(CLO) Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 4, sáng 5/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTV Quốc hội nghe và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
[caption id="attachment_125214" align="aligncenter" width="640"]

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát tại phiên họp[/caption]
Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình còn gặp một số hạn chế, vướng mắc. Một trong những vấn đề còn bất cập, vướng mắc đó là: Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, điều kiện của các vùng, miền, địa phương. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở một số địa phương chưa gắn với việc ứng phó biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Sự gắn kết giữa công nghiệp và dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, chưa bền vững; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn với số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khẩn trương sửa đổi, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, địa bàn; rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản...
Thảo luận tại phiên họp, một số thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, báo cáo của Đoàn Giám sát còn một số điểm mâu thuẫn và có một số kiến nghị không mang tính khả thi, khó thực hiện, trong đó có vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các đề nghị nêu trong báo cáo như rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 khó có thể thực hiện được.
[caption id="attachment_125215" align="aligncenter" width="640"]

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc giải quyết dứt điểm nợ đọng trong xây dựng NTM khó có thể thực hiện được trong năm 2017[/caption]
Theo Báo cáo giám sát, hiện nay có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Tình trạng nợ đọng để lại hậu quả xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Trước tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn đặt câu hỏi "nợ để được đạt nông thôn mới thì xử lý như thế nào," qua giám sát chưa thấy Đoàn giám sát đưa ra kiến nghị, giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề: Nguồn lực ở đâu để giải quyết nợ đọng trong năm 2017, bên cạnh đó việc xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hay rút lại công nhận cũng cũng không thực tế mà nên đánh giá, bình chọn thực chất, đúng thực tế.
Từng tham gia trong Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết con số hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương mà đoàn giám sát thống kê đều không có nguồn thanh toán. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính có hướng xử lý, đồng thời cần kiên quyết yêu cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối để quá hạn như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài, phải kiên trì, bền bỉ, không nên chạy theo thành tích, nên phát huy được sức mạnh toàn dân, coi đây là sự nghiệp của toàn dân, lấy dân làm gốc, để dân biết, dân bàn, huy động sức mạnh cộng đồng nhưng phải xác định trọng tâm, trọng điểm.
PV