Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương. Tại đây, Bản báo cáo của Việt Nam sẽ do đại diện của Bộ trình bày, dự kiến vào ngày 16/7/2018. Điểm đặc biệt của diễn đàn năm nay đó là Việt Nam nằm trong nhóm 47 quốc gia – bao gồm 11 quốc gia Châu Á – sẽ đưa ra Rà soát Quốc gia Tự nguyện (VNR) trước Liên Hiệp Quốc, báo cáo về quá trình thực hiện Kế hoạch Quốc gia Việt Nam hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền Vững.
Việt Nam cũng tự hào là một trong những quốc gia thực hiện báo cáo tự nguyện này, thể hiện nỗ lực mạnh mẽ trong quá trình thực hiện SDGs dù vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Bước ra thế giới sau hai cuộc chiến tranh kéo dài, Việt Nam vẫn đang giữ vững tốc độ phát triển nhanh chóng, ngày càng thể hiện được vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua các chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Hôm nay, ngày 13/07/2018, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổ chức ActionAid Quốc tế đã công bố một báo cáo mới về “Tiếng nói từ những cộng đồng bị lề hóa trong quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững”. Báo cáo này dựa trên nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 và 2018 với sự tham gia của hơn 2.500 người từ các nhóm bị lề hóa ở 7 quốc gia, bao gồm Băng-La-Đét, Đan Mạch, Kê-ni-a, Ni-giê-ri-a, Tan-da-ni-a, Dăm-bi-a và Việt Nam, đặc biệt tập trung vào thanh niên. Với hy vọng đẩy mạnh quá trình tham gia thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững của người dân Việt Nam, một số giải pháp đã được nêu ra như: Xây dựng cách hiểu chung về SDGs, ưu tiên nhóm cộng đồng bị lề hóa, minh bạch thông tin, tôn trọng tri thức cũng như năng lực của người dân.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) hướng đến việc không ai bị bỏ lại phía sau và ưu tiên tiếp cận những người bị bỏ lại xa nhất. Để đạt được điều này, những người bị gạt ra ngoài lề - bao gồm phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và người thuộc tôn giáo hoặc dân tộc thiểu số - đều phải chung tay góp sức. Tốt nhất là họ cần phải biết được bản thân đang phải đối mặt với những vấn đề gì và đâu là giải pháp khả thi cho những vấn đề đó. Hơn nữa, bản thân việc tham gia cũng có thể tạo nên sự đoàn kết và giúp mọi người có thể từng bước tạo ra những thay đổi mà họ mong muốn.
Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong quá trình giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững. Tỷ lệ nghèo toàn quốc đã giảm từ 49.2% năm 1992 xuống chỉ còn 2,8% năm 2014. Tuy nhiên, nhóm người dễ bị tổn thương và bị lề hóa vẫn bị bỏ lại phía sau. Ví dụ, tỷ lệ người nghèo đa chiều trong nhóm dân tộc thiểu số cao hơn 3,5 lần so với dân số toàn quốc, và tỷ lệ người khuyết tật tại vùng nông thôn cao gần gấp đôi và có xu hướng sống trong các hộ gia đình nghèo. Sự bất bình đẳng này sẽ khiến Việt Nam khó khăn trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. Để đạt được những mục tiêu đó cần hướng tới nguồn tài trợ bổ sung trực tiếp tới các khu vực nghèo nhất và bị lề hóa nhất (như những địa phương trong Chương trình 30) và các nhóm xã hội khác (như dân tộc thiểu số và người khuyết tật).
Trong khuôn khổ Diễn đàn, một sự kiện bên lề mang tên “Phát huy sức mạnh của thanh niên để tạo ra xã hội bền vững” được đồng tổ chức bởi Văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Thanh niên, Tổ chức ActionAid Quốc tế, Cơ quan phát triển do giới trẻ lãnh đạo Restless Development, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng Chính phủ các nước Đan Mạch và Cộng hòa Dominica cũng được diễn ra. Tại đây, ActionAid Quốc tế đã trình bày báo cáo của mình với những nét nổi bật trong quá trình thực hiện mục tiêu số 5 (Bình đẳng giới), mục tiêu số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững), mục tiêu số 16 (Hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh) tại cả 7 quốc gia tham gia nghiên cứu.
Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam cho biết: “Báo cáo của chúng tôi cho thấy rằng phần lớn các nhóm bị lề hóa trên toàn cầu đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện và đánh giá Mục tiêu Phát triển Bền vững. Dù vậy, những người dân này đã đưa ra được những ý tưởng và giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo, phù hợp với địa phương – thách thức duy nhất là những giải pháp này cần nguồn lực và sự hỗ trợ để thực hiện.” Đồng thời, bà cũng phát biểu: "Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các đối tác phát triển đảm bảo việc tham gia tích cực của phụ nữ và thanh niên trong tiến trình thực hiện và giám sát SDGs, từ đó quyền lợi của họ sẽ không bị bỏ lại và SDGs sẽ được thực hiện cho tất cả mọi người”.
ActionAid Việt Nam (AAV) là một tổ chức phi chính phủ thuộc Liên đoàn ActionAid Quốc tế (AAI), đã bắt đầu thực hiện các chương trình phát triển tại các khu vực nghèo nhất và xa xôi của Việt Nam kể từ năm 1989. AAV đang hoạt động tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Các hoạt động của AAV chú trọng vào nâng cao nhận thức, hiểu biết và năng lực của người nghèo và thiệt thòi, huy động tiếng nói chung của cộng đồng để vận động cho việc bảo đảm những quyền của chính họ và những chính sách hỗ trợ người nghèo, cũng như yêu cầu tính trách nhiệm của chính phủ và các bên liên quan khác trong các quyết sách và thực thi các chương trình có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của công dân. |
Tuyết Nguyễn