(NB&CL) - Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, du lịch - “ngành công nghiệp không khói” đã và đang mở cho địa phương một hướng phát triển bền vững. Với những tiềm năng to lớn, đặc biệt là hệ thống di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thời gian tới tỉnh Điện Biên xác định từng bước sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cuộc trò chuyện giữa báo Nhà báo và Công luận cùng ông Phạm Xuân Kôi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho thấy rõ hướng phát triển này của Điện Biên.
Lễ khai mạc tuần văn hóa du lịch Điện Biên 2014
Gấp rút cho lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
+ Tỉnh Điện Biên đang khẩn trương hoàn thành các công việc phục vụ cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Đâu là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động này, thưa ông?
- Ngay từ năm 2012, tỉnh Điện Biên đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thống nhất các nội dung liên quan trong việc xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng ĐBP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chào mừng. Trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là: Chương trình nghệ thuật đặc biệt tối ngày 6/5/2014; Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành quy mô cấp quốc gia vào sáng ngày 7/5/2014 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên, cùng màn bắn pháo hoa đặc sắc tổ chức tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh Điện Biên. Các hoạt động này được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài THVN. Trước đó, ngày 13/3 – 15/3/2014 tỉnh Điện Biên đã tổ chức thành công Tuần Văn hoá Du lịch Điện Biên năm 2014.
Bên cạnh các hoạt động văn hoá, tỉnh Điện Biên còn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, tu sửa các công trình xây dựng để chào đón sự kiện lớn này. Các công trình được tỉnh chỉ đạo sát như: Sân vận động tỉnh; trùng tu, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ A1; tôn tạo các điểm di tích lịch sử trong quần thể cụm di tích ĐBP. Đặc biệt là công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử ĐBP là công trình trọng điểm, điểm nhấn quan trọng nhân dịp kỷ niệm.
Bức tranh kinh tế - văn hoá - xã hội Điện Biên đang sáng lên
+ Là địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục vượt khó vươn lên trong công cuộc xây dựng và phát triển. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà Điện Biên đã đạt được thời gian qua?
- Trong những năm qua với sự nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội vẫn được duy trì ổn định và phát triển, một số thành tựu nổi bật trong các năm qua, đặc biệt là năm 2013 kinh tế tăng trưởng ở mức khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ... GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 20 triệu đồng. Từ chỗ thiếu lương thực, những năm gần đây Điện Biên đã tự túc được lương thực và có một phần hàng hóa bán ra bên ngoài. Công nghiệp, xây dựng bước đầu khai thác được tiềm năng, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay rất lớn. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là phát triển thủy điện nhỏ, giao thông, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh hiện có 125/130 xã có đường ôtô đến trung tâm, 88% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 72,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 126/130 xã có điện lưới quốc gia, gần 80% hộ dân được sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 3%/năm, riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân trên 5%/năm... Đánh giá một cách khách quan, bức tranh toàn cảnh kinh tế - văn hoá - xã hội Điện Biên đã và đang tiếp tục sáng lên.
+ Điện Biên là vùng đất anh hùng, giàu bản sắc văn hóa, với nhiều di tích lịch sử, tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch di tích là rất lớn. Vậy, Điện Biên đã làm gì để khai thác một cách hiệu quả tiềm năng ấy?
- Điện Biên xác định, du lịch gắn di tích lịch sử là điểm nhấn quan trọng tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Để bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, trong các năm qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành mà trực tiếp là Sở VH- TT- DL thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật Di sản, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Cùng với quần thể cụm di tích lịch sử ĐBP, đến nay tỉnh Điện Biên có 07 di tích cấp quốc gia trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trên địa bàn thành phố ĐBP và huyện Điện Biên có 08 bản văn hóa đang lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Những năm qua công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa tỉnh Điện Biên đã thu được kết quả nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ các hoạt động du lịch qua đó cũng ngày một tăng lên. Năm 2013, tỉnh đã đón tiếp trên 380,5 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 66,7 nghìn lượt khách quốc tế; với doanh thu trên 400 tỷ đồng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới tỉnh Điện Biên xác định, từng bước sẽ đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
+ Để Điện Biên phát triển mạnh mẽ, giải pháp cần để thúc đẩy kinh tế- văn hoá- xã hội của Điện Biên trong những năm tới là gì, thưa ông?
- Tỉnh đang tập trung chỉ đạo các hoạt động lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014 (kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 65 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 105 năm thành lập tỉnh...), đặc biệt, phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Giải pháp trọng tâm tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp. Tạo chuyển biến rõ nét về văn hoá - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp, các ngành; trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, MTTQ, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Hằng Nga (Thực hiện)