Gia Lai: Nguyên Chủ tịch xã ăn, ngủ ở rừng để bảo vệ rừng giáng hương quý

Thứ hai, 31/07/2023 13:46 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thời điểm rừng giáng hương có nguy cơ bị san ủi để trồng cao su, ông Rơ Mah Le với chức vụ Chủ tịch xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã quyết tâm ngăn cản và xin huyện giữ lại. Sau khi về hưu, ông Le tình nguyện ăn ngủ ở rừng để đánh đuổi “lâm tặc”, bảo vệ rừng gỗ quý.

Theo ghi nhận của phóng viên, cánh rừng giáng hương quý hiếm nằm trên địa bàn xã Ia Kriêng và được bao bọc bởi những vườn cao su xanh ngát. Hàng chục năm nay, rừng hương quý cứ thế phát triển dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền xã Ia Kriêng và bà con làng Grôn.

Ông Rơ Mah Le - nguyên Chủ tịch xã Ia Kriêng, một trong những người con của làng Grôn và cũng là người tình nguyện xin được làm nhiệm vụ bảo vệ cánh rừng giáng hương quý hiếm.

gia lai nguyen chu tich xa an ngu o rung de bao ve rung giang huong quy hinh 1

Cánh rừng giáng hương nguyên sinh nằm trên địa bàn xã Ia Kriêng

Trong cuộc trò chuyện nói về gốc tích của rừng hương quý trên, ông Le cho hay, vào năm 1990 khi ông đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng. Trong một lần đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, ông phát hiện một rừng giáng hương mọc san sát nhau.

“Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau có một đơn vị thi công tiến hành san ủi diện rộng để trồng cao su. Thấy rừng giáng hương quý sắp bị san ủi để nhường chỗ cho cao su tôi đã cùng với chính quyền xã ra ngăn cản, đồng thời lập phương án báo cáo lên huyện xin được giữ lại rừng giáng hương quý hiếm này. Trước sự quyết tâm của cán bộ địa phương và huyện cũng nhận thấy giá trị lớn của rừng giáng hương nguyên sinh nên đã đồng ý giữ lại và giao cho xã quản lý, bảo vệ”, ông Le kể lại.

gia lai nguyen chu tich xa an ngu o rung de bao ve rung giang huong quy hinh 2

Ông Rơ Mah Le – nguyên Chủ tịch xã Ia Kriêng tình nguyện ăn ngủ ở rừng để bảo vệ rừng hương quý

Theo đó, ngay khi được huyện đồng ý cho giữ lại cánh rừng, ông Le đã vận động dân làng cùng phát dọn xung quanh và cắm bảng bảo vệ rừng giáng hương quý thuộc sự quản lý của xã.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo xã Ia Kriêng ngày ấy cũng nhanh chóng phân công lực lượng thay nhau tuần tra, bảo vệ. Cũng từ đó, dân làng Grôn đã xem rừng giáng hương như “kho báu” của làng không ai dám chặt một cây nào.

Đến năm 2019, ông Rơ Mah Le nhận quyết định nghỉ hưu, tuy nhiên trước đó ông đã nhiều lần đề cập đến nguyện vọng sau khi nghỉ hưu xin được làm bảo vệ rừng giáng hương. Và thế rồi, một thời gian ngắn sau đó ông nhận được thông báo bảo vệ rừng hương theo hợp đồng với UBND xã, cánh rừng mà ông đã tâm huyết gìn giữ hàng chục năm nay.

gia lai nguyen chu tich xa an ngu o rung de bao ve rung giang huong quy hinh 3

Hàng chục năm nay, rừng hương quý cứ thế phát triển dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền xã Ia Kriêng và bà con làng Grôn

Hơn 30 năm qua, dưới sự bảo vệ của ông Le và người dân làng Grôn, cánh rừng giáng hương nay đã phát triển lên gần 1.000 cây lớn, nhỏ. Rễ cây giáng hương đã cắm sâu vào lòng đất hút chất sinh dưỡng để cây vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Không ít cây giáng hương có đường kính gốc 70-80 cm, nhiều cây cao vài chục mét. Cũng có nhiều cây gỗ khác mọc cùng với giáng hương.

"Từ xưa, chúng tôi bảo vệ rừng giáng hương này đều không có phụ cấp gì. Lúc đó, tôi cùng dân làng thay nhau bảo vệ, tuần tra cánh rừng này. Gần đây, nhận thấy giá trị của cánh rừng giáng hương này, Nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho những người giữ rừng như chúng tôi, mỗi tháng 1-2 triệu đồng. Tiền công gác rừng không đáng là bao nhiêu nhưng ai cũng tình nguyện ăn ngủ, "bám rừng" để đánh đuổi những đối tượng “lâm tặc” nhăm nhe cưa hạ những cây giáng hương quý”, ông Le bộc bạch.

Ngoài ông Le, việc canh gác, bảo vệ rừng hương quý còn có ông Rơ Mah Kem và ông Nguyễn Hữu Mạnh, mỗi người thay phiên nhau giữ rừng từ 2-3 ngày/tuần. Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh, rừng giáng hương cổ thụ đẹp như thế này thì công đầu phải là của ông Rơ Mah Le và dân làng Grôn cùng chung tay gìn giữ và bảo vệ.

gia lai nguyen chu tich xa an ngu o rung de bao ve rung giang huong quy hinh 4

Nguyên Chủ tịch xã Ia Kriêng luôn canh cánh trong lòng nỗi lo cánh rừng hương quý bị xâm hại

"Hàng chục năm nay, rừng giáng hương quý chưa bị mất một cây nào bởi ngay khi có người lạ tiếp cận rừng giáng hương thì dân làng đã thông tin ngay đến chúng tôi. Nhiều đoàn khách du lịch khắp nơi cũng thường đến tham quan, chụp ảnh và vui chơi ở rừng giáng hương này. Chúng tôi coi rừng giáng hương này như là ngôi nhà thứ 2 của mình và hầu như đều ăn, ở tại nơi này luôn", ông Mạnh chia sẻ.

Dù được dân làng chung sức bảo vệ nghiêm ngặt, song vì giá trị quý hiếm của gỗ giáng hương mang lại khiến nguyên Chủ tịch xã Ia Kriêng luôn canh cánh trong lòng nỗi lo cánh rừng bị xâm hại. “Mấy anh em chúng tôi thường bảo ban nhau thường xuyên túc trực canh gác. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư kinh phí để khoan giếng, mắc điện, sửa nhà hoặc xây tường bao quanh để bảo vệ rừng giáng hương được tốt hơn”, ông Le trải lòng.

Một lãnh đạo xã Kriêng cho biết: "Xã đánh giá rất cao về những công sức to lớn trong công tác bảo vệ rừng giáng hương của ông Rơ Mah Le và dân làng Grôn. Rừng giáng hương ở Ia Kriêng là một tài sản quý giá. Hiện xã cũng đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí để đào giếng, kéo điện nhằm phục vụ công tác bảo vệ rừng hương quý này. Ngoài ra, xã đã xây dựng phương án mở rộng khu rừng để bảo tồn giống gỗ giáng hương quý hiếm”.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Bình Luận

Tin khác

Hà Nội: Cháy lớn tại một xưởng in trên địa bàn quận Nam Từ Liêm

Hà Nội: Cháy lớn tại một xưởng in trên địa bàn quận Nam Từ Liêm

(CLO) Chiều 19/9, đám cháy lớn đã bùng phát tại một xưởng in trên đường Quang Tiến (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) với cột khói bốc cao hàng chục mét, thiêu rụi khoảng 400m2 nhà xưởng.

Đời sống
Bão số 4 đã qua, miền Trung vẫn tiếp tục mưa lớn hết ngày mai

Bão số 4 đã qua, miền Trung vẫn tiếp tục mưa lớn hết ngày mai

(CLO) Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4 đã nằm trên khu vực phía Nam Lào. Dự báo, mưa lớn vẫn còn tiếp tục ở vùng Thanh Hoá đến Quảng Trị trong đêm nay kéo dài đến hết ngày 20/9, mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Đời sống
Hai bố con ở Nghệ An thoát chết sau khi bị cây to gãy đè lên người

Hai bố con ở Nghệ An thoát chết sau khi bị cây to gãy đè lên người

(CLO) ​​Khi phát hiện hai người trên xe máy bị cây to đè trúng người, người dân Nghệ An đã tri hô, hỗ trợ chặt cành cây, đưa hai nạn nhân thoát ra ngoài an toàn.

Đời sống
Dự báo thời tiết ngày 20/9: Khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị mưa lớn

Dự báo thời tiết ngày 20/9: Khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị mưa lớn

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 20/9, khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn, có nơi trên 350mm. Dự báo đến ngày 21/9, mưa lớn ở Trung Bộ sẽ giảm dần.

Đời sống
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

(CLO) Hiện nay, việc thu gom, tiêu thụ cây rừng gãy đổ do bão gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, ngày 19/9 UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp với người dân và các sở ngành liên quan để bàn giải pháp hỗ trợ liên quan đến nội dung này.

Đời sống