(Congluan.vn) - Những ngày qua hình ảnh nhóm nhân viên điện lực tại Hà Nội sử dụng một cây sào bên trên đầu có gắn một thiết bị camera để lên hộp công tơ điện rồi chụp lại. Đứng cạnh là một nhân viên khác dùng máy tính bảng lưu hình ảnh số công tơ điện hàng tháng của từng hộ dân. Nếu dùng một phép tính đơn giản để tính tổng chi phí mà EVN phải đầu tư vào các thiết bị ghi chỉ số điện thì con số đó có thế lên đến 110 tỷ đồng.
Hôm 7/7, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, hiện Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã triển khai ghi số điện bằng máy tính bảng phối hợp với thiết bị ghi chỉ số cho 29/30 công ty điện lực, với 1.129 thiết bị áp dụng cho 500.000 khách hàng. Trong kỳ hóa đơn tháng 7/2015 này, dự kiến số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp ghi chỉ số công tơ là 1 triệu, chiếm tỷ lệ 40%.
Việc đưa ra thiết bị này được EVN đánh giá là “nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”. Mặt khác với thiết bị đã có, ngay cả những ngày mưa, việc ghi số điện vẫn được tiến hành, đảm bảo an toàn cho công nhân, không phải leo trèo lên “đo bằng mắt” như trước đây. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sử dụng điện ngày một hoàn thiện hơn.
Bộ thiết bị bao gồm một cây sào có thể điều chỉnh độ dài, giống như “gậy tự sướng” dùng để chụp ảnh. Camera gắn vào đầu gậy, ghi hình chỉ số công tơ và hình ảnh sẽ lưu vào máy tính bảng để khi có thắc mắc, kiến nghị của khách hàng, EVN sẽ đưa ra hình ảnh có đầy đủ chỉ số công tơ hiển thị ngày, giờ chụp để đối chiếu. Được biết, giá của một bộ thiết bị này khoảng 4-5 triệu đồng.
[caption id="attachment_24552" align="aligncenter" width="402"]
Nhân viên EVN Hà Nội ghi chỉ số công tơ điện. Ảnh: T.L[/caption]
Tiện lợi và hiện đại là vậy, thế nhưng nếu dùng một phép tính đơn giản để tính toán tổng chi phí mà EVN phải đầu tư vào các thiết bị này thì con số quả thực là không nhỏ chút nào.
Theo dự tính, nếu Hà Nội hoàn thành 100% công tơ được ghi bằng “máy tính bảng” và “gậy tự sướng”, tức 2,5 triệu công tơ, số lượng máy tính bảng và thiết bị đo đạc sẽ rơi vào khoảng… 5.000 bộ. Con số ấy nhân với giá thành, có nghĩa Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ phải chi tới hàng chục tỷ đồng.
“Việc ghi chỉ số công tơ từ xa mới chỉ áp dụng với các khách hàng lớn là các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng điện. Đối với khoảng 22 triệu hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt, tương đương 22 triệu công tơ, hình thức phổ biến vẫn là ghi chỉ số công tơ trực tiếp tại hộ dân.”, báo Lao Động dẫn lời ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nếu áp dụng đồng loạt việc nối mạng để truyền dữ liệu công tơ từ xa sẽ hết sức tốn kém, so với chi phí tối thiểu hiện nay đọc chỉ số công tơ chỉ khoảng 5.000 đồng/công tơ”. Như vậy, với chi phí cho một lần đọc công tơ nhân với lượng hộ sử dụng, tương đương mỗi tháng là 110 tỷ đồng.
Giang Phan