. Nếu không quy định trách nhiệm pháp nhân thì cơ quan điều tra sẽ không thể tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ… khiến việc xử lý trách nhiệm chỉ ở phần “ngọn”.
Thậm chí, nhiều pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài lách luật bằng cách khi có vi phạm thì công ty mẹ điều ngay Tổng giám đốc của công ty con tại Việt Nam về nước và thay bằng Tổng giám đốc khác khiến pháp luật bó tay vì chỉ truy tố được cá nhân. “Nếu pháp nhân phải chịu xử lý hình sự thì tình hình sẽ khác”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến như của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu hay Công ty luật Đông Ngàn… kiến nghị áp dụng quy định này với mọi loại pháp nhân thay vì chỉ áp dụng với tổ chức kinh tế.
Ngoài vấn đề nguyên tắc cơ bản là mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, thì các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu chỉ giới hạn trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức kinh tế thì có nguy cơ dẫn đến việc nhiều pháp nhân chỉ hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân để trốn tránh trách nhiệm.
Nguyễn Nam (Tổng hợp)