Âm nhạc truyền thống với giới trẻ:

Hà Myo, cô gái Mường đưa âm nhạc truyền thống đến gần với giới trẻ

Thứ bảy, 22/06/2024 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ca sĩ Hà Myo là trường hợp vô cùng thú vị của làng nhạc Việt vài năm gần đây khi “cú ngoặt” bất ngờ trong sự nghiệp đưa cô gái Mường vụt sáng với xẩm. Bằng sự đam mê và sáng tạo, Hà Myo không chỉ “làm mới” xẩm, mà còn góp phần đưa bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này tới gần với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Bài liên quan

Cô gái Mường yêu âm nhạc và ngã rẽ định mệnh

Trò chuyện với Hà Myo, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, chị bảo có lẽ tình yêu âm nhạc từ nhỏ đã dẫn dắt chị tới con đường nghệ thuật hôm nay. Là người dân tộc Mường (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), Hà ngay từ nhỏ đã lộ rõ năng khiếu âm nhạc.

Dù không phải “con nhà nòi” nhưng chị đã được truyền và thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật từ bố và bác, những người có thể chơi nhiều nhạc cụ truyền thống như: đàn nguyệt, guitar, trống, sáo. Vì thế mà tuổi thơ của Hà luôn gắn liền với âm nhạc truyền thống, với những câu dân ca, bản nhạc của dân tộc Mường.

Sau này lớn lên, Hà vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và may mắn được Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nhận về làm ca sĩ. Cuộc đời của cô gái Mường có lẽ sẽ bằng lặng trong vai trò một nghệ sĩ nhạc trẻ, nhưng sự tình cờ như một định mệnh đưa chị đến với xẩm.

ha myo co gai muong dua am nhac truyen thong den gan voi gioi tre hinh 1

Tâm huyết của Hà Myo là đưa nhiều thể loại âm nhạc dân gian đến gần với công chúng. Ảnh: NVCC

Hà Myo gặt hái nhiều thành công khi tuổi nghề còn rất trẻ, như: Giải Nhất “Tiếng hát thanh niên Thủ đô 2016”, Huy chương Vàng cuộc thi “Tài năng trẻ toàn quốc năm 2017”, Giải Nhì “Tiếng hát Việt – Trung 2018”, Á quân “Giọng hát hay Hà Nội” năm 2020, Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp 2022”, Quán quân “Sàn chiến Giọng hát 2022”. Đặc biệt, ca sĩ Hà Myo được đề cử trong danh sách 20 cá nhân “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” liên tiếp 2 năm 2021 và 2022…

Hà kể, vào năm 2019, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức lớp tập huấn cho các nghệ sĩ trẻ tiếp cận với âm nhạc truyền thống. Vốn sẵn đam mê, chị dễ dàng bị cuốn hút bởi các thể loại dân gian độc đáo như ca trù, quan họ, chèo, xẩm... Lúc đó, Hà càng cảm thấy tiếc khi xẩm không có nhiều cơ hội tiếp cận với giới trẻ.

Duyên nối duyên, cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2020” chính là nút thắt để hồi sinh một ca sĩ hoàn toàn mới lạ. Sự cố xếp nhầm sang dòng nhạc dân gian từ nhạc trẻ của ban tổ chức cuộc thi vô tình làm chị sực nhớ đến xẩm, bởi sự thú vị, dí dỏm giống tính cách và dễ chạm tới cảm xúc của khán giả.

Cũng vào lúc này, khi những câu xẩm cất lên chị mới thực sự nhận ra chất dân gian mạnh mẽ trong mình. Nhưng thay vì một tiết mục biểu diễn xẩm truyền thống, Hà gây sốc bằng ý tưởng phá cách, kết hợp giai điệu sôi động của nhạc hiện đại như rap và nhạc điện tử (EDM) với xẩm. Đây là quyết định táo bạo nhưng cũng đầy mạo hiểm bởi thách thức không chỉ là vấn đề về kỹ thuật, âm nhạc mà sáng tạo này có thể gây tranh cãi khi chưa từng ai pha trộn văn hóa mang hơi thở đương đại với những giá trị truyền thống.

Nhờ sự ủng hộ của nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long khi biên soạn lại lời bài “Xẩm chợ Đồng Xuân” cho phù hợp hơn, Nguyễn Thị Ngọc Hà bằng chất giọng lôi cuốn của mình đã thuyết phục được ban giám khảo trao giải nhì cuộc thi, giải bài hát về Hà Nội hay nhất với bài xẩm lời mới có tên Xẩm Hà Nội.

Nói về thành công bất ngờ của Xẩm Hà Nội, nữ ca sĩ 9X tâm sự: “Đối với xẩm, cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ, cách thể hiện hoàn toàn khác với nhạc nhẹ. Ở Xẩm Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bảo Hà hóa thân thành cô gái rất nhiều chuyện như ngoài chợ, đi soi người này người kia và Hà thấy rất hợp với tính cách mình. Khi Hà hát xẩm thấy xẩm rất là đời, gần gũi và chân thực, nên mình làm sao cứ đời nhất, chân chất nhất… thì sẽ ra chất xẩm và có nét riêng”.

Sau khi MV “Xẩm Hà Nội” được quay xong và ra mắt khán giả, Hà được công chúng đón nhận và đặc biệt là giới trẻ hâm mộ nhờ sự lạ lẫm mà lại vô cùng gần gũi. Trong “Xẩm Hà Nội”, nếu đoạn rap thu hút người trẻ vì không khí sôi động của âm nhạc đương đại, thì những khúc xẩm lại đưa người nghe về một không gian truyền thống, pha chút ma mị của tiếng đàn nhị. Sự hòa trộn tưởng chừng mâu thuẫn nhưng rap và EDM lại hòa quyện với xẩm, tạo ra hiệu ứng cực kỳ cuốn hút như thể chúng vốn dành cho nhau.

Nguyễn Thị Ngọc Hà đến với xẩm như thế và nghệ danh Hà Myo cũng bắt đầu từ đó khi mà MV Xẩm Hà Nội trở thành từ khóa tìm kiếm và nhanh chóng đạt hàng triệu lượt xem trên Youtube - con số ấn tượng với một tác phẩm âm nhạc dân gian cách điệu.

Mang xẩm đến với giới trẻ để bảo tồn âm nhạc dân gian

Khởi đầu thành công với Xẩm Hà Nội thôi thúc Hà Myo tiếp tục ra mắt những sản phẩm mới có sự kết hợp mượt mà, tự nhiên giữa âm nhạc truyền thống với phong cách hiện đại. Chị không chỉ đơn thuần làm mới các giai điệu xẩm cổ mà còn đưa thêm những yếu tố đương đại vào âm nhạc của mình.

Bằng cách này, cô gái Mường đã tạo ra những bản nhạc độc đáo, phản ánh được cái đẹp và sức sống của văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện đại. Những MV như: “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm chúc phúc”, “Ngãi mẹ sinh thành”… đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của giới trẻ với xẩm nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung.

Với tinh thần không ngừng sáng tạo và kiên định theo đuổi đam mê, Hà Myo tiếp tục “kết duyên” với nghệ thuật hát xoan. Ca khúc “Trò chơi í a trời cho” của nữ ca sĩ 9x gây ấn tượng mạnh nhờ lối kết hợp độc đáo giữa hát xoan và âm nhạc điện tử, vừa mang đậm âm hưởng truyền thống vừa có nét hiện đại.

ha myo co gai muong dua am nhac truyen thong den gan voi gioi tre hinh 2

Hà Myo mong muốn mang xẩm đến với giới trẻ để bảo tồn âm nhạc dân gian. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, Hà Myo nói sẽ không dừng lại ở loại hình nghệ thuật hát xẩm hay xoan, mà chị còn theo học thêm nhiều thể loại âm nhạc khác như: hát văn, ca trù, chèo… Trong quá trình biểu diễn, chị cũng sẽ kết hợp với nhiều ca sĩ nổi tiếng với mong muốn mang được nhiều nhất thể loại dân gian Việt Nam đến với khán giả trong nước và quốc tế. Điều tâm huyết của cô gái Mường chính là cố gắng làm sao đưa nhiều thể loại dân gian khác của Việt Nam tới gần mọi người hơn.

“Hà có dự án mang xẩm tới trường học. Hiện tại mình đã và đang thực hiện ở hơn 30 trường THPT và Đại học trên toàn quốc. Hà đến tận trường học để hát xẩm, hát văn, hát các làn điệu dân gian Việt Nam để các bạn trẻ được lắng nghe, trò chuyện, giao lưu để hiểu hơn về xẩm Việt Nam, cũng như dạy các bạn trẻ về hát xẩm. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội của Hà còn hát xẩm theo cuộc sống hằng ngày như hát xẩm về chồng, nịnh chồng… để cho mọi người thấy xẩm rất gần gũi, ở đâu đó, bất cứ lúc nào, địa điểm nào thì chúng ta có thể hát được xẩm… Đó cũng là cách mà xẩm có thể tồn tại tới ngày hôm nay, bởi nó quá gần gũi và rất đời” - nữ ca sĩ tâm sự.

Nói về âm nhạc dân gian, Hà Myo tâm niệm muốn bảo tồn phải cho âm nhạc dân gian đất sống. Ở góc độ nhạc sĩ hay ca sĩ, phải biết khéo léo, tinh tế mà trộn giữa truyền thống giữa hiện đại. Khán giả sẽ “mở lòng”, đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống khi những tác phẩm mới vẫn giữ được hồn cốt văn hóa mà vẫn mang tinh thần thời đại. Lúc ấy, bảo tồn văn hóa sẽ không còn chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng.

Hà Myo cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đã và đang theo đuổi đam mê với xẩm rằng đây là con đường nghệ thuật dài và rất khó khăn, tất cả phải làm cùng nhau. Một mình không thể thay đổi tư duy của nhiều người, nhưng cả một thế hệ trẻ sẽ là cánh tay nối dài để giữ gìn phát triển âm nhạc truyền thống.

“Hà mong rằng không chỉ riêng nghệ sĩ, mà các bạn trẻ nói chung đang nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo… mỗi lĩnh vực đều sẽ có cách thức để phát triển, giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt Nam. Mình hy vọng các bạn sẽ chịu khó học hỏi, làm thật đúng và giữ hồn cốt của thể loại mình đang hát hoặc những điều mình muốn lan tỏa” - nữ ca sĩ tâm sự.

Dự kiến sắp tới giọng ca Xẩm Hà Nội sẽ tiến dần vào miền Trung, miền Nam như hát bài chòi hay một số thể loại dân ca Nam Trung Bộ để gắn kết khán giả cả nước, giúp công chúng biết đến những làn điệu dân ca các vùng miền để cùng nhau gìn giữ và phát triển nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống.

Hoài Đức - Trung Nguyễn 

Bình Luận

Tin khác

'Mai' thắng lớn tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024

'Mai' thắng lớn tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024

(CLO) Bộ phim "Mai" thắng lớn khi giành 3 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai năm 2024.

Đời sống văn hóa
Lễ hội Vì Hòa bình đầu tiên của cả nước được tổ chức tại Quảng Trị

Lễ hội Vì Hòa bình đầu tiên của cả nước được tổ chức tại Quảng Trị

(CLO) Tối ngày 6/7, tại Khu Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 - lễ hội đầu tiên của cả nước - sự kiện tôn vinh giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hoà bình của nhân dân Quảng Trị trong dòng chảy khát vọng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. 

Đời sống văn hóa
ICOMOS sẽ thẩm định Quần thể di tích danh thắng Yên Tử vào tháng 8/2024

ICOMOS sẽ thẩm định Quần thể di tích danh thắng Yên Tử vào tháng 8/2024

(CLO) Tháng 8/2024, TP Uông Bí sẽ đón Đoàn chuyên gia của ICOMOS về thẩm định, đánh giá Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, tiến tới công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Đời sống văn hóa
Đối ẩm Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thức Việt Nam

Đối ẩm Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thức Việt Nam

(CLO) Trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2024 tại thành phố Đà Nẵng diễn ra từ ngày 4 - 7/7, với nhiều hoạt động đặc sắc, như Triển lãm thành tựu hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hội thảo, tọa đàm kinh doanh, kết nối giao thương, chương trình giao lưu thể thao, nghệ thuật với nhiều hoạt động lần đầu tiên xuất hiện tại lễ hội như trải nghiệm bóng chày Nhật Bản, giao lưu Bon Odori và múa sạp… Điểm nhấn của Lễ hội lần này đó là chương trình Đối ẩm Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thức Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Liên hoan nghệ thuật thanh, thiếu nhi quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Viêt Nam

Liên hoan nghệ thuật thanh, thiếu nhi quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Viêt Nam

(CLO) Liên hoan nghệ thuật Thanh - thiếu nhi quốc tế 2024 dự kiến thu hút từ 200 - 300 thí sinh đến từ Việt Nam và từ 7 đến 10 đoàn thiếu nhi quốc tế tham dự.

Đời sống văn hóa