Mô hình kinh doanh mới đòi hỏi tư duy quản lý mới (Ảnh TL)
Thực tế, ở nước ta dù chưa có số liệu thống kê chính thức về sự phát triển của kinh tế chia sẻ, nhưng có thể thấy dịch vụ kinh tế chia sẻ nổi bật nhất chính là vận tải trực tuyến với sự tham gia của Uber, Grab, GoViet… Mô hình kinh doanh mới đòi hỏi tư duy quản lý mới. Tuy nhiên, với mô hình đặt xe công nghệ như Grab, GoViet… hiện vẫn chưa được định danh rõ ràng.
Nếu dựa vào quy chế hoạt động của Grab cho thấy họ vẫn nghiêng về cung cấp dịch vụ giống như đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Họ giống như một đơn vị trung gian nhưng bây giờ còn tham gia như một đơn vị vận tải thực thụ, có nhận khách, trả khách và thu tiền. “Tôi cho rằng đây là doanh nghiệp trung gian có hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp bổ trợ” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình nêu ý kiến.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để định danh Grab hay GoViet… cần dựa vào hai đối tượng, đó là người chạy xe và xe. “Grab là công ty cung ứng về công nghệ và người chạy xe Grab là người cung cấp dịch vụ. Theo đó, Grab không phải công ty vận tải. Họ cung ứng công nghệ để tài xế Grab dùng công nghệ đó đón khách, cung cấp dịch vụ. Bản thân Grab không có xe, cũng không có người lao động, tất cả những người chạy xe Grab không phải nhân viên của hãng, chính vì thế không thể xem Grab như một công ty vận tải mà nên coi đó là doanh nghiệp công nghệ”, ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích, đối với Grab là “hoạt động kinh doanh rất mới và không đơn giản, bởi kết nối rất nhiều chủ sở hữu, hoạt động công nghệ khác nhau để từ đó hoàn thiện một quy trình nhằm phục vụ người tiêu dùng, khách hàng cũng như bảo đảm lợi ích của người lao động”. Theo ông, Grab không chỉ thuần túy là hoạt động của một hãng đăng ký để chở hành khách như taxi truyền thống mà kết nối bởi rất nhiều yếu tố và chủ thể khác nhau. Do vậy, việc định danh Grab không đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công thương.
Trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ là tất yếu và sẽ phát triển mạnh mẽ dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc định danh rõ mô hình kinh doanh mới, Nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để cả doanh nghiệp truyền thống lẫn doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển.
"Chúng ta không thể trở lại thời đại 1.0, 2.0 mà nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cũng như thành phần tham gia của thị trường. Chúng ta phải chấp nhận thị trường đang mở rộng và cần bảo đảm cạnh tranh trong tất cả thành phần tham gia. Để bảo vệ tính cạnh tranh đó, các hãng taxi công nghệ cũng phải theo quy định chung về vấn đề thuế, an ninh, bảo hiểm cho người tiêu dùng" - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Đức Minh