Mười triệu đồng làm sao phát triển tư duy?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, tài chính la chia khoa để phát huy tối đa các năng lực của sinh viên và của cả giảng viên, nhưng tại các trường ĐH hiện nay, không được tự chủ về tài chính. Đó là một rào cản cần thiết và phải thay đổi ngay. Ông đưa ra ví dụ với trường hợp của GS. Ngô Bảo Châu – hiện đang là Viện trưởng Viện nghiên cứu Toán cấp quốc gia, cũng chỉ được lĩnh lương theo mức quy định tối thiểu của Nhà nước là hơn 8 chấm (8.00) nghĩa là tương đương hơn 10 triệu đồng. Là viện trưởng, là người đứng đầu một tổ chức, nhưng GS. Ngô Bảo Châu cũng không có quyền tự quyết định lương của mình và Bộ cũng không có quyền quyết định. “Nhưng thử hỏi, với hơn 10 triệu/tháng, liệu GS. Ngô Bảo Châu có thể tận dụng tốt và phát huy chất xám của mình một cách hiệu quả không? và có thể áp dụng tốt những công trình nghiên cứu ấy ra ngoài thực tiễn không? Vậy rõ ràng nền giáo dục không tự chủ, sẽ là một động thái tiêu cực, là bỏ phí tài nguyên “chất xám” và làm cho nền kinh tế kém cạnh tranh và tụt hậu”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không chỉ đồng tình với ý kiến quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Quân, Gs Ngô Bảo Châu thẳng thắn cho rằng “nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt hệ thống giáo dục ĐH đang có “vấn đề” và trái hẳn với quy trình phát triển của nó. Nhưng nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, thì chỉ vài năm tới chất lượng giáo dục bậc ĐH ở Việt Nam tiếp tục ở bậc thấp. Thậm chí là tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Không tự chủ là bỏ phí tài nguyên “chất xám”
Ts Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen- cho rằng, chúng ta cần phải quyết tâm thay đổi những cái “không được”. Vì theo bà hiện nay nền giáo dục đại học của chúng ta như con thuyền chòng chành và nhiều sóng gió. Bà nêu ví dụ thực tế từ ĐH Hoa Sen: “Chúng tôi đang ở trong chế độ của một nền giáo dục phi lợi nhuận và đó chính là những thuận lợi cho trường tự chủ về tài chính, tạo đầu vào cho sinh viên và đầu ra cho các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên. Đây chính là việc tận dụng tối đa và không bỏ phí chất xám cho công cuộc xây dựng một nền kinh tế quân chủ, phát triển và bình đẳng".
Cùng quan điểm với nhiều diễn giả và khách mời tham dự, ông Trần Ngọc Anh –Phó GS tại Đại học Havard – cho rằng muốn phát huy tốt và vận dụng chương trình ĐH vào thực tiễn, thì Chính phủ Việt Nam cần giao quyền tự chủ về cho các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu, để họ có quyền quyết định và đưa ra những phương án phù hợp với mục tiêu của trường mình.
Còn GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm từ các trường ĐH quốc tế và cho rằng, khi được quyền tự chủ về vận mệnh của mình, họ sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh bằng một hệ thống giáo dục tốt nhất cho sinh viên và giảng viên của mình. Điều đó không chỉ tạo cơ hội, nguồn cảm hứng. Mà còn tạo động lực để sinh viên, giảng viên phát huy tốt năng lực, vận dụng khả năng và chất xám vào việc tạo ra các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ tốt cho cộng đồng và xã hội.
BẢO LAN