Nguyên nhân khiến gói 30.000 tỷ giải ngân chậm chạp theo lý giải của Ngân hàng nhà nước vì thiếu nguồn cung và việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chậm chạp; Bộ Xây dựng đổ lỗi cho ngân hàng đã gây khó dễ khi cho vay còn ngân hàng thương mại không thể cho vay do không có gì đảm bảo việc cho vay sẽ thu hồi được vốn vì tài sản thế chấp là căn hộ hình thành trong tương lai.
Ngân hàng tiếp tục đổ lỗi cho Xây dựng
Tính đến ngày 31/11, gói 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB mới cho vay được gần 647 tỷ đồng, tức là giải ngân khoảng 2%.
Nếu tính cả số cam kết nhưng chưa giải ngân, các ngân hàng đã cho vay 1.256 khách hàng với số tiền hơn 1.560 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ so với hạn mức mà gói 30.000 tỷ cho phép.
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều 16/12 rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện của gói 30.000 tỷ không như mong muốn là sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội.
"Không phải có tiền đưa ra là cho vay được. Trên thực tế, nguồn cung mới là vấn đề chính. Nguồn nhà bán ra khá hạn chế làm việc triển khai chưa tốt", ông Tiến nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chê tiến độ chuyển đổi giấy phép từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chậm trễ khiến gói 30.000 tỷ chưa được khơi thông.
Người mua nhà chờ đợi mỏi mòn, gói 30.000 tỷ vay mua nhà ở xã hội đã triển khai gần 6 tháng mới chỉ giải ngân được 2%.
"Ngân hàng Nhà nước mong muốn quá trình chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ được thực hiện tích cực hơn như vậy mới tạo nguồn cung ổn định để gói sản phẩm này đạt được mục tiêu mong muốn", ông Nguyễn Đồng Tiến nói.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói 30.000 tỷ vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do, cho dù hàng tháng hoặc hàng quý họ vẫn xoay xở được một món tiền đủ để trả nợ ngân hàng theo cam kết.
Trước đó, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?” bàn về gói 30.000 tỷ, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam hiện nay, không nên suy nghĩ theo hướng sử dụng các gói kích thích lớn từ chính phủ mà nên chú trọng tới việc cải cách nội bộ nền kinh tế và hoạt động của chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp và người dân làm ăn dễ hơn, cảm thấy an toàn hơn, bớt phiền hà hơn. Đó chính là sự kích thích kinh tế bền vững nhất.
"Điều này khó thực hiện hơn nhiều việc đưa ra những gói kích thích ồ ạt mà trong những năm qua chúng ta đã làm thử và thấy hiệu quả không cao, chỉ dẫn tới lạm phát và lợi ích cho một số nhóm nhỏ. Xét cho cùng, nguồn tiền kích thích cũng do người dân trả hoặc con cháu của họ trả sau này. Vì thế, luôn cần thận trọng với những chính sách đó", TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
Thực tế, trong thời gian triển khai gói 30.000 tỷ, Bộ Xây dựng đã nhiều lần sốt ruột, đề xuất nới các điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ, lần gần đây nhất là thông tư được ban hành vào ngày 7/11.
Cùng ngày Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản thúc các ngân hàng triển khai nhanh gói 30.000 tỷ nhưng vẫn không có tác dụng cứu bất động sản, gói 30.000 tỷ giải ngân chậm chạp.
Hiện, 5 ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB là đơn vị trực tiếp giải ngân gói 30.000 tỷ cũng lý giải cho việc gói 30.000 tỷ chậm giải ngân do mắc ở hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để ngân hàng đảm bảo an toàn vốn vay khi người vay không có tài sản gì để thế chấp ngoài căn hộ được hình thành trong tương lai.
Trong đó, ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư cam kết mua lại căn nhà nếu khách hàng không trả được nợ. Nhưng phía doanh nghiệp coi đây là sức ép lớn đối với họ nếu khách hàng không trả được nợ trong thời gian vay vốn, ngân hàng lại bắt chủ đầu tư phải mua lại căn nhà ở xã hội đó.
Thêm ngân hàng được giải ngân
Mặc dù giải ngân không được như kỳ vọng nhưng NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục triển khai. Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết có thể mở rộng các ngân hàng tham gia gói hỗ trợ cho vay mua nhà, thay vì chỉ giới hạn 5 ngân hàng quốc doanh như trước.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành cho biết, nếu có thêm các ngân hàng khác tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ cũng không thể khiến gói 30.000 tỷ giải ngân nhanh hơn, đáng ra phải giảm các thủ tục cho vay và cho phép việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhanh hơn.
Ông Đực ví gói 30.000 tỷ như một bài toán mà người ra đề là Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng, thí sinh là doanh nghiệp và người dân muốn mua nhà, và người giám sát là quản lý địa phương, cụ thể là UBND thành phố. Nhưng ngân hàng đổ lỗi cho ngành Xây dựng không có sản phẩm trong khi ngành Xây dựng đổ lỗi cho ngân hàng giải ngân quá chậm.
Theo phân tích của ông Đực, Bộ Xây dựng đã không lường được khối lượng nhà ở xã hội không có nhiều, sau đó Bộ Xây dựng sửa sai bằng Thông tư hướng dẫn cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho chia nhỏ căn hộ nhưng UBND thành phố lại không cho phép chuyển đổi nhiều.
"Trong suốt 2013, bất động sản có một lá bùa là Nghị quyết 2 với gói 30.000 tỷ nhưng lá bùa chỉ là lá bùa, hỗ trợ cho những người yếu tinh thần, chỉ khiến người ta yên tâm trong thời gian, làm cho người ta hi vọng cho đến cuối năm rồi lại thất vọng. Nếu có thêm các ngân hàng khác tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ cũng không thể khiến gói 30.000 tỷ giải ngân nhanh hơn", ông Đực nói.
Theo baodatviet