Gặp người chiến sĩ lấy thân mình chắn hàng rào kẽm gai

Thứ sáu, 03/04/2015 21:27 PM - 0 Trả lời

Gặp người chiến sĩ lấy thân mình chắn hàng rào kẽm gai

(Congluan.vn) - Khuổi Dủm tiếng Tày có nghĩa là thung lũng. Với tập quán canh tác nuôi trồng của mình, người Tày thường chọn các thung lũng để định cư, sinh sống và giao lưu với các dân tộc khác. Ở thôn Khuổi Dủm, xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn không ai không biết ông Cao Sinh Học, người có nhiều Huân chương và thuộc nhiều lịch sử nhất vùng. Cứ mỗi dịp lễ tết, các trường học trong vùng lại đua nhau đón người cựu chiến binh Cao Sinh Học tới kể chuyện truyền thống.
 
Báo Công luận
 
Cựu chiến binh Cao Xuân Học
 
Cuộc đời ông thấm đẫm chiến công vang dội ở tận phương Nam tại Trường xe tăng Thủ Đức, Đồng Nai của ngụy quyền năm 1966 khi thực hiện nhiệm vụ hết sức táo bạo của cấp trên giao là bắt cóc xe tăng địch để đánh địch. Tổ công tác đặc biệt do Đại úy Phạm Hiệp chỉ huy gồm ba kíp xe với đầy đủ thành viên nhưng xe vẫn đang nằm ở Trường Sơn(?!) Ngày đó, chủ trương của trên là bắt cóc xe tăng địch để đưa ra rừng học và chiến đấu. Bộ đội xe tăng đưa từ miền Bắc vào lập tức được học các kỹ thuật, chiến thuật đặc công và bộ đội đặc công của Bộ Tư lệnh Miền được học kỹ năng sử dụng xe tăng. Cũng do học chay, tưởng tượng là chính nên để đảm bảo chắc thắng, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp đã cử những thành viên kíp xe giỏi nhất vào đội công tác đặc biệt để đi bắt cóc xe tăng địch trên đất địch.
 
Ngay trận đầu ra quân tháng 1 năm 1966 tổ công tác đặc biệt đã bắt sống ba xe tăng địch, vừa nổ máy vừa chiến đấu vừa nhằm hướng rừng Đồng Nai rút về căn cứ. Vô cùng tức tối, địch ở Trường xe tăng Thủ Đức quyết bắt sống ba xe. Kiên quyết chiến đấu giữ xe để có xe học tập sau này, ba xe chiến đấu rất dũng cảm. Cuối cùng, do không cân sức, lại không thạo địa hình, vũ khí đạn dược trên xe đã hết, các anh đã phá hủy xe bảo toàn lực lượng. Chiến công ấy gây kinh hoàng cho địch ở Trường xe tăng Thủ Đức. Cố vấn Mỹ từ Sài Gòn xuống lồng lộn quát tháo và chỉ đạo bằng mọi cách phải bắt và tiêu diệt tổ công tác đặc biệt từ miền Bắc mới cử vào.Cán bộ, chiến sĩ ta nức lòng trước chủ trương táo bạo của trên.

Ngay sau lần bắt cóc và phá hủy xe tăng, xe thiết giáp địch tại Trường xe tăng Thủ Đức, tổ công tác quyết định tập kích một mẻ lớn, quyết rinh bằng được xe tăng địch ra căn cứ. Đêm ấy là đêm 16-1-1966, tổ công tác do Đại úy Phạm Hiệp (sau đó anh đã hy sinh tại chiến trường) chỉ huy gồm ba kíp xe với hơn mười đồng chí đột kích vào khu để xe.
 
Khi ấy, các xe trực chiến của địch luôn có người trực 24/ 24 giờ. Trời tối. Đêm lạnh. Gió từ các cánh rừng, trảng cỏ, sình sạp đồng đất Đồng Nai thổi ù ù qua các hàng kẽm gai dày đặc. Thành thạo và khéo léo, tổ công tác vượt qua hàng loạt rào kẽm gai, mìn lá, mìn định hướng, mắt thần, ra đa điện tử… giữ vững đội hình tiến về phía những chiếc xe tăng M113 đen sì, lạnh toát mùi sắt thép và chết chóc. Nhanh như chớp, tổ công tác ra tay. Những tên lính cậu quen bơ sữa mất cảnh giác đã bị những thế võ hiểm, những ngọn lê căm hờn làm gọn. Nhưng cũng lúc đó, tiếng súng từ nhiều phía rộ lên. Mất đi yếu tố bất ngờ, những chiến sĩ xe tăng, đặc công của tổ công tác nhanh chóng chiếm vị trí chiến đấu quật ngã, tiêu diệt nhiều tên địch và phá hủy nhiều xe địch. Đã có chiến sĩ của ta ngã xuống, máu thấm vào xích sắt xe tăng. Tổ công tác vừa chiến đấu vừa rút dần ra ngoài. Đêm tối. Kẽm gai dày đặc. Bọn địch cũng không dám nổ súng bừa bãi. Chúng thận trọng lùng sục từng mét đất.
 
Cao Sinh Học, người lính dày dạn, gan dạ nhất đã bị thương vào bụng, vẫy các đồng chí của mình lại gần, nhỏ nhẹ: "Các đồng chí mau thoát ra ngoài. Tôi sẽ nằm vắt qua hàng rào, anh em giẫm qua là thoát. Tôi ở lại kìm chân địch". Mọi người sững lại trước câu nói bất ngờ ấy.
 
- Không. Sống cùng sống, chết cùng chết, anh Học, chúng tôi không để anh ở lại một mình đâu.
 
- Hy sinh uổng, ích gì. - Tôi đã bị thương rồi. Nào, đưa nốt mấy quả lựu đạn cho tôi. Đi đi các đồng chí.
 
Vừa nói, Cao Sinh Học vừa bò vắt mình lên hàng kẽm gai dày đặc. Khổ người to lớn vạm vỡ trùm lên đống sắt thép bùng nhùng. Mắt anh rực lên ra lệnh, các chiến sĩ còn lại là Thiện, Long, Tình, Chuyên… hôm ấy đã giẫm lên tấm lá chắn làm bằng thịt da đồng đội, vọt ra ngoài. Không một ai quên được giây phút xúc động ấy. Các anh Thiện, Long, Tình, Chuyên bây giờ ai còn sống và ai đã khuất, chắc không thể nào quên người đồng chí dân tộc Tày ở Khuổi Dủm. Không thể quên ngay sau hôm ấy trong một đêm nơi cánh rừng Đồng Nai, chính các anh trở về đã làm lễ truy điệu đồng thời truy phong huân chương và kết nạp liệt sĩ Cao Sinh Học vào Đảng, việc mà lẽ ra các anh đã làm từ tuần trước, khi anh Học còn sống, nhưng chưa kịp làm thì…
 
... Khuôn mặt người cựu chiến binh Cao Sinh Học dãn ra, rạng ngời và nụ cười hiền hậu trên khóe mắt sạm màu nắng gió. Thật cũng không một ai ngờ lại có ngày hôm nay. Cái lúc ấy, cái lúc bàn chân những đồng đội giẫm lên tấm thân thương tích của mình, Cao Sinh Học mỉm cười nghĩ đến cái chết. Ông thầm gửi lời chào đến cha, đến mẹ, đến Khuổi Dủm, đến Khau Mổ, Phia Bioóc, nơi con sông Cầu uốn lượn hiền hòa. Máu rịn ra từ vết thương ở bụng, ở chân.
 
Tảng sáng, khi ông đã thiếp đi mê man bỗng hai cổ chân như có dùi thép xuyên buốt đến lộng óc. Đèn pha mấy cái rọi thốc vào mắt. Trên hàng rào kẽm gai, ông không nhúc nhắc được nữa. Hai con chó béc giê đen sì, hung tợn như hai con beo rừng được lũ chủ của chúng cổ xúy đã ngoạm lút hàm răng nhọn vào hai cổ chân ông. Mắt chúng lóe lên man dại. Ông giơ tay lần tìm chốt quả lựu đạn nhưng bàn tay tê buốt không còn cử động theo suy nghĩ nữa. Ông căm hờn nhìn hai con chó và lũ da đen da trắng vằn vện lồng lộn bên ngoài. Có tiếng tên cố vấn Mỹ lơ lớ - "Vi ci. Vi ci. Cẩn thận mấy ông mãnh có lựu đạn gài đấy. Phải bắt sống". Những cặp mắt đảo điên, đùn đẩy. Vừa hôm trước, mấy chiến sĩ của ta bị thương thủ lựu đạn đợi địch đến bắt là tung ra cùng chết. Tuần trước ở một nhà hàng trên sông Sài Gòn, biệt động thành đánh bom chết mấy sĩ quan Mỹ - ngụy. Chân tay tê cứng nhưng đầu óc còn tỉnh táo, Cao Sinh Học bình tĩnh nghĩ tới tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Những tiếng xì xồ, chỉ trỏ không ngớt vang lên. Rồi một tên da đen đầu trọc bắp tay đầy lông lá móc trong người ra cuộn dây đặc biệt khom người tiến về phía bãi thép gai. Tên lính đánh thuê thận trọng nhưng không kém phần tợn tạo khi nghĩ đến món tiền bốn ngàn đô la (tiền thưởng bắt sống một Việt cộng lúc đó) mà hắn sắp được hưởng. Bất chấp tính mạng, hắn tiến sát đến hai con chó và người lính phía bên kia, tròng dây vào cổ chân tơ tướp vết chó cắn rồi lăn nhanh ra ngoài, tay nắm chắc một đầu dây.
 
Ngay khi bắt được anh Học, bọn chúng lập tức bắt đầu thẩm vấn và tra tấn dã man, tàn bạo. Nghĩ mình trước sau cũng chết ông chỉ ậm ừ qua chuyện, nhận là du kích đi theo phục vụ nên lạc không ra được và giấu nhẹm chuyện là kíp trưởng xe tăng.
 
Báo Công luận
 
Chiến sĩ Cao Xuân Học lấy thân mình để anh em vượt thoát hàng rào
 
Sau hàng tháng trời ở nhà lao thẩm vấn hỗn hợp Việt - Mỹ không khai thác được gì, chúng chuyển ông qua trại giam Bạch Đằng, tiếp đó là trại giam Trần Hiệp (Biên Hòa) và đến ngày 6-11-1967 bọn chúng đưa đi giam tại trại giam Phú Quốc. Hơn bảy năm qua các trại giam của địch, Cao Sinh Học luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ. Lúc này, ông không hề biết mình đã là Đảng viên, vì sau trận đánh mọi người đinh ninh ông đã chết. Những đồng đội còn lại sau trận đánh đều ghi ơn và hết sức xúc động trước tinh thần dũng cảm của ông. Có người sau đó đã hy sinh. Có người trở thành Anh hùng như đồng chí Nguyễn Xuân Tình, nay là đại tá, đã nghỉ hưu tại Quân khu 9.
 
Cuộc đời Cao Sinh Học không ít những khúc quanh kỳ lạ. Mười bảy tuổi tình nguyện vào bộ đội, ông nhập ngũ tháng 3 - 1959 vào Đoàn Pháo binh Đông Khê. Do ham học hỏi, thông minh và rất sáng tạo trong tiếp thu kiến thức kỹ thuật, ông được chuyển sang Binh chủng Tăng thiết giáp ngay những ngày đầu thành lập và là trưởng xe tăng T34-112, tiếp đó là xe T34-101, một trong những xe tăng đầu tiên của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam.
 
Không thể tưởng tượng được mình phải nằm trong các trại giam của địch hơn bảy năm trời. Cao Sinh Học càng không nghĩ tổ chức đã báo tử về địa phương. Khi ấy, ông cụ thân sinh đang ốm, sắp mất, tổ chức lại phải giấu. Thế là mấy năm sau, khi bố mất cũng là lúc chính quyền xã quyết định báo tử ông với cái lý nỗi đau thì để đau một thể, buồn một thể. Ôi một thời có những việc chúng ta đã suy nghĩ đơn giản thế. Nhưng cái khó ló cái khôn, trong cái rủi có cái may. Người mẹ sau hai cái tang chồng, tang con đang héo hắt thì Cao Sinh Học đột ngột còn sống trở về. Anh trở về sau Hiệp định Paris nhờ điều khoản trao trả tù nhân. Người mẹ như không tin vào sự thật đang hiện ra trước mắt. Cả thôn Khuổi Dủm kéo đến mừng gia đình họ Cao, sờ nắn chàng trai Cao Sinh Học...

Ngoài trời đã bắt đầu tối, sương giăng mờ mịt khắp các lối đi, cây cỏ, đất trời. Ngọn núi dòng sông đều chìm trong sương trắng. Căn nhà nhỏ đầy chật tiếng nói, tiếng cười của các cụ, các cháu. Bà Hoàng Thị Xuân, người phụ nữ Tày đã gắn bó với ông hơn ba nươi năm trông vẫn đậm nét xuân sắc một thời. Bà ngồi bên ông, lặng lẽ, khiêm nhường như đã từng lặng lẽ bên chồng vượt qua bao nhiêu sóng gió, gian nan, cơ cực nuôi dạy bốn người con hai trai hai gái nên người.
 
Buổi tối trong căn nhà nhỏ, đồ đạc đơn sơ. Mấy đứa trẻ đã khụt khịt ngủ ngon trong vòng tay của bà, của mẹ. Cây đàn tính cán dài, một đặc trưng văn hóa của người Tày vút lên như một đường kiếm treo trên vách. Người lính già lặng lẽ nhìn vợ con, nhìn khách và thi thoảng nhìn rất lâu vào cây đàn. ừ, cây đàn tính của người Tày, của Khuổi Dủm giản dị, khiêm nhường lắm. Suốt ngàn năm nay, và ngày mai nữa, nó vẫn mãi ngân nga, thủ thỉ với đất trời.
 
  • Phùng Văn Khai
 
 

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra