Gìn giữ và phát triển thương hiệu Việt: Thức tỉnh những giấc mơ!

Chủ nhật, 31/12/2017 05:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Gìn giữ và phát triển thương hiệu Việt từ lâu đã là ước mơ cháy bỏng của nhiều doanh nhân Việt. Nhưng nhìn lại con số ít ỏi những thương hiệu “thuần Việt” đang hiện diện trên thương trường hiện nay, mới thấy rất ít ước mơ trở thành hiện thực.

Tiếng thở dài cho một thời vàng son quá vãng

Nền kinh tế những năm tháng bao cấp và chập chững bước sang  nền kinh tế thị trường dù chứa đựng không ít những hạn chế thời đại, nhưng cũng không thể phủ nhận chính nó cũng đã tạo nên những điều mà đến giờ này, chúng ta lắm khi phải luyến tiếc nhìn lại, để tự hào rồi lại không nén nổi tiếng thở dài nuối tiếc. Tiếc nuối bởi những thương hiệu Việt “rất Việt” như: Diêm Thống Nhất, Xe đạp Thống Nhất, Cao Sao Vàng, Giầy Thượng Đình, Kem Thủy Tạ, kem đánh răng Dạ Lan, nước hoa Thanh Hương… dù giờ đây chúng vẫn hiện hữu, nhưng èo uột, lặng lẽ, ngôi vị gần như “độc tôn” trên thị trường ngày nào giờ chỉ còn trong kí ức.

Đơn cử như Giầy Thượng Đình. Từ sản phẩm xuất hiện trong mọi gia đình, đến nay đến một cửa hàng giày bất kì, hỏi mua Giầy Thượng Đình là việc… vô cùng khó, dường như cả Hà Nội, chỉ đến quận Thanh Xuân, mới được mục sở thị những đôi giày danh tiếng một thời này; Xe đạp Thống Nhất số phận cũng không khá hơn. Ở giai đoạn những năm 60-70, xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước. Trải qua hơn nửa thế kỷ, cũng giống như Giầy Thượng Đình, doanh thu lớn nhất của thương hiệu này giờ đây là từ nguồn… bất động sản; Kem đánh răng Dạ Lan từng “làm mưa làm gió”, chiếm lĩnh tới 70% thị phần kem đánh răng nội địa những năm 1993–1994, giờ đã trở nên “tuyệt chủng” sau khi “cha đẻ” của Dạ Lan “bán con” cho thương hiệu kem đánh răng Colgate Palmolive…

Báo Công luận
Diêm Thống Nhất 

Giấc mơ và những người “nhóm lửa”

Trong những năm tháng đất nước đổi mới, mở cửa, nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, thị trường Việt chứng kiến sự lấn át ngày càng mạnh mẽ của rất nhiều thương hiệu ngoại. Chủ tịch hãng bia Heineken phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Frans Eusman, trong một lần trả lời hãng tin CNBC đã tự tin cho biết Việt Nam là một trong những thị trường mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Heineken. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Eusman cho biết, Việt Nam chỉ đứng thứ hai về mức sinh lời cho hãng bia nổi tiếng của Hà Lan này sau Mexico. Heineken đã xác định, Việt Nam là thị trường trọng điểm để tăng trưởng kinh doanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sơn cũng là mảng thị trường chứng kiến sự lấn át rõ rệt của các thương hiệu ngoại. Theo thống kê của Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam (VPIA), cả nước đang có khoảng 600 DN ngành sơn, trong đó hơn 70 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy chiếm số lượng không nhiều nhưng các thương hiệu sơn ngoại vẫn chiếm thị phần khoảng 60 – 65%. Sự lấn lướt dễ thấy nhất của các thương hiệu ngoại với thương hiệu Việt là ở mảng thời trang. Theo số liệu thống kê không chính thức, cho tới nay đã có khoảng 200 thương hiệu thời trang  nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường, với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân.

Báo Công luận
Sản phẩm cao sao vàng 
Thực tế là vậy nhưng chẳng thể ngồi đó mà thở than. Cũng chẳng thể mãi nuối tiếc về những “anh hào” doanh nghiệp Việt một thời. Rất nhiều doanh nhân Việt, vì thế, đã đau đáu giấc mơ gìn giữ và phát triển doanh nghiệp Việt. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn PAN là một trong những người như thế. Lý giải lý do vì sao ông nỗ lực bằng mọi giá phải chiến thắng Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) trong cuộc đua giành được quyền kiểm soát Công ty CP Bibica, ông Hưng chỉ trả lời thật giản dị: Chúng tôi không muốn 5 năm nữa, trên bàn thờ tổ tiên không còn cái kẹo, cái bánh nào của Việt Nam”, rằng: “Tương tự những người đang nhóm lửa ở Việt Nam, muốn xây dựng thương hiệu Việt. Chỉ cần một vài trong số những người này thành công thì chỉ một vài năm sau, chúng ta mới có những thương hiệu Việt. Nếu không ai ở tuyến đầu, nhóm lên những nhóm lửa đầu tiên thì không bao giờ có đám cháy”.

Báo Công luận
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với đoàn Đại biểu Doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia 2016 tại Phủ Chủ tịch. 

Cuộc chiến nhọc nhằn

Nói như ông Nguyễn Duy Hưng: “Để giữ lại được thương hiệu Việt cho người Việt và thắng được các tập đoàn nước ngoài GDP của họ bằng nửa GDP của nước mình là điều không dễ. Giữ được nhưng phát triển được là câu chuyện bội phần khó”.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được. Một chuyên gia từng chỉ ra rằng, mỗi năm, chúng ta có khoảng 500 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng chỉ có 42 doanh nghiệp (8%) giữ vững thương hiệu này trong liên tục 20 năm. Nhưng trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực, bền bỉ… phá lệ. Bóng đèn Điện Quang là một ví dụ. Gần 44 năm, bằng nhiều phương cách: cổ phần hóa, lên sàn thị trường chứng khoán, vừa để minh bạch vừa giúp huy động, tìm kiếm thêm nguồn vốn đầu tư, áp dụng đón đầu các công nghệ của cuộc các mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất… thương hiệu này đã khiến câu ví von “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” từ năm xửa năm xưa giờ vẫn… đúng. Năm 2016, lợi nhuận của Điện Quang đã lên đến 204 tỷ đồng.

Trải qua chặng đường 23 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Tân Hiệp Phát không chỉ đạt được những cú đột phá ngoạn mục mà còn thể hiện được bản lĩnh của đơn vị luôn dẫn đầu xây dựng niềm tự hào về một thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. Để giữ vững vị thế là doanh nghiệp nước giải khát “thuần Việt” nắm giữ thị phần lớn, giữa thị trường bia - rượu - nước giải khát có sự cạnh tranh khốc liệt, với sự hiện diện của nhiều “đại gia” ngoại, Tân Hiệp Phát đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất, hiện đại hóa kỹ thuật công nghệ. Tập đoàn là một trong những đơn vị trong nước sở hữu nhiều công nghệ sản xuất, dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới như dây chuyền chiết lạnh vô trùng Aseptic, hiện đại từ các tập đoàn Sidel (Pháp), GEA Procomac (Đức) để sản xuất nước giải khát, không chỉ bảo đảm tuyệt đối tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp giữ nguyên vẹn được hương vị và giá trị các chất có lợi cho sức khỏe với nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ thiên nhiên.

Báo Công luận
 Kem Thủy Tạ . 
Tất nhiên, trong thời hội nhập kinh tế, cuộc chiến gìn giữ và phát triển thương hiệu Việt còn cam go, không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm ưng ý cho thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, mà còn phải làm sao có thể cạnh tranh với các thương hiệu trong khu vực và thế giới, có thể tồn tại trên thị trường toàn cầu.

Ngày 2/9/2017, khi bấm nút khởi công dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mang thương hiệu Vinfast, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đây không chỉ là một dự án về ô tô mà nó còn là “một thương hiệu quốc gia”. Việt Nam không chỉ là một xưởng gia công của thế giới, không chỉ tự hào về hàng hoá “made in Vietnam” mà còn cần những hàng hoá “designed in Vietnam”.

“Designed in Vietnam”, ẩn phía sau đó, không chỉ là sự ra đời một sản phẩm kinh doanh đơn thuần, nó còn là câu chuyện văn hóa, bản sắc, cao hơn thế là niềm tự hào, tự trọng dân tộc. Niềm tự hào, tự trọng ấy sẽ giúp chúng ta tạo dựng nên những sản phẩm chất lượng nhất. Có vậy, chúng ta mới có thể hiện thực hóa giấc mơ thương hiệu Việt - trí tuệ của người Việt.❏

Anh Thư

Tin khác

ROX Group: Khi sức sống thương hiệu đến từ nền tảng văn hóa

ROX Group: Khi sức sống thương hiệu đến từ nền tảng văn hóa

(NB&CL) Lịch sử gần ba thập kỷ phát triển đã giúp ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) trang bị cho thương hiệu bản sắc văn hóa và sức bật nội tại. Ban lãnh đạo Tập đoàn vững tin rằng nền tảng văn hóa mang lại sức sống và sinh khí mới cho thương hiệu ROX.

Thị trường - Doanh nghiệp
Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

(CLO) Ngày 26/4/2024, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

(CLO) Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gạo Việt Nam tiếp thục 'thăng hạng', xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

Gạo Việt Nam tiếp thục "thăng hạng", xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

(CLO) Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Viêt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Thị trường - Doanh nghiệp
UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

(CLO) Việc UDIC được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội...

Thị trường - Doanh nghiệp