Gập ghềnh đường vào NATO của Thụy Điển

Thứ bảy, 08/07/2023 12:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của NATO dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12/7, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ vẫn chưa sẵn sàng chấp thuận kết nạp Thụy Điển. Tuyên bố này một lần nữa cho thấy, đường vào của Thụy Điển vẫn còn rất gập ghềnh.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nói "không"

“Các quốc gia muốn gia nhập NATO phải có lập trường vững chắc trong cuộc chiến chống khủng bố”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hakan Fidan nói với các phóng viên sau cuộc gặp tại Brussels hôm 6/7 với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan cũng như với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.

gap ghenh duong vao nato cua thuy dien hinh 1

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hakan Fidan tuyên bố nữa này vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận Thụy Điển gia nhập NATO. Ảnh: GI

Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, khi cáo buộc rằng nước này chứa chấp những người Kurd lưu vong và người tị nạn có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd, hay PKK, mà cả Stockholm và Ankara đều coi là tổ chức khủng bố. Thụy Điển phủ nhận cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ và đã đưa ra luật chống khủng bố mới giúp dễ dàng trừng phạt những người ủng hộ PKK.

“Thụy Điển đã thực hiện các bước thay đổi luật pháp, nhưng những thay đổi luật pháp cần được phản ánh trong thực tế”, Ngoại trưởng Fidan nói, đồng thời cho biết thêm rằng “những kẻ khủng bố” vẫn tiếp tục hoạt động bên ngoài Thụy Điển.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, người đã triệu tập cuộc họp như một nỗ lực cuối cùng nhằm tháo gỡ việc ngăn Thụy Điển gia nhập tổ chức trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO vào tuần tới, vẫn lạc quan cho biết việc trở thành thành viên của Thụy Điển là “trong tầm tay”.

“Tôi nghĩ rằng Thụy Điển đã hoàn thành tất cả các yêu cầu để được phê chuẩn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý”, ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết thêm rằng Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch gặp lại nhau vào thứ Hai trước khi Hội nghị thượng đỉnh NATO chính thức bắt đầu vào thứ Ba ở Vilnius, thủ đô Litva.

Ông Stoltenberg nói: “Tất cả chúng tôi đang nỗ lực hướng tới một kết quả tích cực tại cuộc họp ở Vilnius, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cũng cho biết các bên đã đạt được tiến bộ. Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một thông báo tích cực vào tuần tới, nhưng đó là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nỗ lực của Thụy Điển là chưa đủ

Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái, hủy bỏ hàng thập kỷ chính sách an ninh không liên kết, nhưng đã bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản.

Giới chức Thụy Điển cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa ra những yêu cầu bất khả thi bằng cách yêu cầu Stockholm bàn giao khoảng 120 người mà không thông báo cho Thụy Điển biết họ là ai.

Thụy Điển đã thực hiện một số bước để xoa dịu những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí và thông qua luật khiến những người Kurd lưu vong ở nước này khó ủng hộ PKK hơn. Luật có hiệu lực từ ngày 1/6.

Vào thứ Năm vừa qua, vài giờ trước khi các bộ trưởng ngoại giao nhóm họp tại Brussels, Tòa án Stockholm lần đầu tiên sử dụng luật này để kết án một người đàn ông 41 tuổi mức án 4 năm rưỡi tù giam vì tội cố gắng gây quỹ cho PKK thông qua hành vi tống tiền và xả súng và đe dọa một người.

gap ghenh duong vao nato cua thuy dien hinh 2

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết ông vẫn lạc quan về cơ hội kết nạp Thụy Điển. Ảnh: Bloomberg

Bất đồng dai dẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO khác khiến liên minh này phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Trong một dấu hiệu chia rẽ nữa, đầu tuần này, ông Stoltenberg tuyên bố sẽ tiếp tục làm Tổng thư ký thêm một năm nữa, sau khi các quốc gia thành viên không thống nhất được ứng cử viên kế nhiệm ông.

Cuộc tham vấn hôm thứ Năm tại Brussels diễn ra sau cuộc gặp hôm thứ Tư giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng. Tổng thống Biden cho biết ông “rất nóng lòng mong chờ” việc Thụy Điển gia nhập khối.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Tư (5/7), Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan và “nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất của NATO trong thời điểm quan trọng như vậy.

Theo hiến chương NATO, để một quốc gia được kết nạp vào khối cần có sự đồng ý của tất các các thành viên. Hiện tại, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ còn có Hungary cũng chưa phê chuẩn đơn của Thụy Điển. Nhưng nước này đã gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ đồng ý kết nạp Thụy Điển một khi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ sự phản đối.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ gật đầu trong cuộc họp tại Vilnius vào tuần tới, thì việc gia nhập NATO đầy đủ của Thụy Điển vẫn có thể mất vài tuần vì quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ cần phải phê duyệt, đồng thời các văn kiện gia nhập sẽ cần được ký và gửi tới Washington, do Mỹ là nước bảo vệ hiệp ước thành lập NATO.

Việc đưa Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, hai nước láng giềng lớn của Nga và đã đầu tư rất nhiều vào quốc phòng, sẽ định hình lại bối cảnh an ninh của châu Âu và củng cố khối này bằng sức mạnh quân sự và sức mạnh chính trị.

Phần Lan đã trở thành thành viên NATO vào tháng 4 sau khi tách đơn đăng ký của mình khỏi Thụy Điển, nhưng mong muốn nước láng giềng của mình làm theo. “Tư cách thành viên của Phần Lan chưa hoàn tất cho đến khi Thụy Điển cũng là thành viên của NATO”, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói với đài phát thanh Thụy Điển SRF hôm thứ Năm, trước cuộc họp ở Brussels.

Thêm khó vì những vụ đốt kinh Qur'an

Các nỗ lực ngoại giao của Thụy Điển ở nước ngoài nhằm xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy hoại bởi tranh cãi mới về một loạt vụ đốt kinh Qur'an trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan viện dẫn các cuộc biểu tình chống Hồi giáo là một lý do khác để không kết nạp quốc gia Bắc Âu này vào NATO. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan cho biết Thụy Điển đã không thể tìm ra “các cơ chế để ngăn chặn các hành động khiêu khích”.

gap ghenh duong vao nato cua thuy dien hinh 3

Những vụ đốt kinh Qur'an trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm đang làm khó Thụy Điển. Ảnh: GI

Tuần trước, trong ngày lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, một người Iraq theo đạo Thiên chúa di cư đã đốt cuốn sách thánh của đạo Hồi bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm. Cảnh sát Thụy Điển trong tuần này đã nhận được ba đơn xin phép đốt kinh sách tôn giáo mới, trong đó có một đơn xin đốt Kinh Qur'an trước một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm.

Các vụ đốt kinh Qur'an đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới về các giới hạn của quyền tự do ngôn luận ở Thụy Điển, một quốc gia tự hào về chủ nghĩa thế tục của mình, cũng như sự khoan dung đối với các nhóm thiểu số tôn giáo. Một cuộc thăm dò gần đây do SVT ủy quyền cho thấy đa số người Thụy Điển, 53%, hiện ủng hộ lệnh cấm đốt Kinh Qur'an và các sách thánh khác, tăng 11 điểm phần trăm kể từ tháng Hai.

Lời nói căm thù nhắm vào dân tộc hoặc chủng tộc là bất hợp pháp ở Thụy Điển, nhưng quốc gia này không có luật chống báng bổ. Chính phủ Thụy Điển cho biết họ phản đối mạnh mẽ các hành động chống Hồi giáo như đốt kinh Qur'an. Nhưng với những tuyên bố cứng rắn mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau cuộc họp giữa các ngoại trưởng tại Brussels, có thể thấy những lời phản đối xuông đối với việc đốt kinh Qur'an là chưa đủ giúp Stockholm ghi điểm trong mắt Ankara.

Và rõ ràng, đường vào NATO với Thụy Điển, vẫn còn ẩn chứa rất nhiều thách thức.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

(CLO) Một tháng rưỡi sau cuộc tấn công vào khu vực Kursk phía tây nước Nga, Ukraine phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc nên triển khai lực lượng hạn chế của mình ở đâu. Bởi Nga bắt đầu phản công tại Kursk trong khi vẫn tiến quân mạnh mẽ ở mặt trận phía đông Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

(CLO) Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Tiêu điểm Quốc tế
Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

(CLO) Hành lang Philadelphi, một dải đất nhiều bụi rậm và cồn cát hẹp ở phía nam Gaza, giáp biên giới với Ai Cập đang nổi lên như trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel - Hamas và giải thoát hàng loạt con tin.

Tiêu điểm Quốc tế
Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.

Tiêu điểm Quốc tế
Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.

Tiêu điểm Quốc tế