Để chọn được doanh nghiệp tham dự vào Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là việc không hề đơn giản.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Bệ đỡ doanh nghiệp khẳng định thương hiệu.
Đó là sự phấn đấu không ngừng đến từ hai phía, cả của doanh nghiệp và sự nỗ lực của hội đồng tuyển chọn các cấp.
Tham gia giải thưởng để hoàn thiện mình
Vẫn còn nhiều cạm bẫy, còn nhiều khó khăn đe dọa sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh năm 2014 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng các tín hiệu vẫn còn rất mờ nhạt.
Theo đánh giá của PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chỉ trong 2 năm 2011 – 2012, nước ta đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản, chiếm 50% số doanh nghiệp đóng cửa và phá sản kể từ bắt đầu đổi mới đến nay. Số doanh nghiệp còn hoạt động khoảng 470.000, giảm 20 – 30% công suất tương đương đóng cửa 90.000 – 150.000 doanh nghiệp. Số lao động mất việc làm từ số doanh nghiệp đóng cửa “quy đổi” lên tới con số hàng triệu người.
Còn theo Tổng cục Thống kê, năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012. Tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, ngừng hoạt động của năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%. Số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký chiếm lớn nhất, tăng 8,6%.
Trong bối cảnh kinh thế khó khăn và sự khởi sắc vẫn còn manh nha, không ít giải thưởng uy tín, tôn vinh, khích lệ tinh thần doanh nghiệp bị gián đoạn, ngừng tổ chức. Với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, những năm gần đây cũng chịu không ít tác động từ bối cảnh chung của nền kinh tế. Đối tượng chủ chốt của giải thưởng là các doanh nghiệp – họ đang phải vươn mình vượt qua sóng gió ở môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Việc tham gia vào các giải thưởng và được tôn vinh, đối với họ cũng vơi đi ít nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, năm 2013 tiếp tục ghi nhận nhiều khó khăn đối với xã hội nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham dự giải không có sự sụt giảm so với năm 2012 mà còn tăng thêm với gần 200 doanh nghiệp đăng ký tại Hội đồng sơ tuyển.
Trong khó khăn, không ít doanh nghiệp đã vươn lên, đạt 7 tiêu chí nghiêm ngặt của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Theo các chuyên gia năng suất chất lượng, điều kiện kinh tế khó khăn không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà có quy mô toàn cầu. Không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn vươn lên, có doanh thu lớn, lợi nhuận cao, biết tận dụng điều kiện khó khăn để vượt qua và phát triển. Chính những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, họ lại càng muốn tham gia GTCLQG để hoàn thiện mình. Bởi theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, GTCLQG được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Mỹ (Malcolm Baldrige National Quality Award). Đây là một mô hình được gần 90 quốc gia nghiên cứu, xây dựng thành các Giải thưởng quốc gia về chất lượng, đặc biệt là các quốc gia tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc…
Có những niềm vui lấp lánh
Trong danh sách những doanh nghiệp đạt GTCLQG năm nay, có trên 40 doanh nghiệp lần đầu tiên tham dự giải. Những doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Tổng Công ty Viglacera, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty CP Sữa TH, Công ty CP thủy sản sạch Việt Nam… đã trải qua tuyển chọn chặt chẽ và thẩm định của Hội đồng giải thưởng và được chọn để vinh danh trong GTCLQG năm 2013.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh - Chủ tịch Hội đồng GTCLQG cho biết, năm nay đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham dự giải thưởng. Đây là những doanh nghiệp có mức doanh thu nộp ngân sách lớn, có đủ điều kiện, tiêu chí tham gia giải thưởng và có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giải thưởng cũng có độ phủ rộng khắp ở cả khu vực doanh nghiệp sản xuất lớn, sản xuất vừa và nhỏ, dịch vụ lớn, dịch vụ vừa và nhỏ.
Cũng ghi nhận từ Ban tổ chức giải thưởng, trong năm qua có sự nỗ lực rất lớn của Hội đồng sơ tuyển GTCLQG ở cấp địa phương để lựa chọn những doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, yêu cầu mà giải thưởng đề ra. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp được vinh danh trong GTCLQG là thêm một lần nữa khẳng định các doanh nghiệp đó là ăn hiệu quả và thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, thuế, bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp đó cũng là bằng chứng hiện thực về việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tại doanh nghiệp mình. Chọn được các doanh nghiệp trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam để trao GTCLQG cũng là hành động thiết thực, khích lệ và cổ vũ tinh thần doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện kinh tế hiện nay. Cổ vũ họ làm ăn chân chính, lành mạnh, ngày càng phát triển, hòa nhập sâu rộng vào sân chơi chung của toàn cầu.
Theo Vietq