Sáng 23/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật đặc khu).
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu, quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm có HĐND và UBND, vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương, vừa có những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, xử lý công việc nhanh nhạy gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực hiệu quả, công khai minh bạch.
Cụ thể, về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở đặc khu, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND; HĐND đặc khu có Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch HĐND; kết quả bầu Chủ tịch HĐND đặc khu phải được UBTVQH phê chuẩn.
UBND đặc khu bao gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch; chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu; chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 07 cơ quan) và trung tâm hành chính công đặc khu.
Nói về Dự thảo Luật đặc khu bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Dự án Luật phải hướng đến vấn đề hành chính tinh gọn và hiệu quả. Luật Đặc khu cần chú ý tập trung nhiều hơn về khía cạnh hành chính đặc biệt hơn là kinh tế.
Bởi hiện nay Việt Nam đã có nhiều các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế ven biển. Do đó khi thực hiện thí điểm thì vấn đề hành chính cần phải gọn nhẹ, hiệu quả. Như vậy, mới tiết kiệm được các khoản chi, với thể chế gọn nhẹ thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân mong muốn Luật Đặc khu sẽ giúp tạo ra một thí điểm về hành chính đặc biệt từ đó nhân rộng ra cả nước hơn là kinh tế đặc biệt. Khi ban hành Luật Đặc khu chúng ta mong muốn có thêm các cực để phát triển, mong muốn có thêm những đầu tàu ở từng lĩnh vực để từ đó tạo ra những cực tăng trưởng giúp kinh tế đất nước có sự phát triển bền vững.
Dự thảo mới nhất, ban soạn thảo đã đưa ra phương án tổ chức chính quyền địa phương có cả UBND đặc khu và HĐND đặc khu, nhưng được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Ảnh minh họa.
Liên quan đến quyền hạn người đứng đầu đặc khu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nên để cho họ quyền hạn đến mức mà có thể triển khai một cách nhanh nhất và chịu trách nhiệm trước quyền hạn của mình.
Và ở đây còn liên quan đến lãnh đạo của các tập đoàn, DN, người đại diện vốn nhà nước. Do đó, cần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của họ. Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Quốc hội giám sát được quyền này, và như vậy sẽ đảm bảo sự minh bạch và công khai.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết, xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội. Chúng ta muốn xây dựng những đặc khu kinh tế để tạo ra những động lực phát triển, thúc đẩy nền kinh tế xã hội.
“Chúng ta thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt của 3 khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chính là cơ chế chính sách tạo ra động lực phát triển cho đất nước. Đây chính là những nơi thực nghiệm những chính sách, những cơ chế vượt trội. Khi tổng kết đánh giá đó là những động lực phát triển thì sẽ trở thành căn cứ để vận dụng các cơ chế chính sách phát triển nền kinh tế của đất nước. Tôi nghĩ đó là điều hết sức quan trọng, Quốc hội nên ủng hộ Chính phủ để chúng ta có đặc khu vượt trội”- ông Sỹ Lợi nói.
Cũng tại kỳ họp này, so với dự thảo trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, luật đặc khu đã có nhiều chỉnh sửa. Cụ thể, về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, dự thảo luật cũng đã bổ sung ngành, nghề dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn.
Bổ sung ngành sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong…hay dự thảo quy định về quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án khu phức hợp có casino bảo đảm tương đương 2 tỷ USD; dự án cảng hàng không quốc tế là 5.000 tỷ đồng; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế là 3.000 tỷ đồng thì kỳ họp này được điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino lên 45.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế lên 6.000 tỷ đồng cho phù hợp với thực tiễn.
Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng:
Thứ nhất, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư.
Thứ hai, trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có).
Thủ tướng sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.
Trâm Anh