Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm mới và mâm cỗ cúng cũng được chuẩn bị trang trọng không kém mâm cỗ ngày Tết. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình cũng như phong tục, tập quán mỗi vùng miền mà mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng sẽ khác nhau. Quan trọng là tấm lòng thành kính, thành tâm, thể hiện sự biết ơn với ông bà, tổ tiên, Thần linh... và cầu mong cho toàn thể gia đình có một năm mới may mắn, an khang.
Thông thường sẽ có 2 mâm cỗ cúng trong ngày Rằm tháng Giêng, gồm 1 mâm cỗ chay dâng Phật và 1 mâm cỗ mặn cúng gia tiên.
1. Mâm lễ chay cúng Phật ngày Rằm tháng Giêng
Mâm cơm cúng chay gồm một đĩa hoa quả, một đĩa xôi hoặc chè và với các món ăn chay quen thuộc truyền thống. Đặc biệt, một số nơi trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy).
Lưu ý, màu sắc của các món ăn trên mâm cỗ chay được cho là tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Dùng cơm chay vào ngày rằm tháng Giêng cũng là cách hướng tới sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.
2. Mâm lễ mặn cúng gia tiên ngày Rằm tháng Giêng
Đối với mâm cỗ mặn cúng gia tiên, cần chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, một vài món ăn mặn.
Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng tròn 10 món để tạo thành mâm cơm đầy đủ, tươm tất. 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm: Thịt gà trống luộc, giò chả, nem, rau xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng, ngoài ra có thêm nước chấm.
Gợi ý một số mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm 2022 đầy đủ và đẹp mắt:
(Bài viết mang tính tham khảo giải trí)
DL (t/h)