Xã hội hóa y tế:

Góc khuất từ phong trào bác sĩ, cán bộ y tế góp tiền mua máy móc làm dịch vụ trong bệnh viện công

Thứ năm, 15/10/2020 11:07 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện nay tình trạng các bác sĩ, cán bộ y tế lợi dụng xã hội hóa mua máy móc, thiết bị đặt trong các bệnh viện công làm dịch vụ dẫn đến tình trạng lạm dụng kỹ thuật chụp chiếu trong điều trị khám chữa bệnh.

Sự kiện: Bệnh viện

Vấn nạn lạm dụng kỹ thuật trong khám chữa bệnh khó kiểm soát

Nhiều chuyên gia đánh giá, xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng nhưng đến nay nhiều nơi có cách làm sai. Vì sai cách làm nên hệ lụy kéo theo là gây thiệt hại cho các bệnh nhân trực tiếp đi khám chữa bệnh. Ngoài các thủ đoạn nâng khống giá máy móc y tế để từ đó nâng khống giá dịch vụ y tế thì còn nhiều cách làm sai trái khác đang tồn tại trong các bệnh viện công.

Một trong những tồn tại phức tạp nhất là tình trạng các cán bộ, nhân viên y tế góp tiền mua máy móc y tế đặt trong các bệnh viện để làm dịch vụ khám bệnh. Tình trạng này được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu và các biện pháp can thiệp máy móc trong các bệnh viện công khiến chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân tăng cao.

Việc lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu và các biện pháp can thiệp máy móc trong các bệnh viện công khiến chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân tăng cao. Ảnh minh họa

Việc lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu và các biện pháp can thiệp máy móc trong các bệnh viện công khiến chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân tăng cao. Ảnh minh họa

Theo nguồn tin phóng viên Báo Nhà báo & Công luận thu thập được thì cách làm này đang tồn tại không chỉ ở một bệnh viện mà ở nhiều bệnh viện. Từ các bệnh viện tuyến huyện đến bệnh viện tuyến Trung ương đều tồn tại hình thức này. Oái ăm là đến nay thực trạng trên chưa được quản lý một cách chặt chẽ nên người bệnh chịu rất nhiều thiệt thòi. 

Bàn luận về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thu ở quận Thanh Xuân, Hà Nội lo lắng, việc các bác sĩ góp tiền mua máy móc thiết bị y tế  đặt trong các bệnh viện công thì ngoài khám chữa bệnh họ còn lo thu hồi vốn, tạo ra lợi nhuận. Như vậy thì trong quá trình khám chữa bệnh dễ lạm dụng kỹ thuật là điều rất dễ xảy ra. Như vậy người bệnh và bảo hiểm y tế sẽ bị trục lợi. Điều này cần thiết phải được ngăn chặn.

Đồng quan điểm, anh Ngô Hoàng Thịnh ở quận Nam Từ Liêm cho rằng, công tư phải cần thiết được minh bạch. Việc lạm dụng kỹ thuật trong điều trị hiện nay là thực tế nhức nhối tồn tại nhiều năm trời. Do đó, không thể nhập nhèm trong điều trị và đầu tư trang thiết bị y tế. Nếu người bác sĩ được hưởng lợi từ việc chỉ định sử dụng kỹ thuật trong điều trị như xét nghiệm, chụp chiếu… thì người bệnh dễ bị lừa, ép sử dụng các dịch vụ trên.

Đánh giá về thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Đã là bệnh viện công thì dùng ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương để trang bị cho các bệnh viện. Nếu bệnh viện công có tồn tại hình thức xã hội hóa để các bác sĩ góp vốn mua thiết bị y tế làm dịch vụ thì rất dễ  xảy ra tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong điều trị. Có những trường hợp người bệnh chưa đến mức phải chiếu chụp, xét nghiệm thì cũng bắt phải làm để tăng công suất sử dụng máy lên nhằm thu lợi. Như vậy thì bệnh viện công không còn là của công nữa mà đã trở thành bệnh viện tư”.

Ông Lê Như Tiến còn cho biết, khi các bác sĩ góp tiền với nhau để mua các thiết bị nên có bệnh nhân đến khám thì yêu cầu hết xét nghiệm này đến chiếu chụp khác. Tất cả đều là giá cao. Do đó, hình thức này đã biến bệnh viện công lấy phục vụ người bệnh là nhiệm vụ chính trở thành thương mại hóa bệnh viện công.

Thậm chí, còn có những bác sĩ ngay bên ngoài bệnh viện là một loạt nhà thuốc thân tín, sân sau. Khi khám bệnh thì chỉ định nhiều loại thuốc không cần thiết, kê thêm nhiều chủng loại để bệnh nhân mua hoặc chỉ định thời gian uống kéo dài để bán được nhiều thuốc. Trước thực trạng như vậy, ông Lê Như Tiến đề nghị ngành y tế phải rà soát và rung tiếng chuông cảnh báo. Nếu cần thì tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các bệnh viện để kiểm soát vấn nạn này.

Cũng bàn về thực trạng trên, khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, xã hội hóa y tế là cần thiết. Hiện nay xã hội hóa có nhiều hình thức như bệnh viện mời những người, cơ quan, đơn vị có tiền mua máy móc, thiết bị y tế vào đặt trong bệnh viện; cho các hãng đặt máy;  cán bộ bệnh viện góp tiền mua máy móc, thiết bị vào đặt; các bệnh viện vay tiền ngân hàng để mua máy móc thiết bị… Về cơ bản thì luật không cấm các cán bộ y tế mua thiết bị máy móc đặt trong các bệnh viện.  Muốn đặt máy móc, thiết bị y tế trong bệnh viện công thì phải làm đề án đầy đủ, trình duyệt rồi mới cho làm. Không được làm tự nhiên, hùn vốn một cách tự phát. Ở đâu làm theo quy định thì đều đúng.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Đang có tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm, khoa nào làm được thì làm, ai có tiền thì làm và điều đó là không được, là nghiêm cấm. Chủ trương xã hội hóa là đúng, cách thức các bác sĩ góp vốn lại phải được phê duyệt còn làm theo kiểu tự phát góp mua trang thiết bị rồi tự đưa ra bảng giá để thu… thì cực kỳ sai. Với cách làm tự phát như vậy đã tự nhiên biến các khoa, đơn vị công thành cơ sở tư nhân. Trong khi các khoa phòng không cần phải xây dựng, tiền thuế không phải đóng mà thu dịch vụ lại thu phí cao là bất hợp lý… chưa kể một loạt các tiêu cực tồn tại quanh đó vì thế là không được”.

“Phát canh thu tô trong bệnh viện” rất dã man

Xã hội hóa thiết bị y tế đang có nhiều mặt trái gây thiệt hại lớn cho người bệnh (ảnh minh họa).

Xã hội hóa thiết bị y tế đang có nhiều mặt trái gây thiệt hại lớn cho người bệnh (ảnh minh họa).

Hiện nay, điều quan trọng là phải minh bạch các khâu trong việc các bác sĩ, cán bộ y tế tổ chức mua sắm trang thiết bị máy móc y tế để làm dịch vụ trong các bệnh viện công. Trong đó cần minh bạch về giá cả mua thiết bị máy móc,  giá thu phí xét nghiệm, chụp chiếu, thăm dò… rồi đến, cách phân chia lợi nhuận, nộp thuế. Khi nào minh bạch được các khâu thì mới cho làm. Còn làm theo cách tự tung tự tác thì không được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Trên thực tiễn có nhiều nơi làm tự phát, không được quản lý bài bản, quy củ, không minh bạch nên cần thiết phải nghiêm cấm không để tồn tại kéo dài. Hiện có nhiều nơi làm như vậy, thậm chí có bệnh viện trung ương khoa nào cũng tự làm theo chủ trương khoán khoản.

Phong trào khoán khoản cho các khoa chủ động trang bị máy móc, thiết bị để tạo nguồn thu sau đó nộp lại một phần tiền cho bệnh viện. Đây là một hình thức phát canh, thu tô trong bệnh viện. Cách làm này rất tùy tiện. Chủ trương xã hội hóa thì đúng nhưng cách làm trên thực tế thì sai. Có tình trạng nhiều đơn vị trong một bệnh viện đã góp tiền mua máy móc và tùy tiện trong làm giá để thu của bệnh nhân. Cái này rất dã man”.

Trước lo lắng về vấn đề các bác sĩ trong bệnh viện góp tiền mua máy dẫn đến tình trạng lạm dụng vấn đề chụp chiếu, ông Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Cái này mới nguy hiểm. Vì khi mình nộp tiền thì tổ chức khai thác tối đa còn dã man hơn các bệnh viện tư.

Bệnh viện tư họ làm còn giữ gìn thương hiệu còn việc góp tiền mua sắm máy móc trong các bệnh viện công là làm ăn theo kiểu chộp giật, thời vụ cho nên khai thác tối đa. Tình trạng cấp trên buông lỏng theo kiểu khoán cho nên thực tế diễn ra rất dã man. Có hai cái dã man đó là làm giá thổi lên ghê gớm. Dã man thứ 2 là tìm cách khai thác công suất.

Khi đầu tư máy móc rồi thì tìm cách sử dụng hết công suất rất nguy hiểm. Ví dụ có 4 máy thì 3 máy theo nguồn xã hội hóa còn 1 máy của ngân sách mua. Thực tế đã có tình trạng tập trung khai thác máy xã hội hóa để hoàn lại vốn nhanh nhất có thể trong khi máy nhà nước bỏ không.

Nhiều khi máy nhà nước một ngày 5 ca còn máy tư nhân thì chạy lên đến 10 đến 15 ca. Cho nên cái này sớm dẹp. Cho xã hội hóa nhưng phải làm bài bản, quy củ, đúng quy định và phải minh bạch còn không thì không nên cho tồn tại”.

Trinh Phúc

Tin khác

Bệnh viện đa khoa Vân Đình: Đổi mới để nâng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Bệnh viện đa khoa Vân Đình: Đổi mới để nâng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

(CLO) Với mục tiêu đổi mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân, Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã áp dụng các quy trình vận hành theo tiêu chuẩn y tế quốc tế ISO 15189 cho Khoa Xét nghiệm.

Sức khỏe
Thái Bình: Còn nhiều vướng mắc khi triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế

Thái Bình: Còn nhiều vướng mắc khi triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế

(CLO) Thời gian vừa qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đấu thầu mua sắm với 252 danh mục, trong đó đã lựa chọn được 218 danh mục trúng thầu còn 32 danh mục không trúng thầu.

Sức khỏe
Đà Nẵng tặng giấy khen cho nữ điều dưỡng Bạch Mai cứu sống du khách ngừng tim

Đà Nẵng tặng giấy khen cho nữ điều dưỡng Bạch Mai cứu sống du khách ngừng tim

(CLO) Sở Du lịch Đà Nẵng gửi thư cảm ơn, tặng giấy khen cho nữ điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai cấp cứu kịp thời, cứu sống nam du khách người Ấn Độ.

Sức khỏe
Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

(NB&CL) Sau khi ghi nhận trường hợp một bệnh nhân bị tử vong do cúm gia cầm, nhiều người đã cẩn trọng khi không sử dụng thực phẩm như trứng, thịt gia cầm trong khi đó cũng có người chủ quan vẫn ăn tiết canh, trứng sống. Chuyên gia cho rằng, những phản ứng như trên đều không phù hợp.

Sức khỏe
Khối ngành sức khỏe đua nhau tuyển sinh bằng điểm học bạ: Ưu tiên chất lượng hay số lượng?

Khối ngành sức khỏe đua nhau tuyển sinh bằng điểm học bạ: Ưu tiên chất lượng hay số lượng?

(CLO) Việc các trường mở rộng hình thức tuyển sinh, mở rộng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển học bạ cho thấy vấn đề tuyển sinh ở nhiều trường ngày càng cạnh tranh, khó hút thí sinh.

Sức khỏe