(Congluan.vn) - Trong các số báo trước, Báo NB&CL đã có bài viết về việc phát hiện nhiều sai phạm tài chính của Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn-Nhổn) thuộc địa bàn huyện Từ Liêm với số tiền vi phạm lên tới gần 100 tỷ đồng. Xung quanh số tiền thất thoát này là những câu chuyện bi hài chỉ có ở Từ Liêm.
Căn nhà 9 tầng nguy nga của bà Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Từ Liêm
Chuyện thu hồi tiền ngân sách chỉ có ở Từ Liêm
Quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn (Hà Nội) –"con đường đau khổ" chạy qua huyện Từ Liêm trên địa bàn 3 xã Minh Khai – Phú Diễn – Xuân Phương từ km 10+420 đến km 14+493,65. Tổng số đất cần thu hồi theo Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 và Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 11/3/2009 của UBND TP Hà Nội là 210.040 m2. Trong đó, xã Minh Khai cần thu hồi 78.440 m2, xã Phú Diễn thu hồi 90.774 m2, xã Xuân Phương thu hồi 22.298 m2, thị trấn Cầu Diễn (10.539 m2), huyện Từ Liêm và xã Kim Chung huyện Hoài Đức là 7.989m2. 4 km đường với gần 1.500 phương án bồi thường đã tiêu tốn của nhà nước hơn 522 tỷ, nhưng theo kết luận Thanh tra Hà Nội số 795/KL-TTTP(P7) thì số tiền thất thoát cần thu hồi đã lên tới gần 100 tỷ. Sau khi Thanh tra Hà Nội ra Kết luận 795/KL-TTTP(P7) thì các ban ngành ở Từ Liêm mới bắt đầu khởi động chuyện sửa sai này bằng cách lấy lại tiền bồi thường 3 năm trước cho các hộ dân.
Như chúng ta đã biết, ngày 24/12/2009, UBND Huyện Từ Liêm đã ra Quyết định số 12010/QĐ-UBND về việc thu hồi đất phi nông nghiệp tại xã Xuân Phương. Chấp hành chủ trương của Nhà nước, đồng tình với việc cải tạo “con đường đau khổ” đã ám ảnh bao thế hệ người dân Từ Liêm, các hộ dân thuộc diện này phấn khởi đăng kí tự nguyện phá dỡ nhà cửa và đến 15/5/2010 đã bàn giao mặt bằng sạch cho Ban quản lí dự án trong khi UBND Huyện Từ Liêm còn chưa lên xong phương án đền bù. Ngày 10/6/2010, UBND Huyện Từ Liêm ra quyết định số 5989/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư chi tiết khi Nhà nước thu hồi đất với các hộ gia đình. Theo đó, diện tích thu hồi là đất ở trước 15/10/1993, sử dụng ổn định, không tranh chấp được bồi thường 100% giá trị về đất và 100% giá trị công trình trên đất. Trên các quyết định này có đầy đủ 6 cơ quan chức năng kí tên đóng dấu, quy trình làm việc khá minh bạch, rõ ràng. Các ông, Trần Tất Hoàn, Đỗ Văn Đua, Nguyễn Văn Mười … đại diện các hộ trình bày: “Sau khi nhận tiền đền bù, chúng tôi đã xây dựng lại nhà cửa, làm ăn ổn định đến nay hơn 3 năm nhưng ai ngờ …”. Ngày 30/9/2013, tất cả các hộ dân trên đều bất ngờ nhận được quyết định số 5875/QĐ-UBND của UBND Huyện Từ Liêm. Theo quyết định này, UBND Huyện Từ Liêm đã điều chỉnh tiền đền bù về đất ở ở mức 50% giá trị đất ở và 80% giá trị công trình trên đất, yêu cầu các gia đình phải “khẩn trương” nộp lại tiền cho UBND Huyện. Số tiền mà chín hộ trên phải hoàn trả trong vòng 5 ngày lên tới gần 3 tỷ đồng (hộ ít nhất gần 300 triệu, hộ nhiều gần 400 triệu) và tất nhiên trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay bắt một hộ gia đình bình thường trong ngần đó thời gian nộp mấy trăm triệu là bất khả thi. Điều đáng cười cách làm việc tù mù này của UBND Huyện Từ Liêm là bản Quyết định phê duyệt phương án bồi thường năm 2009 và Quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường …
giống y như nhau, đều viện dẫn hàng loạt các Luật, Nghị định, Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội từ năm 2008, 2009. Chỉ khác biệt là trên bản Quyết định năm 2013 có thêm một sự khác biệt là việc điều chỉnh này căn cứ trên Kết luận số 795/KL-TTTP(P7) của Thanh tra thành phố Hà Nội. Sự bức xúc của người dân lên cao độ khi chịu thêm cách làm việc rất không minh bạch của cán bộ Từ Liêm đặc biệt là ông Nguyễn Công Trình – Phó ban GPMB Huyện Từ Liêm và bà Nguyễn Hồng Nga trong buổi làm việc với các hộ dân ngày 28/11/2013. Ông Đỗ Văn Đua cho biết “ ngày 23/10/2013 chúng tôi nhận được quyết định điều chỉnh, ngay sau đó chúng tôi đã đề nghị được cung cấp các văn bản tài liệu liên quan như Kết luận 795 của Thanh tra thì ngày 28/10/2013 đã nhận ngay Thông báo “khẩn trương nộp tiền”. Đây có còn là Nhà nước của dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra không? Chúng tôi cần được biết tại sao lại điều chỉnh mức đền bù đất từ 100% xuống 50%, căn cứ vào Luật nào, quyết định nào?” Giải thích ý kiến này thì ông Trình cho biết là căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của Huyện còn kết luận Thanh tra chưa cung cấp vì phải xin ý kiến của … Thanh tra.
Làm việc kiểu “Cầm đèn chạy trước ô tô”
Từ sự việc trên tại Huyện Từ Liêm, chúng ta có thể nhận định, việc UBND Huyện Từ Liêm ra hàng loạt các Quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 09 hộ dân trên tại xã Xuân Phương căn cứ dựa trên Kết luận Thanh tra số 795/KL-TTTP(P7) mà không về có Quyết định hướng dẫn nào từ UBND Thành phố Hà Nội. Từ bao giờ UBND Huyện Từ Liêm có thể ban hành quyết định chỉ dựa trên kết luận của Thanh tra như vậy? Thanh tra Hà Nội đã làm đúng chức năng thẩm quyền là cơ quan thuộc UBND thành phố Hà Nội có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố qủan lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND thành phố.
Trong Phần III - Kết luận 795, Thanh tra Hà Nội chỉ Kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội thu hồi các khoản tiền cho Ngân sách Nhà nước chứ không đưa ra các biện pháp chi tiết như “giảm mức bồi thường đất ở trước 15/10/1993 của dân từ 100% xuống 50% hay giảm mức bồi thường công trình trên đất từ 100% xuống 80%” như UBND Huyện Từ Liêm đã viện dẫn trong Quyết định điều chỉnh phương án đền bù. Cách làm này không chỉ là lạm dụng quyền hạn, tự ý ra quyết định không xin ý kiến cấp Thành phố mà còn là cách làm việc thiếu minh bạch với nhân dân, coi thường quyền lợi của nhân dân. Người dân còn cho rằng, nếu UBND TP Hà Nội đồng ý và có Quyết định hướng dẫn tiến hành việc này thì các cán bộ Huyện Từ Liêm có đất bị thu hồi cần kiên quyết đi đầu, dẫn đường cho quần chúng nhân dân. Ngay như hộ ông Nguyễn Ngọc Giao (chồng bà Sơn – Trưởng phòng tài nguyên môi trường Huyện Từ Liêm) cũng được đền bù đất 100%, ngay cả dàn hoa giấy của ông cũng được đền bù 100% vậy đã xử lí chưa? Hộ bà Sơn sau khi bị thu hồi 82,8 m2 còn lại diện tích là 224,2 m2 nhưng vẫn được đền bù suất tái định cư 40m2 thì đã thu hồi chưa? Lí do nào cấp đất tái định cư cho bà Sơn trong khi ngoài căn nhà 9 tầng nguy nga với diện tích 224,2 m2, bà còn căn nhà 5 tầng hơn 80m2 ở Khu tập thể UBND Huyện Từ Liêm, đường K2?
Chúng ta vừa có bản Hiến pháp sửa đổi, trong đó đã khẳng định “Nhân dân là một chủ thể đặc biệt”, vì vậy ngay từ Lời nói đầu cho đến các điều cuối cùng (Điều 120), danh từ Nhân dân được viết hoa một cách trang trọng nhất. “Việc viết hoa danh từ Nhân dân thể hiện tư tưởng lấy con người là trung tâm, Nhân dân là chủ thể đặc biệt trong Hiến pháp. Vì vậy, ngay từ Lời nói đầu, Hiến pháp ghi rõ “Nhân dân Việt nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Ủy viên UBDTSĐ Hiến pháp năm 1992, ông Phan Trung Lý đã phát biểu: “Hiến pháp không chỉ khẳng định Nhân dân là người làm chủ Nhà nước mà để tránh cho quyền lực nhà nước bị lạm quyền đã khẳng định nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy thì việc cầm đèn chạy trước ô tô, tự ý thu hồi, điều chỉnh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như vậy của UBND Huyện Từ Liêm có còn coi trọng luật pháp của nhà nước ta hay không?
Như trong các bài viết đăng đăng trước đó, chúng tôi đã khẳng định: “Những thiệt hại về kinh tế có thể được bù đắp, nhưng những tổn hại về hình ảnh một hệ thống chính quyền của dân, do dân, vì dân thì không thể lấy lại. Sự tôn nghiêm của Pháp luật bị coi thường, các điều luật bị chà đạp, bao nhiêu tâm huyết của UBND Thành phố Hà Nội dành cho nhân dân cửa ngõ phía Tây Thủ đô bị lợi dụng, lòng tin của Nhân dân vào Chính quyền bị xói mòn ...” Cách làm theo kiểu càng sửa càng sai, càng bôi càng đen này của UBND Huyện Từ Liêm lại một lần nữa làm mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền, vào pháp luật. Trách nhiệm ở đây không chỉ thuộc về tập thể mà còn trực tiếp thuộc về ông Lê Văn Thư, Bí thư Huyện uỷ Từ Liêm, nguyên Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Sơn Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới độc giả trong số báo tiếp theo.
Nhóm PVPL