So với mùa giải trước, các thách thức công nghệ sẽ được nâng lên một bậc, đòi hỏi các đội thi phải có kiến thức nền tảng cùng khả năng ứng dụng thực tiễn. Cụ thể tại vòng chung kết, xe phải chạy được ở ngoài trời, trong môi trường ánh sáng tự nhiên, biết tránh chướng ngại vật cố định và đường dẫn sẽ không có vạch màu trắng xác định làn như năm trước. Ngoài ra, xe cũng phải biết tự nhận diện các biển báo giao thông cơ bản như tạm dừng, rẽ trái, cấm rẽ, hạn chế tốc độ, đường một chiều.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết trong năm nay, FPT sẽ tạo điều kiện để các đội tham dự có cơ hội trải nghiệm các bài toán thực tế nhiều hơn. Tất cả thí sinh đăng ký tham gia sẽ được tìm hiểu về công nghệ tự hành do FPT phát triển và hiện đang cung cấp cho các hãng xe hơi trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các thí sinh xuất sắc còn được tham gia các khóa đào tạo và tham gia vào các dự án về tự động hóa của tập đoàn.
Thông qua việc tổ chức những cuộc thi công nghệ như Cuộc đua số chẳng hạn, FPT hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn lực công nghệ mới cho Việt Nam. Các bạn sinh viên có dịp tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực xe tự hành, robot, trí tuệ nhân tạo, máy học, IoT, v..v. Đây sẽ là hành trang cần thiết để trở thành một lực lượng xung kích của cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam, ông Ngọc chia sẻ thêm.
Dự kiến Cuộc đua số 2018 sẽ được tổ chức ở cả 3 khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Mỗi đội sẽ có 3 - 4 thành viên đến từ cùng trường đại học và để tham gia cuộc thi, các bạn đăng ký tại đây, thời gian từ 26/10 đến 15/11. Ban tổ chức khuyến khích mỗi đội nên có 2 thành viên đang theo học chuyên ngành CNTT, 1 thành viên thuộc chuyên ngành cơ điện tử và 1 thành viên thuộc chuyên ngành điện tử viễn thông. Ngoài ra, đội thi có thành viên biết kiến thức liên quan đến xử lí ảnh, học máy thống kê, lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo, kiến thức về lập trình trên Linux, biết sử dụng ngôn ngữ lập trình C/ C++ sẽ là ưu thế lớn.
Dự kiến vòng sơ khảo diễn ra trong hai tháng tại các trường đại học, từ 15/11 - 15/1/2018 để chọn ra 20 đội đại diện cho trường. Trước khi bước vào vòng chung khảo, tất cả thành viên các đội sẽ được tham gia khóa đào tạo lập trình nhúng trị giá 2.000 USD/người, bao gồm trợ cấp đào tạo theo tháng, đào tạo lý thuyết, thực hành lab và huấn luyện thực tế tại các dự án về tự động hóa đang triển khai tại FPT Software. Bên cạnh đó, mỗi đội thuộc Top 10 sẽ nhận thêm 1 điện thoại trị giá 7,5 triệu đồng như một phần của giải thưởng.
Vòng chung khảo diễn ra 15/1 - 30/4/2018 để chọn ra 10 đội xuất sắc để bước vào tranh tài ở trận chung kết. Giải thưởng cao nhất cho đội vô địch trị giá 250 triệu đồng, gồm một chuyến trải nghiệm công nghệ tại Nhật cho các thành viên đội thi và 3 laptop. Một giải Nhì trị giá 20 triệu đồng và hai giải Ba trị giá 15 triệu đồng mỗi giải. Trường có đội thi đạt giải nhất sẽ nhận được 50 triệu đồng tiền mặt và giáo viên hướng dẫn nhận được 1 laptop trị giá 20 triệu đồng.
Theo FPT