Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018:

Giải Báo chí Quốc gia 13 tuổi - Vì thương hiệu Quốc gia của Giới báo chí Việt Nam

Thứ sáu, 21/06/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Giải Báo chí Quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin trên cơ sở kinh nghiệm thành công của Giải báo chí toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì từ năm 1991.

Đề án khẳng định mục đích và yêu cầu của Giải là “Lựa chọn để trao Giải cho những tác phẩm đạt chất lượng cao, có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”, và “thông qua Giải góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội”.

Kể từ đó đến nay, hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây là Bộ Văn hóa- Thông tin) và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một giải báo chí ở tầm quốc gia lớn nhất, thu hút sự tham gia của người làm báo 63 tỉnh, thành trong cả nước và các cơ quan báo chí T.Ư, báo chí ngành, góp phần nâng cao mặt bằng chất lượng của cả báo chí Trung ương lẫn địa phương. Lễ trao giải càng có ý nghĩa vì được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Đó thực sự là ngày hội của những người làm báo Việt Nam.

Nhà báo Hà Minh Huệ.

Nhà báo Hà Minh Huệ.

Giải Báo chí Quốc gia không chỉ là sự kế thừa đơn thuần, mà là sự nâng cấp lên tầm quốc gia của một giải toàn quốc, được Nhà nước bảo trợ, đã trở thành một thương hiệu Quốc gia của giới báo chí. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ một sản phẩm xã hội nào khác, Giải Báo chí Quốc gia đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình, nhưng vẫn còn chỗ cho sự mong đợi về sự hoàn thiện, hoàn mỹ, mang lại hiệu quả xã hội như bổn phận vốn có của báo chí cách mạng. Mong muốn là có thật về những bài báo, thước phim, bức ảnh được chọn trao giải là những tác phẩm thật xuất sắc, phản ánh trung thực cuộc sống, trong đó thể hiện phẩm chất nghiệp vụ đỉnh cao của người làm báo có quan điểm chính trị đúng đắn, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, thông qua đó góp phần cải tạo xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Với sự mong đợi đó và trước những trăn trở vì một thương hiệu Giải Báo chí Quốc gia xứng tầm, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, ngày 22/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1694/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia, trong đó bổ sung những nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng và tầm vóc của Giải cho phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng cho phép Hội đồng Giải xem xét, linh hoạt quyết định cơ cấu giải, quy định các loại giải phù hợp với yêu cầu phát triển của các loại hình, lĩnh vực hoạt động báo chí trong từng thời kỳ. Thực hiện Quyết định đó, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã tăng số lượng giải từ 8 lên 11, tăng mức tiền thưởng mỗi giải, qua đó khích lệ các cấp Hội tham gia diện rộng. Kể từ đó đến nay đã có hơn một nghìn tác phẩm báo chí được trao Giải Báo chí Quốc gia với mức bình quân 7,5 Giải A, 25 Giải B, 45 Giải C/năm so với mức 2,3 giải A, 16 giải B, 37 giải C/năm của giai đoạn 2006- 2011. Thống kê này của Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo cho thấy mặt bằng chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Uy tín của Giải ngày một tăng.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TL

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TL

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, vài ba năm gần đây, số lượng tổ chức cơ sở Hội gửi tác phẩm tham dự Giải ngày càng đông đủ hơn. Đại đa số Hội Nhà báo cấp tỉnh đã vượt qua sự “tự ti” trong cuộc thi thố với các cơ quan báo chí Trung ương do sợ bị lép vế. Các cơ quan báo chí địa phương cũng đã đạt nhiều giải cao trong báo hình, báo nói và cả báo in ở các thể loại phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra... Kết quả này cho thấy Giải Báo chí Quốc gia đã khích lệ các nhà báo địa phương trong nỗ lực sáng tạo ra các tác phẩm báo chí chất lượng cao hơn. Đó là những mặt được của Giải.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn một số điểm yếu cần tập trung khắc phục để tiếp tục nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia. Chẳng hạn thể loại ảnh có riêng “Giải ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh”, được ưu tiên cho phép cá nhân tự gửi dự thi, thế mà lâu nay chọn được một tác phẩm để trao Giải A quá khó, Giải B cũng hiếm hoi, bởi số lượng, chất lượng ảnh không “thuyết phục” được Hội đồng giám khảo. Mấy năm nay gần như vắng bóng tin, bài thông tin quốc tế trong số tác phẩm vào Chung khảo. Thể loại tin, bài bình luận cũng có chất lượng không cao. Phải chăng phân khúc báo chí này chưa mạnh? Rồi nữa, trong số các tác giả được Giải không nổi lên thành thương hiệu những nhà báo định hình tên tuổi như thời gian trước đây. Phải chăng khái niệm tác giả cũng đã thay đổi? Cần lắm những cây bút được định danh thay vì những nhà báo tập thể được giải chung (có thể lên tới hàng chục nhà báo đứng tên một tác phẩm dài kỳ, đặc biệt tác phẩm truyền hình). Để khắc phục điểm yếu này, câu chuyện chưa hẳn là khâu tuyển chọn tác phẩm dự thi, mà từ khâu tác nghiệp, đòi hỏi các nhà báo, các cơ quan báo chí phải quan tâm, đầu tư sức lực.

Gần đây, báo Nhà báo và Công luận đăng loạt bài xung quanh chủ đề “Giải Báo chí Quốc gia - Nhìn từ công tác sàng lọc, tuyển chọn” để có cái nhìn rõ hơn về việc tổ chức Giải, qua đó góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng của Giải. Trong những loạt bài đầu tiên, Liên Chi hội Nhà báo của hai cơ quan báo chí lớn là Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam cho biết họ dành sự quan tâm đặc biệt và đầu tư xứng đáng để có những tác phẩm thực sự chất lượng đại diện đơn vị tham dự Giải “vì màu cờ sắc áo của đơn vị”, và chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu sàng lọc, tuyển chọn để tăng “cơ hội bước lên thảm đỏ” của Giải. 

Giành được giải cao hay thấp trong một cuộc thi là nguyện vọng chính đáng của các nhà báo, nhưng mục tiêu lớn của Giải là “đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước” như Đề án của Giải xác định. Về cơ bản Giải báo chí của chúng ta đã và đang làm được điều đó, nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Thực tiễn cho thấy nhận định của một lãnh đạo cấp cao cho rằng Giải Báo chí Quốc gia còn “thiếu vắng những tác phẩm báo chí lay động trái tim, khối óc của công chúng” đến nay vẫn đúng. Bởi lẽ, mỗi mùa Giải qua đi, ít tác phẩm được Giải đọng lại trong lòng công chúng bởi tác động xã hội lan tỏa của nó. Xin phép được dẫn Giải báo chí Pulitzer của Mỹ để so sánh dù hơi khập khiễng. Đã có những tác phẩm báo chí, kể các bức ảnh đơn được trao giải Pulitzer gây chấn động dư luận bởi hiệu quả lớn của nó. Thí dụ như loạt bài phanh phui vụ bê bối chính trị Watergate dẫn đến việc Tổng thống Nixon từ chức; bức ảnh về nạn đói ở Xu đăng qua hình tượng con kền kền đứng rình em bé gày guộc đói lả. Bức ảnh gây ám ảnh tới mức nhiếp ảnh gia Kevin Carter bị một bộ phận dư luận công kích dữ dội, cho rằng thay vì đứng nhìn, chụp ảnh, nhà báo cần ra tay hành động để cứu em bé. Trước sức nóng của dư luận, nhiếp ảnh gia Carter đã tự vẫn. Đó là hiệu ứng không mong muốn của tác phẩm báo chí…

Nhà báo Hà Minh Huệ

    (Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo