(congluan.vn) - Đầu tháng 11 vừa rồi, Fitch Ratings đã công bố nâng hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức “B+” lên mức “BB-” vì hãng tín nhiệm này đánh giá kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi…
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp và hồi phục chậm hơn dự kiến, nền kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên nhiều điểm tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi tương đối… Đó chính là những lý do để Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đầu tháng 11 vừa rồi đã công bố nâng hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức “B+” lên mức “BB-”. Cụ thể, trong đó xếp hạng tín nhiệm phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam lên một bậc, từ mức "B+" thành "BB-". Đồng thời, mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cũng được nâng từ mức "B+" lên mức "BB-"; triển vọng dài hạn ở mức ổn định; mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng từ mức "B+" lên mức "BB-" và chỉ số IDR bằng ngoại tệ ngắn hạn duy trì ở mức "B".
Ngay sau đó, một loạt ngân hàng của Việt Nam cũng lần lượt được nâng hạng. Cụ thể: Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank lên “tích cực”. Moody's cũng giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VietinBank (CTG), BIDV (BID) ở mức “B1” và của SHB ở mức “B3”. Triển vọng của 3 ngân hàng này vẫn được Moody’s giữ nguyên ở mức “ổn định”.
Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là vai trò rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước đã được đánh giá cao và rất khách quan thể hiện bằng việc liên tiếp các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín như Moody’s; S&P và vừa qua là Fitch đã tăng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc. Bà Kwakwa- chủ tịch WB đã nhận định “Chúng tôi nghĩ việc đánh giá gần đây bởi tổ chức Fitch là một bước tiến tốt đối với Việt Nam, một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đạt được trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô”.
Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia. Hệ số tín nhiệm quốc gia càng cao thì mức độ rủi ro về khả năng không thanh toán được các khoản nợ càng thấp. Bà Nguyễn Thị Hồng-_Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Về phía góc độ của Ngành NH đã có những đóng góp tích cực cho thành công chung của đất nước.Về điều hành chính sách tiền tệ đã kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7% liên tục trong 3 năm qua, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định liên tục trong những năm gần đây, tình trạng đô la hoá giảm, niềm tin vào hệ thống ngân hàng và nền kinh tế tiếp tục được nâng cao. Hệ thống NH đã thực hiện rất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành chính sách của NHNN trong thời gian qua đã hướng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, qua đó cải thiện cán cân thương mại. Việc nhất quán điều hành CSTT, ổn định tỷ giá thời gian qua đã giúp nhà đầu tư tin tưởng và tiếp tục đổ vốn vào VN, tạo điều kiện cho cán cân vốn, cán cân thanh toán được cải thiện, qua đó VN đã tăng được dự trữ ngoại hối lên mức rất cao, tăng tiềm lực tài chính cho nền kinh tế VN".
Quả thực hệ số thăng hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên bởi các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới đã có những tác động rất tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông Dennis Hussey- Tổng giám đốc Citibank cho biết “việc nâng hạng này rất tích cực, nhất là vào thời điểm mà Chính phủ Việt Nam chuẩn bị chương trình phát hành trái phiếu quốc tế có thời hạn 10 năm bằng USD. Theo thông tin mà tôi ghi nhận được từ Bloombergs, từ các hãng tin khác, đó là lượng trái phiếu chào bán đã đạt được tổng khối lượng 1 tỷ USD. Lãi suất phát hành chỉ là 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm. Nguyên nhân là do có tới 437 nhà đầu tư đặt mua ở mức gấp hơn 10 lần lượng chào bán... Nó cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm tới trái phiếu Việt Nam, khi mà Việt Nam quay trở lại lần đầu tiên sau 5 năm trên thị trường trái phiếu quốc tế,...Đây quả là động thái hết sức tích cực, các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy ở Việt Nam cơ hội để đa dạng hóa đầu tư, và cơ hội để kiếm lời...”
Qua bản báo cáo của Fitch, chúng ta thấy rằng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, khu vực đối ngoại mạnh hơn, xuất khẩu đẩy mạnh, nhìn chung môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh hơn trước và đặc biệt là việc cải tổ hệ thống ngân hàng có những bước tiến tích cực là những nhân tố giúp củng cố việc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam lần này. Bà Kwakwa- chủ tịch WB cũng đã nhận định rằng: "3 năm trước đã có vài tin đồn về hệ thống NH gần như sụp đổ với một cuộc khủng hoảng lớn nhưng điều đó đã không xảy ra. Đúng là vẫn tồn tại một vài vấn đề nhưng khủng hoảng đã được kiểm soát, một số khuôn khổ pháp lý (legislation) đã đi vào hoạt động... tất cả đang đi đúng hướng".
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những đánh giá của Fitch hay của S&P, thì cả 2 tổ chức này đều mong muốn nhìn thấy những thay đổi tích cực hơn ở Việt Nam... Đó là sự ổn định vĩ mô, lạm phát cao không quay trở lại, nền kinh tế tăng trưởng một cách lành mạnh, nhanh chóng trong những năm tới... Đây cũng là những chủ đề nóng đang được Quốc hội, Chính phủ bàn thảo. Nếu chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, làm một cách quyết liệt, thì triển vọng thăng hạng của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ ngày càng rộng mở./.