Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi vận hành chính thức sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hằng ngày. Ảnh: TL
Theo đó, mức giá vé bình quân của đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đề xuất cao hơn xe buýt khoảng hơn 40%.
Cụ thể, sẽ có một mức giá cố định chung (giá mở cửa), sau đó cộng thêm tiền cho mỗi kilomet, theo nguyên tắc đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Mức giá vé lượt khác với giá vé tháng. Trong đó, vé tháng được tính theo thời gian thực, đủ 30 ngày, không tính theo thời gian từ đầu tháng đến cuối tháng theo lịch như xe buýt hiện nay.
Theo đại diện Metro Hà Nội, phương án này được xây dựng với sự hỗ trợ của JICA, theo kinh nghiệm thế giới và căn cứ khả năng chi trả của người dân, có trợ giá của nhà nước để có tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân.
Trước đó, theo kết quả khảo sát của Metro Hà Nội với hơn 1.500 người dân Hà Nội sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thấy, đa số ý kiến chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30%-37%; Giá vé tháng cao hơn 15%-20%. Ví dụ, giá xe buýt là 7.000 đồng thì vé đường sắt là 10.000 đồng/vé.
Theo Metro Hà Nội, đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi vận hành chính thức sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hằng ngày; từ 5 - 6 phút có một chuyến, ngoài giờ cao điểm 10 phút chuyến; mỗi khi tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.
Tàu được thiết kế chạy 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân sẽ chạy ở tốc độ 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h. Với tốc độ trên và được chạy trên đường không có chướng ngại vật, từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại (dài 13,1km) trung bình hết 15 - 20 phút.
Được biết, từ 22/9, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được vận hành thử và dự kiến sau 3-6 tháng sẽ đưa vào vận hành, khai thác thương mại. Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019.
Minh Châu