(NB&CL) Năm học mới vừa bắt đầu được vài ngày, hàng triệu học sinh đến trường mang theo bao háo hức về vô vàn những điều mới mẻ, còn nhiều phụ huynh học sinh thì đối diện chỉ với một lo lắng cũ kĩ: Các khoản thu “trời ơi” đầu năm học mới. Lạm thu là chuyện cũ rích, bởi nó sinh ra từ mấy chục năm trước, dù có chống cách nào nó vẫn sống khỏe và cứ mỗi đầu năm học nó lại được “làm mới”, có khi là làm mới một cách “ngoạn mục”. Ngày 8/9, chỉ bốn ngày sau tiếng trống khai trường, các mạng xã hội trên internet lan truyền bức ảnh thể hiện phản hồi rất gay gắt của một phụ huynh đối với thông báo thu tiền bảo hiểm học sinh của trường Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội). Cuộc gặp gỡ giữa ông Phong và nhà trường nhanh chóng diễn ra và kết thúc trong vui vẻ sau khi nhà trường thông tin rằng: Khoản thu bảo hiểm y tế là khoản bắt buộc, được quy định tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014; còn bảo hiểm thân thể là không bắt buộc, tùy phụ huynh thu xếp theo điều kiện và nhu cầu của gia đình. Chưa nói đến chuyện ông Phong chưa hiểu hết các quy định luật pháp về bảo hiểm, câu hỏi đúng cần đặt ra là: Tại sao ông Phong lại có phản ứng gay gắt về thông báo thu tiền của nhà trường, đến mức ví nhà trường là
“môi giới cò mồi”? Phải chăng, câu chuyện
“lạm thu” đầu năm đã khiến tất thảy phụ huynh từ ngán ngẩm chuyển sang
“xù lông nhím” để bảo vệ túi tiền vốn dĩ eo hẹp của gia đình. Thực ra từ trước tới nay, cuộc họp phụ huynh đầu tiên của năm học mới được mặc nhiên là cuộc họp thông báo các loại phí phải đóng, rất nhiều loại phí khác nhau! Đọc tên một số khoản phải đóng góp ở các trường mới thấy các hội cha mẹ học sinh (thực chất là Ban giám hiệu trường) rất
“sáng tạo” cách gọi tên, như: Quỹ chăm sóc cây xanh, quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, quỹ khuyến học, quỹ lớp, quỹ vệ sinh, tiền đề, giấy kiểm tra, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền lao công, bảo vệ, tiền học thêm, học nhóm… Thế nên mới có chuyện, chưa đầy 24 giờ sau khi Hiệu trưởng Trường Minh Tân (Hải Phòng) bị đình chỉ để làm rõ những khoản thu đầu năm bị tố lên tới 9,1 triệu đồng thì lại có một kỷ lục mới được lập, cũng ngay tại Hải Phòng, đó là trường Đặng Cương. Đây là những khoản thu mà chính một thầy giáo trong trường đã liệt kê, tổng cộng: 10.131.000 đồng. Rồi Đặng Cương chưa qua, đã tới trường Chu Văn An, Cao Lãnh, Đồng Tháp với kỷ lục
“chúng ta cần có 16,7 triệu”! [caption id="attachment_182871" align="aligncenter" width="660"]
Nguồn: Internet[/caption] Và chắc rằng, còn rất nhiều địa phương, nhiều trường khác, ở đủ các cấp học, đang tận dụng những cách thu tiền rất
“khôn ngoan” khi thông qua hội phụ huynh học sinh.
“Cây gậy thần” được các ban giám hiệu sử dụng chính là Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, ban hành kèm Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong Điều lệ nêu rõ: Các khoản tiền do hội cha mẹ học sinh thu được coi là
“tự nguyện”. Thế nhưng việc chi tiêu khoản tiền này cần có
“thống nhất với hiệu trưởng”, “phối hợp với giáo viên chủ nhiệm”. Nếu có thắc mắc, có thanh tra, kiểm tra, ban giám hiệu chỉ cần dùng lý do: Nhà trường không thu mà do ban phụ huynh
“tự nguyện”. Thật là một lý do rất
“đúng quy trình”. Khảo sát nhanh bằng công cụ tìm kiếm Google cho thấy, chỉ trong 0,45 giây cho ra 430 nghìn kết quả với từ khóa
“lạm thu đầu năm học”. Tất nhiên, trước thanh thiên bạch nhật thì không nhà trường nào thừa nhận chỉ đạo việc
“tự nguyện”. Và thế là cứ mỗi đầu năm học mới, các khoản thu đột nhiên cao bất thường, ngoài quy định luôn là việc các phụ huynh
“tự ý tự nguyện”, các ban giám hiệu hoàn toàn
“vô can”. Nếu có ai không có nhu cầu
“tự nguyện” thì sao? Tâm lý sợ phát ngôn, ngần ngại, lo lắng con cái đi học bị bạn bè cách ly, thầy cô ngầm trù dập… là hiện tượng tâm lý có thật trong đời sống. Nó khiến các bậc phụ huynh buộc phải đưa mình vào thế
“tự nguyện” dù có lúc không muốn. Và không phải ai cũng đủ dũng khí để phản hồi nhà trường như vị phụ huynh học sinh Phan Văn Phong nói trên. Dường như, với các trường, khái niệm
“xã hội hóa giáo dục” đã bị hiểu sai. Phụ huynh sẵn sàng đóng góp cho giáo dục nhưng phải là những khoản đóng góp minh bạch, hợp lý và công khai chứ không phải những khoản thu mà như
“bóc lột”. Với tình trạng lạm thu phức tạp như hiện nay, lạm thu đã như căn bệnh mãn tính, cứ hoành hành, bất chấp các loại
“thuốc đặc trị”. Nếu không có giải pháp căn bản, hợp lý thì việc chống lạm thu dù cố gắng đến mấy cũng chỉ là hình thức... Đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục ngoài việc tăng cường giáo dục đạo đức nhà giáo, còn cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường giám sát đối với các khoản thu đầu năm học của các cấp học. Đừng biến mỗi mùa thu đưa trẻ đến trường là một mùa
“kinh hoàng với lạm thu” của các bậc phụ huynh. Đừng khiến những đứa trẻ phải bỏ học vì quá nghèo trước những khoản thu choáng váng đầu năm.
Phạm Văn