Giáo viên mầm non tư thục: Nhọc nhằn mưu sinh trong dịch Covid-19

Thứ sáu, 10/04/2020 07:01 AM - 0 Trả lời

(CLO) Không có lương, để duy trì cuộc sống nhiều cô giáo mầm non tư thục đã đi dọn vệ sinh, giúp việc, bán hàng online… kiếm thêm thu nhập. Với giáo viên trường tư, trong những tháng ngày khó khăn này kiếm thêm được 50 nghìn đồng một ngày cũng đã là hạnh phúc.

Khó khăn của giáo viên tư thục

Sau Tết nguyên đán đến nay, các trường học đóng cửa nên các cô giáo mầm non tư thục không có việc làm. Đến nay, đa số cơ sở mầm non tư thục không trả lương nên các cô không còn thu nhập. Nhiều cô giáo không có việc làm đành về quê chờ đợi khi nào hết dịch Covid -19 sẽ quay lại Thủ đô làm việc. Tuy nhiên, còn nhiều cô giáo vì điều kiện hoàn cảnh vẫn cố ở lại thành phố, tìm cơ hội kiếm việc làm để có thêm thu nhập.

Cô Hương phải bươn chải nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống (ảnh TL).

Cô Hương phải bươn chải nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống (ảnh TL).

Cô Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Trường mầm non tư thục Bầu Trời Xanh ở Cầu Giấy, Hà Nội đã gần 2 tháng qua phải nghĩ mọi cách, tìm mọi nghề để mong một ngày có thêm 100 nghìn đồng thu nhập để trả tiền nhà trọ, nuôi con nhỏ. Cả hai vợ chồng cô Hương đều rơi vào cảnh không việc làm. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, cô Hương kể, quê cô ở Lạng Sơn, đường xá đi lại khó khăn nên cô không về quê. Hàng ngày lên mạng đăng tin nhận trông trẻ, dọn vệ sinh, bán hàng online…để tìm việc.

Trước khi có lệnh cách ly toàn xã hội, các cô giáo của cơ sở mần non Bé Thông Minh đi bán thực phẩm sạch (ảnh TL).

Trước khi có lệnh cách ly toàn xã hội, các cô giáo của cơ sở mần non Bé Thông Minh đi bán thực phẩm sạch (ảnh TL).

Ai thuê gì cô Hương đều làm. Đi dọn nhà cửa mỗi tiếng được trả từ 35 đến 40 nghìn đồng. Nếu có người thuê trông trẻ thì nhận được 200 nghìn đồng/ngày. “Trong thời điểm nghỉ dịch kiếm được 50 đến 100 nghìn/ngày đã là hạnh phúc lắm rồi” – cô Hương tâm sự. Tuy nhiên, những ngày đầu nghỉ dịch còn có việc để làm, còn kể từ khi có lệnh cách ly xã hội thì người thuê cũng ít đi. Dịch bệnh còn kéo dài, gánh nặng mưu sinh cứ thế càng nặng hơn với cô Hương. Tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng, tiền điện nước … và nhiều thứ phải chi tiêu đã không cho phép cô Hương ngồi chờ hết dịch.

Không ai thuê việc thì cô Hương lại tìm cách bán hàng online nhưng tất cả đều không hề dễ dàng đối với cô. Chỉ trong 2 tháng nghỉ dịch, cô giáo đã bươn chải nhiều công việc và cô cảm thấy nếu dịch kéo dài thì cuộc sống sẽ càng thêm túng quẩn. Cô Hương mong muốn, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các cô mầm non tư thục không có lương để những khó khăn vơi bớt đi.

Nhiều cô giáo mầm non để có thêm thu nhập đã bán hàng online, nhưng mọi việc đều không dễ dàng (ảnh TL).

Nhiều cô giáo mầm non để có thêm thu nhập đã bán hàng online, nhưng mọi việc đều không dễ dàng (ảnh TL).

Cùng cảnh ngộ như cô Hương, các cô giáo ở Trường mầm non Tư thục Bé Thông Minh ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) sau khi đóng của trường cũng phải tìm cách bươn chải mưu sinh. Các cô rủ nhau bán rau sạch, thực phẩm sạch, biến cổng trường thành nơi bán hàng.

Trước khi có lệnh cách ly xã hội, phụ huynh biết tin đã đến mua ủng hộ. Tuy nhiên, khi có lệnh cách ly xã hội thì cửa hàng thực phẩm sạch của các cô cũng buộc đóng cửa. Đồng nghĩa với đó là hy vọng kiếm thêm thu nhập cũng tiêu tan.

Cô Dương Thị Nho chủ trường chia sẻ, hiện nhà trường đang rất khó khăn để trả tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác nên không đủ tài chính chi trả tiền lương cho các cô.

Những ngày nghỉ ở nhà, cô Quyền làm hàng handmade để bán (ảnh TL)

Những ngày nghỉ ở nhà, cô Quyền làm hàng handmade để bán (ảnh TL)

Với những cô giáo có gia đình vất vả đã đành, những cô giáo trẻ còn độc thân áp lực mưu sinh không vì thế mà nhẹ đi. Cô Nguyễn Thị Quyền, giáo viên cơ sở mầm non Chân Trời Mới (Đống Đa) đã bị kẹt lại Hà Nội sau lệnh cách ly xã hội. Trong thời gian có dịch, cô Quyền vẫn cố ở lại Hà Nội để vệ sinh trường lớp, rồi tìm việc làm thêm. Trong mấy ngày qua do cách ly xã hội, cô Quyền đã lấy những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng để đi mua lương thực, thực phẩm. Ở nhà, cô tranh thủ làm các đồ dùng handmade để bán online. Những sản phẩm của cô làm rất đẹp nhưng cũng chẳng mấy có khách mua vì ai cũng đang khó khăn.

Cần có cơ chế hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập

Đời sống của các giáo viên mầm non ngoài công lập ở Hà Nội đang thực sự khó khăn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ trực tiếp nào đến được với các thầy cô. Được biết, ngày 27/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có những ý kiến đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, tại Hà Nội hiện có 17.580 giáo viên, nhân viên của 1.310 nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học, THPT ngoài công lập không được hỗ trợ lương khi trường đóng cửa vì Covid-19. Số giáo viên, nhân viên nhóm trẻ không được hỗ trợ lương chiếm nhiều nhất - hơn 16.000; Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương. Sở đã đề nghị UBND thành phố hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà, có con nhỏ hoặc sức khỏe yếu. 

Sở cũng đề nghị những giáo viên, nhân viên đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp quý I và II năm 2020 được miễn đóng cả ba loại này. Với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT kiến nghị cho phép họ vay với lãi suất 0% để duy trì hoạt động thường xuyên (trả lương, tiền thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác).

Liên quan đến việc hỗ trợ giáo dục trong thời kỳ dịch Covid-19, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có những chỉ đạo về các gói hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Giáo dục cũng sẽ được xem xét, tính toán trong các gói hỗ trợ này. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 có một số nội dung dự kiến hỗ trợ đáng chú ý như:  Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 – 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 – 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.

Người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp, chính sách về miễn, giảm tất cả các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế…

Trước mắt, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong đó, bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Các chính sách trên đang được Chính phủ xem xét phê duyệt để sớm ban hành làm căn cứ pháp lý để thực hiện.

Như vậy, Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ cơ sở giáo dục quốc dân khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để các chính sách trên sớm được ban hành, áp dụng được ngay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Minh Triết

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục