Giáo phường Ca trù Hải Phòng: 30 năm bền bỉ khơi lên mạch nước ngầm!

Thứ ba, 24/01/2023 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vào một buổi tối giữa tháng 8 năm 2022, tôi có dịp được làm quen với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đỗ Quyên và giáo phường Ca trù Hải Phòng trong một khóa chầu ca trù tại Hà Nội.

Tuy là người ngoại đạo, nhưng tôi vẫn dễ dàng bị thu hút và đắm mình vào không gian âm nhạc độc đáo, mà càng nghe càng say theo từng tiếng đàn, nhịp phách của các ca nương, kép đàn.

giao phuong ca tru hai phong 30 nam ben bi khoi len mach nuoc ngam hinh 1

Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên chia sẻ tại Tọa đàm “Ca trù - sự hồi sinh trong nghệ thuật đương đại” - Ảnh: Hữu Kế

Ca trù một thời vang bóng

Ca trù hay gọi nôm na là hát ả đào/hát cô đầu, là loại hình diễn xướng dân gian bằng âm nhạc thính phòng rất thịnh hành ở khu vực Bắc Bộ. Trong Ca trù có 3 thành phần chính gồm: nữ ca sĩ được gọi là “đào” hay “ca nương”, một nhạc công, còn gọi là “kép đàn” và người thưởng ngoạn, gọi là “quan viên”. Thuộc loại hình âm nhạc kinh điển, đỉnh cao của việc kết hợp thơ ca và âm nhạc, nên Ca trù được ví như loại hình âm nhạc bác học, mang tiêu chí nghệ thuật rất cao. Ngày xưa, Ca trù chủ yếu diễn ra trong cung Vua, phủ Chúa, nhà quan lại, địa chủ, được giới quý tộc và trí thức yêu thích.

Đó là những gì ca nương Hải Phượng chia sẻ trong buổi tọa đàm “Ca trù - sự hồi sinh trong nghệ thuật đương đại”, tại khách sạn Smarana, P. Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Buổi tọa đàm diễn ra trong không gian ấm cúng, với sự góp mặt của một số nhà nghiên cứu âm nhạc, nhiều bạn trẻ yêu ca trù và đặc biệt là sự góp mặt của các thành viên giáo phường Ca trù Hải Phòng.

Theo lời kể mượt mà và cuốn hút của ca nương, những người tham dự tọa đàm được đưa trở lại quá khứ, đến với lịch sử Ca trù và tới làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - nơi từng được biết đến như cái nôi của ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ. Nơi đây không chỉ có Phủ từ thờ 2 vị tổ nghề Ca trù, mà từng là một Giáo phường Ca trù lớn của cả vùng, đào tạo ra nhiều kép đàn, đào nương nổi tiếng như cụ Tô Tiến, cụ Phạm Thị Hợp, cụ Hội Thị... Ở thời hưng thịnh, Ca trù còn được coi là một nghề kiếm sống cho hàng trăm người dân ở Đông Môn. Trong khoảng hơn hai 2 thế kỷ, ca trù trở thành món ăn tinh thần, nó như ngấm vào máu thịt người dân Đông Môn. Mà theo như nghệ nhân dân gian, kép đàn Tô Văn Tuyên chia sẻ: “Tôi thường nghe các cụ kể lại rằng, ngày xưa ngay khi vào tới đầu làng người ta đã nghe tiếng lách cách của người học phách, học đàn…”, để thấy Ca trù ở đây phổ biến và hoạt động nhộn nhịp đến mức nào.

giao phuong ca tru hai phong 30 nam ben bi khoi len mach nuoc ngam hinh 2

Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên chia sẻ tại Tọa đàm “Ca trù - sự hồi sinh trong nghệ thuật đương đại” - Ảnh: Hữu Kế

Những biến cố và hành trình níu giữ vốn cổ

Từng có một thời hoàng kim như thế, nhưng phải trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Ca trù mai một, rồi có lúc tưởng như mất hẳn. Phải sau khi đất nước thống nhất, Ca trù mới được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc và được ghi danh là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (năm 2009). Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà nhiều nơi, trong đó có Hải Phòng vật vã trong việc gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Nói về những ngày khó khăn của Ca trù Hải Phòng, NSƯT Đỗ Quyên kể lại, suốt một thời gian dài Ca trù gần như biến mất ở Đất Cảng khi loại hình âm nhạc này không được sử dụng, nhiều nghệ nhân đã bỏ phách, gác đàn. Tới năm 1993, một nhóm những người yêu thích ca trù và nghệ nhân còn sót lại của các ca giáo trước đây tập hợp nhau lại, lập thành tổ ca trù trong CLB thơ của Trung tâm Văn hóa Hải Phòng.

Ngày đó, NSƯT Đỗ Quyên là cán bộ của Phòng Văn hóa huyện Thủy Nguyên, nhưng vì yêu ca trù nên tham gia CLB. Bà cùng một số thành viên của CLB thơ bỏ ra nhiều thời gian để tìm hiểu, nghe ngóng. Cứ ở đâu nói chỗ nọ, chỗ kia có nghệ nhân từng hát ca trù là Đỗ Quyên và các thành viên lại đạp xe đi gõ cửa từng nhà, gặp từng nghệ nhân, để vận động, thuyết phục các cụ ra truyền dạy. Ban đầu, nhiều nghệ nhân dân gian không đồng ý, vì họ vẫn còn ám ảnh trước ác cảm và sự bài xích của xã hội đối với những người từng hát ca trù/hát ả đào trước đó, nên các cụ từ chối. Nhưng với sự cầu thị, mong muốn bảo tồn, gìn giữ một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc mà Đỗ Quyên và các thành viên trong CLB thuyết phục được nhiều nghệ nhân ra giúp đỡ, truyền dạy lại cho tổ Ca trù.

NSƯT Đỗ Quyên bồi hồi nhớ lạ, “Những ngày đầu rất khó khăn, bởi đây là CLB được thành lập theo sở thích, nên không được Nhà nước chu cấp, bảo hộ gì. Các thành viên trong CLB phải đóng góp kinh phí để hoạt động”. Ban đầu chỉ có vài người, nhưng trải qua thời gian, bằng tình yêu, đam mê mà trên hết là tâm huyết gìn giữ nghệ thuật ca trù, bà và các thành viên dần làm sống dậy nghệ thuật ca trù tại Hải Phòng. 

giao phuong ca tru hai phong 30 nam ben bi khoi len mach nuoc ngam hinh 3

Nghệ nhân dân gian, kép đàn Tô Văn Tuyên (đứng) nói về cách sử dụng đàn đáy trong Ca trù - Ảnh: Hữu Kế

Sự hồi sinh bền bỉ

Trải qua gần 30 năm kể từ ngày thành lập, Ca trù Hải Phòng từ một CLB với vài ba hội viên thuở ban đầu nay đã trở thành Giáo phường Ca trù với gần 40 hội viên ở 6 thế hệ, trong đó có 1 NSƯT, 1 Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng, 7 ca nương, kép đàn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian – những người vẫn từng ngày miệt mài với các hoạt động nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy vốn cổ ca trù tại thành phố Cảng qua các buổi sinh hoạt và biểu diễn hằng tuần tại Đình Kênh.

Trong sự hồi sinh đáng mừng ấy của Ca trù Hải Phòng phải kể đến những đóng góp to lớn của các nghệ nhân như: Trần Bá Sự, Tô Nghị, Tô Thị Chè, Trần Trọng Quế, Nguyễn Hãn, Đào Thị Thẩm, Nguyễn Thị Chín… và đặc biệt là nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền. Chính nhờ dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng” của ông mà các ca nương, kép đàn, quan viên có thể nắm chắc được âm luật của ca trù, các nguyên lý cơ bản gắn phím cổ truyền để có thể đàn hát “có phách”, “có khuôn khổ” theo chuẩn mực “ả đào” cổ điển, qua đó thuận lợi trong cả việc truyền dạy nghề. Đánh giá về công trình này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Cũng như việc tìm ra cách ghi được thang âm của cồng chiêng, dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản của ca trù” đã mở ra một hướng bảo tồn di sản dân gian - một dự án tiên phong trong việc bảo tồn đúng cách, đúng giá trị của ca trù mà tiền nhân đã truyền lại”.

Là một trong những người gắn bó lâu nhất với CLB ca trù Hải Phòng, nay là Giáo phường Ca trù Hải Phòng, NSƯT Đỗ Quyên - Chủ nhiệm Giáo phường hồ hởi cho biết: “Sang năm 2023, chúng tôi kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo phường. Suốt 3 thập kỷ qua, chúng tôi đã cố gắng, bề bỉ níu giữ lấy nghề. Những tấm HCV, bằng khen từ Bộ VH-TT&DL, thành phố Hải Phòng, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa là thành quả vừa là sự nghi nhận đối với những nghệ sĩ chúng tôi… Tuổi càng chín thì các hội viên chúng tôi càng ra sức truyền dạy cho lớp trẻ, để Ca trù lúc nào cũng có ca nương, kép đàn kế cận cùng thực hành di sản cha ông để lại”.

giao phuong ca tru hai phong 30 nam ben bi khoi len mach nuoc ngam hinh 4

Một cảnh trong không gian hát cửa đình tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng) - Ảnh: Lâm Khánh

Nghệ sĩ Đỗ Quên tâm sự, từ những năm 2005 đến nay CLB phát triển ổn định về ca nương, kép đàn, được Viện Âm nhạc Việt Nam ghi nhận về quá trình phục hồi Ca trù, khẳng định vị trí nổi bật của Ca trù Hải Phòng qua các cuộc Liên hoan Ca trù toàn quốc. Từ năm 2014 đến nay, Giáo phường khởi động tích cực chương trình truyền dạy Ca trù cho các em học sinh tiểu học, sinh viên một số trường và thu được kết quả đáng khích lệ. Chẳng hạn, tại trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) từ năm 2015 đến nay đã có 60 em kế tiếp nhau tham gia học Ca trù theo thời gian 6 tháng một khóa. Việc đưa Ca trù vào trường học nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng như Sở GD-ĐT, Sở VHTT, nhiều bậc phụ huynh và trở thành điểm sáng cho nhiều giáo phường học tập trong việc gìn giữ, phát triển nghệ thuật Ca trù.

Kết thúc buổi tọa đàm “Ca trù - sự hồi sinh trong nghệ thuật đương đại”, câu hát “Hồng… Hồng, Tuyết… Tuyết” đầy quen mà lạ lại véo von vang lên. Nhìn vẻ mặt hứng khởi của ca nương Phạm Liên, Hải Phượng, kép đàn Tô Tuyên và các thành viên của Giáo phường Ca trù Hải Phòng, tôi tin rằng Ca trù đang tràn đầy sức sống hơn lúc nào hết.

Hoài Đức

Tin khác

Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc

Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc

(CLO) 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc vừa được trao tại Nhà hát Hồ Gươm nhằm tôn vinh, khích lệ các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình có tác phẩm chất lượng cao và các cơ quan báo chí, xuất bản trong năm qua.

Đời sống văn hóa
Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

(CLO) Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong gần một tháng với nhiều chương trình âm nhạc, thể thao và xúc tiến các hoạt động du lịch. Trong đó có không gian hoa, phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

(CLO) Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương năm 2024 sẽ điều chỉnh từ ngày 20/9-23/9 sang ngày 26 đến 29/10, với tổng kinh phí trên 4,1 tỉ đồng.

Đời sống văn hóa
Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

(CLO) Do yêu cầu tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão lũ, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định điều chỉnh quy mô Lễ hội Lam Kinh 2024.

Đời sống văn hóa
TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

(CLO) Chiều 19/9, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở ủng hộ việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đời sống văn hóa