Trong khi đó, NATO cho biết họ cũng đang theo dõi chặt chẽ các lực lượng hạt nhân của Nga và các đồng minh cũng đang tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở hạ tầng quan trọng sau các cuộc tấn công gần đây vào đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic.
Ukraine cho biết họ cần thêm các hệ thống phòng không để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Ảnh: AFP
Đầu cầu phía Đức trong cuộc họp trực tuyến giữa nhóm G7 và Tổng thống Zelenskyy. Ảnh: BPA
Một khu vực ở Kiev, Ukraine bị trúng tên lửa. Ảnh: Reuters
Tên lửa của Nga đang tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine nhưng với cường độ ít hơn so với hôm thứ Hai. Đây được xem như cuộc không kích lớn nhất của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2.
"Khi Ukraine nhận đủ số lượng hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả…, các cuộc tấn công tên lửa của Nga sẽ không còn nhiều tác dụng", ông Zelenskyy nói với các nhà lãnh đạo G7 tại một cuộc họp trực tuyến nơi ông lại bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ukraine hôm thứ Ba đã nhận được chiếc đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T mà Đức hứa cung cấp, theo một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Đức. Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ đang đẩy nhanh việc vận chuyển hệ thống phòng không NASAMS hiện đại cho Ukraine. Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 16,8 tỷ USD cho Ukraine từ đầu cuộc chiến cho đến nay.
Chính phủ của ông Zelenskyy đã bày tỏ lòng biết ơn về các khoản viện trợ của phương Tây, song tiếp tục cầu xin những vũ khí mạnh hơn và chuyển giao nhanh hơn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã kêu gọi các đồng minh nhanh chóng giải ngân các cam kết hiện tại với Ukraine.
Trong bản thông báo sau cuộc họp, nhóm G7 - bao gồm các nhóm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Anh, Ý và Canada - cam kết tiếp tục "hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý... cho đến khi có thể" cho Ukraine.
Đáp lại các tuyên bố của G7, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Chúng tôi cảnh báo và hy vọng rằng họ nhận ra nguy cơ leo thang không kiểm soát được ở Washington và các thủ đô phương Tây khác”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây, một tuyên bố mà Mỹ bác bỏ vì Nga vẫn đang tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ hoặc với Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách chấm dứt xung đột, hiện đã bước sang tháng thứ 8, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị đàm phán nghiêm túc nào.
Huy Hoàng (theo Reuters, AFP)