Múa rối là loại hình văn hóa truyền thống, gắn liền với người dân đồng bằng và trung Bắc Bộ nhiều năm qua. Những chương trình biểu diễn rối nước luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, NSND Vương Duy Biên cho rằng loại hình văn hóa độc đáo này cần mở rộng, giới thiệu đến công chúng nhiều hơn. Vì thế ông đã kêu gọi các đơn vị múa rối trong cả nước tham gia Festival nghệ thuật múa rối Việt Nam lần thứ 1.
Đây là hoạt động do Công ty Sirenis Viet tổ chức dưới sự giám sát, hướng dẫn của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, cùng sự tham gia và phối hợp thực hiện của nhiều nhà hát hai miền Nam, Bắc như: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, Nhà hát Cánh diều, Nhà hát Múa rối Hải Phòng, Soul Music & Performing Arts Academy… Sự kiện còn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này và cũng là cơ hội giới thiệu đến du khách “đặc sản” văn hóa của dân tộc.
Thông qua các hoạt động, Ban Tổ chức mong muốn sẽ giới thiệu và đưa loại hình nghệ thuật múa rối đến gần hơn với công chúng phương nam, với du khách quốc tế; đồng thời góp phần vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Đặc biệt, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL sẽ là người chỉ đạo nghệ thuật và tổng đạo diễn chương trình. Ông cũng là người đã dẫn dắt và đưa Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng, múa rối Việt Nam nói chung đến với nhiều liên hoan nghệ thuật múa rối quốc tế.
Festival nghệ thuật múa rối Việt Nam lần thứ 1 sẽ được tổ chức tại TP.HCM. Ảnh minh họa.
Ở đây, sân khấu chính gồm rối nước kết hợp rối cạn được chuẩn bị, dàn dựng công phu. Ngoài ra, tại phố đi bộ còn có 5 cụm sân khấu nhỏ với nhiều thể loại múa rối khác nhau như rối dây, rối que, rối hiện đại…
Trong khuôn khổ festival múa rối, ban tổ chức sẽ đưa hơn 1.500 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các mái ấm, nhà mở, khu nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn thành phố đến thưởng thức các tiết mục; bên cạnh đó, trao các suất học bổng và hỗ trợ sửa chữa 10 căn nhà cho những trường hợp đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, trước mỗi buổi biểu diễn, các nghệ sĩ múa rối sẽ diễu hành trên phố đi bộ cùng các nhân vật rối, xiếc, trống kèn thiếu nhi, nhóm nhạc… Xen kẽ và kết hợp với các buổi biểu diễn múa rối là phần hát của dàn đồng ca nhí. Trên phố đi bộ cũng sẽ được chuẩn bị một con rối khổng lồ “chú Tễu” cao khoảng 6m.
Tại Festival, Nhà hát múa rối Việt Nam mang đến tác phẩm “Hồn Quê”, “Giai điệu quê hương”, “Phượt cùng bà lão đánh cá”. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam biểu diễn rối nước truyền thống với 16 trò cổ dân gian, cùng các tiết mục rối cạn và xiếc tạp kỹ. Nhà hát múa rối Hải Phòng có tác phẩm “Giai điệu ký ức”, Nhà hát nghệ thuật đương đại Đồng Nai có tác phẩm “Đại dương xanh”. Nhà hát nghệ thuật Cánh Diều có rối nước truyền thống và sân khấu tài năng - là phần tham gia trình diễn của các nghệ sỹ tự do, bán chuyên nghiệp với nhiều hình thức phong phú như rối dây, rối tuồng, rối tay...
Với vai trò Tổng đạo diễn, ông Vương Duy Biên cho biết các sân khấu đặt cạnh nhau ở phố đi bộ thuận tiện cho sự di chuyển của khán giả nhưng không có sự lộn xộn vì mỗi sân khấu sẽ diễn giờ khác nhau. Bản thân Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng xuất thân từ Nhà hát múa rối Việt Nam, am hiểu tường tận về loại hình múa rối nên công chúng hy vọng Festival nghệ thuật múa rối Việt Nam lần thứ 1 sẽ để lại nhiều dấu ấn đặc sắc, mới mẻ và hấp dẫn.
Cũng theo ông Biên, ông hy vọng chương trình festival múa rối đầu tiên tại TP.HCM sẽ là tiền đề để tổ chức những chương trình tương tự mỗi năm nhằm đưa loại hình truyền thống có giá trị cao về mặt tinh thần tới nhiều hơn với công chúng, khách du lịch và đặc biệt là trẻ em.
B.V