Gia Lai: Chuyện về cô giáo trẻ tận tâm với nghề, nặng lòng với học sinh vùng khó

Thứ bảy, 19/11/2022 08:20 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thương học trò phải “cuốc bộ” nhiều cây số về nhà, hay đợi bố mẹ đến quá trưa vẫn chưa được đón, sợ trò đói cô Nguyễn Thị Như Yến đã gọi điện xin phép phụ huynh đưa các con về nhà chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ và dạy kèm phụ đạo miễn phí.

Vừa làm cô giáo, vừa làm mẹ của học trò

Xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trò, nhiều năm nay cô Nguyễn Thị Như Yến (SN 1983, giáo viên Trường TH&THCS Lê Qúy Đôn, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai) vẫn thầm lặng đón đưa học trò về nhà mình tắm rửa, cho ăn cơm và dạy kèm phụ đạo miễn phí cho các học sinh yếu, có hoàn cảnh khó khăn. Mong ước đơn giản của cô giáo trẻ là được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của học trò, được thấy các con khỏe mạnh, cắp sách đến trường đều đặn hằng ngày.

Sinh ra và lớn lên ở thị xã An Khê, tuy nhiên sau khi ra trường cô Yến lại quyết định nộp hồ sơ xin việc ở huyện vùng khó Kông Chro. Năm 2000 cô được phân công về giảng dạy tại Trường TH&THCS Lê Lợi, xã Đăk Tơ Pang - ngôi trường lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng. Rào cản về ngôn ngữ và nếp sống trở thành thách thức không nhỏ với cô giáo miền xuôi ngược đường lên rừng “gieo chữ”.

gia lai chuyen ve co giao tre tan tam voi nghe nang long voi hoc sinh vung kho hinh 1

Cô giáo Nguyễn Thị Như Yến hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 2A và 2B Trường TH&THCS Lê Qúy Đôn

Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Như Yến trải lòng: “Ngày ấy về với Đăk Tơ Pang thấy hoàn cảnh các em rất khó khăn, mình thương lắm. Nhiều đứa trẻ đầu trần chân “cuốc bộ” từ 2-3 km mới đến được lớp. Dù vậy, các con vẫn đi học rất đều đặn, ngoan ngoãn. Nhìn học trò, lúc đó mình nghĩ rằng bản thân phải làm một điều gì có ý nghĩa hơn với nghề, với trò và rồi việc dạy kèm thêm cho các em cũng xuất phát từ đó”.

Vì nhà khá xa, đường xá hiểm trở, đi lại khó khăn nên cô Yến đã ở lại khu tập thể giáo viên. Sau những giờ dạy học trên lớp, tối đến cô giáo trẻ bắt đầu chong đèn tranh thủ dạy kèm cho những học sinh yếu. Cứ thế, đều đặn mỗi tối cô trò cùng nhau ê a đến khuya, nhiều đứa trẻ xem cô Yến như mẹ của mình nên xin phép được ngủ lại.

gia lai chuyen ve co giao tre tan tam voi nghe nang long voi hoc sinh vung kho hinh 2

Sau những giờ dạy học trên lớp, để có thời gian kèm thêm cho những em học sinh yếu, cô Yến đã chở các em về nhà tắm rửa cho các em ăn và dạy kèm phụ đạo

Những tưởng cuộc sống của cô giáo trẻ cứ thế yên bình trôi qua, thế nhưng năm 2004, một biến cố xảy ra với gia đình cô giáo trẻ khi người chồng không may gặp tai nạn, liệt một cánh tay. Cùng thời điểm này cô tiếp tục nhận hung tin người con trai đầu lòng bị bệnh tim.

Để tiện cho việc chăm sóc chồng và con trai, năm 2004 cô Yến đã xin chuyển về Trường TH&THCS Lê Quý Đôn. Cũng từ đó, cô giáo trẻ đành phải tạm gác lại việc dạy kèm cho các em. Chuyển về trường mới, cô Yến xin về làm công tác đội, đến năm 2007 ngay khi sức khỏe của chồng và con đã ổn định, cô bắt đầu đi dạy trở lại và tiếp tục việc dạy kèm cho những học sinh yếu.

“Về với trường mới mình rất lo lắng cho việc học của các em bởi phụ huynh ở đây phần lớn đều là làm nông, kinh tế khó khăn nên chưa quan tâm đến việc học của các con. Nhiều em nhà xa, bố mẹ đón về buổi trưa hoặc đi bộ về và chiều cũng chẳng thấy đến lớp nên việc học thường xuyên bị gián đoạn. Lo sợ học trò bị hổng kiến thức mình đã gọi điện xin phép một số phụ huynh có con em học yếu được đón các con về nhà lo cơm nước và dạy kèm”, cô Yến chia sẻ.

gia lai chuyen ve co giao tre tan tam voi nghe nang long voi hoc sinh vung kho hinh 3

Giờ học ở trên lớp cô Yến thường cho các em hoạt động nhóm để các em được mạnh dạn bày tỏ ý kiến với nhau qua đó giúp các em tự tin phát triển thêm năng lực giao tiếp

Thời gian đầu, nhiều em học sinh còn nhút nhát, đặc biệt vì các con còn quá nhỏ, chưa xa bố mẹ nên phụ huynh của các em cũng khá lo lắng. Sau khi thuyết phục được phụ huynh, cô giáo trẻ lại chuyển qua học trò. Nắm được tâm lý của con trẻ, thích dỗ dành nên thời gian đầu, cô Yến đón về không dạy học ngay mà chở về cho đi chơi rồi mua kẹo bánh, đồ chơi thuyết phục các con ở lại. Một vài hôm sau đó, khi trẻ đã quen dần với môi trường mới cô Yến bắt đầu việc dạy kèm cho các em.

Không phân biệt học sinh ở trường chính hay điểm trường làng, cứ em học sinh nào học yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn cô giáo trẻ đều chở về nhà, tắm rửa lo cơm nước và tận tình hướng dẫn, dạy kèm. Thậm chí nhiều em học sinh không có quần áo mới, đồ dùng học tập cô Yến đã bỏ tiền túi sắm sửa cho các em.

Cô giáo trẻ hết lòng vì học sinh vùng khó

Hơn 20 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Như Yến không nhớ nổi mình đã kèm cặp, chở về nhà tắm rửa, cơm nước cho bao nhiêu em học sinh. Tuy nhiên, những kỷ niệm và gia cảnh từng em thì cô luôn nhớ rõ.

Đơn cử như trường hợp của em Đinh Thị Tâm (hiện là học sinh lớp 2A Trường TH&THCS Lê Qúy Đôn). Năm học trước, dù đã là học sinh lớp 1 nhưng lúc ấy Tâm chỉ nặng 13kg, đau ốm triền miên. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà đông con, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nên người bố cũng vùi mình với công việc. Mẹ mới sinh em bé suốt ngày nằm viện, nên việc học của Tâm thường xuyên bị gián đoạn. Hổng kiến thức vì nghỉ học quá nhiều nên lực học của Tâm rất yếu, thậm chí không biết đọc, biết viết.

gia lai chuyen ve co giao tre tan tam voi nghe nang long voi hoc sinh vung kho hinh 4

Em Đinh Thị Tâm - từ cô học trò nhút nhát nay đã mạnh dạn, biết đọc, viết sành sỏi nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo trẻ

Thấy được hoàn cảnh đáng thương của cô học trò nghèo, cô giáo trẻ đã xin phép gia đình được đón Tâm về nhà mình sau mỗi giờ tan trường. Sau khi tắm rửa cho Tâm ăn uống xong, cô Yến bắt đầu tập cho Tâm viết, dạy em cách đánh vần. Thậm chí nhiều hôm thứ 7, chủ nhật cô Yến cũng xin phép bố mẹ cho Tâm ở lại. Sau thời gian được cô giáo tận tình hướng dẫn, dạy kèm hiện Tâm đã theo kịp các bạn đã biết đọc, biết viết, làm toán.

“Nhà mình cũng có 3 đứa con, chở các trò về nhà thì cũng cắm thêm miếng cơm, thêm chút thức ăn, chẳng đáng bao nhiêu cả. Nhiều người cứ nói mình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đưa nó về rồi các khoản vệ sinh này kia không thấy bất tiện à. Nhưng mình thấy trò cũng như con mình thôi, hướng dẫn 1-2 lần là các con tự biết. Phần cũng may là ông xã mình cũng dễ chịu, chia sẻ cùng vợ. Nhiều lần thấy vợ đưa học trò về còn trêu: “Em lại mới đẻ thêm con à”, cô giáo trẻ bộc bạch.

gia lai chuyen ve co giao tre tan tam voi nghe nang long voi hoc sinh vung kho hinh 5

Với tình yêu nghề, yêu trò ngày ngày cô Yến vẫn thầm lặng miệt mài cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình cho các em học sinh vùng khó trong quá trình đi tìm lấy con chữ

Đặc biệt, ngần ấy năm đón đưa, kèm cặp phụ đạo cho học trò, thế nhưng chưa bao giờ cô nhận một đồng tiền nào từ phụ huynh. Bởi đối với cô Yến, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui, lẽ sống của bản thân.

“Hiện tại điều mình tâm huyết nhất là mong muốn học sinh đi học đầy đủ để nắm vững kiến thức, phụ huynh quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc học của các con. Nếu được hỗ trợ, mình cũng rất mong muốn học sinh được hỗ trợ về đồng phục, đồ dùng thiết bị học tập bởi đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Bản thân mình cũng mong muốn có nhiều sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người”, cô Yến kỳ vọng.

gia lai chuyen ve co giao tre tan tam voi nghe nang long voi hoc sinh vung kho hinh 6

Mong ước của cô giáo trẻ đơn giản là mỗi ngày đến lớp được nhìn thấy đầy đủ các em học sinh

Nhận xét về cô giáo trẻ Nguyễn Thị Như Yến, thầy Nguyễn Văn Vui - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Cô Yến là một giáo viên năng nổ nhiệt tình, tâm huyết với nghề và tận tâm với trò. Nhiều năm nay, cô Yến vẫn duy trì phương pháp dạy học buổi sáng, trưa đến là chở các trò về nhà nuôi cơm và kèm phụ đạo cho các em".

"Phương pháp dạy học đặc biệt của cô Yến đã khiến nhiều em học sinh yếu kém tiến bộ rất nhanh. Với lòng yêu nghề, say mê với công tác giảng dạy, những năm qua cô đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương để đồng nghiệp và học sinh học tập, noi theo”, thầy Vui nói.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Bình Luận

Tin khác

Ninh Bình đề nghị bổ sung cho tỉnh thêm 1.111 biên chế giáo viên

Ninh Bình đề nghị bổ sung cho tỉnh thêm 1.111 biên chế giáo viên

(CLO) Theo dự kiến, trong năm học 2024-2025, tỉnh Ninh Bình sẽ tăng 138 lớp học. Tổng số viên chức, lao động hợp đồng trong ngành giáo dục Ninh Bình đang có 14.038 người (tính đến ngày 31/5 thiếu 2.599 người, trong đó thiếu 1.111 biên chế giáo viên).

Giáo dục
Các trường đại học đua nhau công bố kết quả xét tuyển sớm để giành thí sinh

Các trường đại học đua nhau công bố kết quả xét tuyển sớm để giành thí sinh

(CLO) Việc tuyển sinh sớm sẽ giúp các trường chủ động hơn trong kế hoạch tuyển sinh và đào tạo nhưng sẽ thu hẹp tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp.

Giáo dục
Lương tăng quyền lợi của người điều trị theo bảo hiểm y tế có tăng?

Lương tăng quyền lợi của người điều trị theo bảo hiểm y tế có tăng?

(CLO) Theo bảng lương cơ sở mới, người bệnh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi bảo hiểm y tế hơn, đặc biệt mức tổng thanh toán bảo hiểm y tế cho một lần khám và điều trị cũng sẽ tăng lên.

Giáo dục
TP HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập

TP HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập

(CLO) Theo thông tin từ hội đồng duyệt điểm chuẩn, mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 cao nhất thuộc về Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình) với mức 24,25. 

Giáo dục
Thanh Hóa: Ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên

Thanh Hóa: Ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn về việc ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên.

Giáo dục