Bình ổn thị trường xăng dầu trong nước:

Đừng chỉ đổ lỗi cho cái Quỹ!

Thứ năm, 16/05/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Có lẽ ít có mô hình nào lại tạo ra nhiều tranh cãi dữ dội, ngay từ khi “chào đời” đến nay khi đã trải qua tròn một thập kỷ hiện diện như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOGXD).

Rất nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này đã đến lúc cần bỏ quỹ này vì việc sử dụng QBOGXD không những khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi” mà còn làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng nguyên nhân sâu xa, chính yếu gây nên sự lên xuống liên tục kiểu “giật cục” của thị trường xăng dầu trong nước nhiều năm qua, chẳng phải chỉ từ QBOGXD mà bởi nhiều sự bất ổn trong công tác điều hành giá xăng dầu. 

Quỹ Bình ổn xăng dầu- 10 năm tồn tại đầy tranh cãi

“Khiến người tiêu dùng chịu thiệt, nên bỏ từ lâu!”, “Nên từ bỏ”, “Đã đến lúc “không ổn”… đó là những cái tít xuất hiện dồn dập trên mặt báo những tháng đầu năm 2019 khi bàn tới “số phận” của QBOGXD. Các báo đều dẫn văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong đó kiến nghị bỏ QBOGXD. Theo VINPA, việc trích lập QBOGXD 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi” bởi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó, VINPA cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. 

VINPA cũng kiến nghị bỏ QBOGXD để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Thực ra 10 năm qua, kể từ năm 2009 khi QBOGXD ra đời với việc cho phép trích một khoản trước thuế thu nhập doanh nghiệp từ giá bán xăng dầu để hình thành quỹ. Theo đó, từ ngày 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự ra đời và vận hành của QBOGXD luôn gây tranh cãi. Có ý kiến “cáo buộc” dù quỹ là đóng góp của người tiêu dùng, nhưng Bộ Tài chính lại không công khai định kỳ và cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào với doanh nghiệp trong vấn đề này. Theo Thông tư 234, cơ chế giám sát duy nhất đối với quỹ là chế độ báo cáo hằng quý của doanh nghiệp. Do việc quản lý không thể minh bạch hoàn toàn, mà QBOGXD có thể dễ bị một nhóm lợi ích trục lợi… Cũng lại có ý kiến cho rằng, QBOGXD thực chất chỉ là lấy tiền của người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Theo cách tính tại Thông tư 234, thí dụ tại ngày hôm nay, giá xăng chưa gồm tiền trích vào QBOGXD, là 20.000 đồng/lít. Sau khi trích QBOGXD, thí dụ, 5% giá xăng, giá bán lẻ xăng sẽ thành 21.000 đồng/lít. Như vậy, việc trích lập này thực ra là lấy thêm của người mua xăng dầu tới 1.000 đồng/lít, chứ không phải chỉ 300 đồng như quy định. Giả sử sau một tháng, giá xăng dầu nhập khẩu tăng, đáng lẽ giá bán lẻ trong nước phải tăng lên đúng 5% (1.000 đồng/lít). Nhờ có QBOGXD, giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Như vậy, không có nghĩa người mua xăng dầu được lợi 1.000 đồng/lít, vì thực chất họ đã ứng trước số đó một tháng trước, thông qua trích lập QBOGXD. Thậm chí, ý kiến này còn cho rằng, QBOGXD thật ra không có giá trị bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, vì một phần của nguồn lực xã hội bị tiêu tốn vô ích.

Điều hành giá xăng dầu là cả nghệ thuật.

Điều hành giá xăng dầu là cả nghệ thuật.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong- người nhiều năm qua đã nhiều lần lên tiếng phản đối cái gọi là QBOGXD- cho rằng QBOGXD-có điểm bất hợp lý lớn nhất là lấy chính tiền của người tiêu dùng là 300 đồng/lít xăng, dầu để bảo vệ lợi ích cho chính họ. Theo ông Phong, để thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thì phải dùng nguồn khác để lập quỹ như lợi nhuận chẳng hạn. Các doanh nghiệp xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu lượng QBOGXD - khác nhau, nghịch lý là có khi trích quỹ cả năm nhưng chỉ xả một vài kỳ điều hành đã âm quỹ, điều đó cho thấy cơ quan điều hành giá đang lạm dụng QBOGXD - làm nhiễu loạn thị trường, chỉ có thiệt cho người tiêu dùng.

Cũng phản ứng về sự tồn tại của QBOGXD, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, cả người bán và người mua đều phải chia sẻ rủi ro, trong khi thực tế người mua đang ứng trước tiền cho quỹ này. Ngoài ra, khi giá thế giới xuống thấp, để tạo nguồn QBOGXD thì nên trích lập quỹ. Tuy nhiên hiện nay việc trích quỹ đang được thực hiện để đề phòng khi giá thế giới lên cao mới sử dụng. Thậm chí việc trích quỹ đồng thời với xả quỹ là điều không thể chấp nhận được.

Từ một góc nhìn khác, Báo Nhân Dân dẫn ý kiến TS. Nguyễn Thị Lan - Học viện Tài chính, cho rằng, DN cũng không muốn quản quỹ này, do không thể sử dụng như vốn kinh doanh. Người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi vì về thực tế tổng chi phí cho nhu cầu xăng dầu của người dân vẫn không thay đổi.

Trước những tranh cãi dữ dội về QBOGXD, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong điều hành giá xăng dầu, hiện ngân sách không bỏ ra đồng nào để can thiệp. Ông cũng nhấn mạnh đây không phải là can thiệp hành chính mà là biện pháp kinh tế, tức là mình “lấy nó nuôi nó” và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Cá nhân tôi không muốn tồn tại QBOGXD, tốt nhất là nên bỏ quỹ này đi để giá xăng dầu vận hành theo thị trường. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của nhà nước, nên vẫn cần thiết phải có QBOGXD”.

Điều hành kiểu…. “hụt hơi, giật cục, ăn đong”

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cái sự biến thiên khôn lường không theo bản chất thị trường của giá xăng dầu hiện nay chẳng phải nguyên cớ từ QBOGXD mà căn nguyên từ cung cách điều hành thị trường xăng dầu.

Đó là cách mà báo chí ví von đầy cám cảnh về cung cách điều hành giá xăng dầu hiện nay. Minh chứng cho điều này thì có nhiều. Tờ Kinh tế- Đô thị lấy dẫn chứng mới nhất về sự “hụt hơi” không bám đuổi nổi diễn biến thị trường xăng dầu thế giới: Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5 vừa qua, với lý do giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/ lít. Song thực tế, thông tin về giá mặt hàng này trên một số thị trường giao dịch lớn vào thời điểm những ngày đầu tháng 5 lại đang “lao dốc”.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Ðiều hành giá xăng dầu là cả nghệ thuật, điều hành kiểu “ăn đong, giật cục” mà không có tầm nhìn dài hạn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế. Báo Nhân Dân dẫn ví dụ chứng minh cho nhận định này: ba kỳ điều hành giữ nguyên giá liên tiếp từ ngày 16/1- 15/2/2019 là nhằm ổn định giá các loại hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Kỳ tăng giá ngày 2/3, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 700 đồng đến 810 đồng/lít, kg đã từng bước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Thế nhưng, tại kỳ điều chỉnh ngày 18/3, các cơ quan chức năng lại quyết định giữ nguyên giá và thực hiện xả quỹ kỷ lục tới 2.061 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và 2.801 đồng/lít đối với xăng E5 Ron 92,… khiến QBOGXD tại một số DN đầu mối bị âm. Cùng thời điểm đó, nguồn cung bị ảnh hưởng đã dẫn đến mặt hàng xăng Ron 95 bị thiếu cục bộ tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Việc điều chỉnh nêu trên đã không phát huy tác dụng, bởi theo lý giải, giữ giá xăng dầu, tăng giá điện để hạn chế tác động tới CPI, nhưng CPI tháng 3 vẫn âm 0,21% so với tháng 2, gây lãng phí tiền của QBOGXD do người dân đóng góp. Mặt khác, do lựa chọn thời điểm không thích hợp dẫn tới việc bỏ lỡ cơ hội điều chỉnh tăng giá xăng dầu.

Ðiều hành theo hướng nào?

Vậy, làm thế nào để điều hành giá xăng dầu hiệu quả? Phân tích về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng, dầu trên thị trường trong nước chưa phản ánh đầy đủ biến động giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Không hẳn là đi ngược thế giới nhưng rõ ràng giá mặt hàng này trên thị trường thế giới biến động từng ngày, trong nước không theo kịp. Để khắc phục điểm yếu này, ông Ngô Trí Long đề xuất cơ quan quản lý phải tính được giá cơ sở, theo công thức có sẵn, từ đó có chính sách quản lý rủi ro theo sát giá xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi Liên bộ Công Thương - Tài chính phải nâng cao năng lực bám sát và dự đoán diễn biến thị trường, từ đó đưa ra phương án điều hành phù hợp với biến động liên tục của thị trường.

Bên cạnh đó, nên rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu. Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định, tần suất điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo... liên tục diễn biến phức tạp như hiện nay. Do vậy, Hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.

Thư Trang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn