Tín dụng trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp có dấu hiệu tăng
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc so với năm 2017.
Như vậy, Chỉ số tiếp cận tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2017-2018, định hướng đến năm 2020.
So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc. Theo các chuyên gia, so với các nước trong khu vực, Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đứng sau Malaysia (thứ 20) và đứng trên các nước Indonesia (thứ 55). Về chấm điểm, Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 75/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm). Theo NFSC, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm 2017. Trong đó, huy động VND tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động là 9,2% (cuối 2017 là 9,7%).
Cũng trong quý 1/2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% với cuối năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 4,3%). Tín dụng VND ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%). NFSC cũng thông tin, tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018. Quý 1/2018, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%. Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn khoảng 53,2% (cuối năm 2017 là 52,8%).
Khó khăn lớn nhất của các DNNVV là tiếp cận nguồn vốn vì những thủ tục tín dụng rườm rà, phức tạp, không hiệu quả.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Thực tế cho thấy, nguồn vốn dành cho DNNVV đến từ các nguồn sau: ngân sách Nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…); Nguồn vốn nước ngoài; Huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); Đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…); Nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính; Vốn tự có, vốn góp.
Khảo sát tại các đơn vị tài chính cho thấy, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các Ngân hàng Thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5%-1,5%. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được vay tín chấp tại các Ngân hàng Thương mại, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với doanh nghiệp nhà nước. Và, có thể thấy từ vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước, quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại và doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, có 8 nguyên nhân khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua. Nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng còn thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV; và quy định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV, khiến việc bảo lãnh vốn vay chưa được đẩy mạnh, do ảnh hưởng của nợ xấu chưa xử lý triệt để và nhanh hơn, thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN. Thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển. Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.
Cùng với đó, một số TCTD chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các TCTD chưa có các sản phẩm - dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến TCTD chưa thể giải ngân.
Về phía các TCTD, các TCTD gặp nhiều khó khăn thách thức khi cho DNNVV vay vốn bởi DN thiếu tài sản đảm bảo, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn còn hạn chế (thiếu phương án kinh doanh khả thi...), khó cho vay dựa trên dòng tiền. Bên cạnh đó, DN thường ngại hoàn thiện thủ tục vay vốn do thói quen, do thiếu thông tin, thiếu cán bộ hiểu biết về tài chính, về thủ tục vay vốn...
Các chuyên gia tài chính cho rằng, tín dụng là yếu tố cốt lõi của một doanh nghiệp. Chính sách tín dụng rộng mở và nhiều hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do còn nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các DNNVV, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tần, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và thiếu công khai, minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tín dụng thuận tiện hơn, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng và tiếp tục cải thiện các chỉ số tiếp cận tín dụng đến doanh nghiệp như vay không cần có tài sản đảm bảo, xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp hơn. Hy vọng với việc cải thiện các vấn đề còn tồn tại này, doanh nghiệp ngày càng tiếp cận gần hơn với chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Nguyễn Nam