Hà Nội: Cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống dịp cuối năm

Thứ năm, 24/12/2020 09:54 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Được mệnh danh là “mảnh đất trăm nghề”, thời điểm cuối năm là dịp để các làng nghề thủ công truyền thống tại Hà Nội tăng gia sản xuất cung ứng cho thị trường trước thời điểm Tết Tân Sửu. Điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy, đó là tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, môi trường ở mức báo động.

Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề truyền thống

Theo thống kê hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 308 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND Thành phố công nhận. Với 233/308 làng (chiếm 75,65%) thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, đa số các làng có nghề đều thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.

Cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến việc phải đánh giá tác động môi trường là do không ít làng nghề phát triển tự phát nằm xen kẽ trong các khu dân cư, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống xử lý rác thải làng nghề không đầy đủ… gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Việc đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc làng nghề phát triển kém bền vững. Ảnh hưởng tới chất lượng sống của người làm nghề, sản phẩm làng nghề khó xây dựng và phát triển thương hiệu, giảm sức hấp dẫn của sản phẩm đối với khách hàng trong và ngoài nước. 

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm tất bật dịp cuối năm như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức, mỗi ngày sản xuất 80-100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.

Tại xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội) hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp.

Anh Chiến, một người dân sống tại địa phương cho biết, dù đã kiến nghị nhiều lần và chính quyền địa phương cũng vào cuộc vận động các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường nhưng tình trạng đốt vải vụn vẫn xảy ra khiến tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường, nguồn nước đã ở mức báo động.

Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng.

Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý. Hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt, có nơi lên tới hàng nghìn lần. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang - xiên và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.

Cần những giải pháp đồng bộ để làng nghề truyền thống phát triển bền vững

Làng nghề là một phần quan trọng của nông thôn Việt Nam, kinh tế và văn hóa của đất nước. Sản phẩm từ các làng nghề không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước mà đã đi tới hơn 160 quốc gia trên thế giới, ước tính mang về khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Việc “giải cứu” làng nghề khỏi tình trạng mai một, ô nhiễm là một vấn đề cấp thiết đặt ra cho các nhà quản lý.

Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang ở mức báo động.

Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang ở mức báo động.

Thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng kể trên là do các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải.

Ngoài ra, việc khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế.

Thực tế hiện nay cho thấy, nếu không giải quyết sớm và triệt để, việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề sẽ càng khó khăn và tốn kém. Bản thân người dân và doanh nghiệp rất khó tự xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, xuất phát từ đặc thù hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho biết, các giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường làng nghề bền vững đang được huyện tập trung triển khai. Trước hết đó là đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung. Đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở.

Được biết, Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, Thành phố Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và mục tiêu đến năm 2025, chất thải của các làng nghề đều được xử lý…

Thông tin từ GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, hệ thống làng nghề của Việt Nam rất đa dạng, bởi vậy, chất thải và nguồn xả thải của mỗi một làng nghề có đặc thù riêng. Do đó, tùy theo từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế địa phương để áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau.

Các cơ quan quản lý môi trường cần sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước thải cho từng làng nghề và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm. Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân tại chính các làng nghề thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.

Thế Anh

Tin khác

Thanh Hoá xuất hiện mưa đá khiến 2 nhà dân bị tốc mái

Thanh Hoá xuất hiện mưa đá khiến 2 nhà dân bị tốc mái

(CLO) Trên địa bàn một số nơi tại Thanh Hoá xảy ra dông lốc, kèm theo mưa đá gây thiệt hại về nhà cửa và hoa màu của người dân.

Đời sống
Tạm dừng khai thác mỏ đá vôi nổ mìn rơi đá vào nhà dân

Tạm dừng khai thác mỏ đá vôi nổ mìn rơi đá vào nhà dân

(CLO) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động khai thác, chế biến đá của Công ty CP Xây dựng Đô Thị 5 để tập trung khắc phục xong hậu quả đã gây ra.

Đời sống
Lào Cai: Sáng sớm nay, mưa đá lớn bất ngờ trút xuống vùng cao Y Tý

Lào Cai: Sáng sớm nay, mưa đá lớn bất ngờ trút xuống vùng cao Y Tý

(CLO) Theo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, trận mưa đá bất ngờ trút xuống vùng cao Y Tý kéo dài khoảng 5 phút, đường kính trung bình từ 1- 2cm đã gây nhiều thiệt hại cho cây ăn quả đặc sản ôn đới ở đây.

Đời sống
Thanh Hóa: Hàng chục ngôi nhà 'bất ngờ' bị đá rơi vào

Thanh Hóa: Hàng chục ngôi nhà "bất ngờ" bị đá rơi vào

(CLO) Hàng chục ngôi nhà ở khu vực mỏ đá núi Bền, thôn 9, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vừa bị đá văng vào gây thiệt hại nhiều vật dụng, cây cối, mái ngói,...

Đời sống
TP HCM giới thiệu 400 món ăn đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước

TP HCM giới thiệu 400 món ăn đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước

(CLO) Lễ hội Văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2024 nhằm mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch TP HCM và phát huy văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Đời sống