Những chiếc xe quá khổ, chở quá trọng tải cày xới nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Gia Lâm khiến người dân vô cùng bức xúc.
Huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) là một trong những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa khá cao với hàng loạt dự án được triển khai, điều đó thúc đẩy hoạt động vận tải trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm bức xúc bởi tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động một cách rầm rộ suốt ngày đêm đã gây nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường xá, nguy cơ gây tai nạn bất cứ lúc nào cho người tham gia giao thông.
Có mặt tại các tuyến đường trên địa bàn huyện Gia Lâm như: đê Bát Tràng, đê sông Đuống, Trâu Quỳ, Ngô Xuân Quảng, Cổ Bi, Ỷ Lan... để ghi nhận theo phản ánh của người dân, chúng tôi không bất ngờ khi những binh đoàn xe quá khổ, quá tải hoạt động tấp nập. Tại khu vực bến bãi khu cầu Thanh Trì (xã Đông Dư) các đoàn xe Howo (hổ vồ), xe đầu kéo với trọng tải lên tới 40-50 tấn đều được cơi nới thùng xếp thành hàng dài chờ lấy vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát đen). Những đoàn xe sau khi được ắp đầy cát đen sẽ di chuyển từ bến bãi dưới chân cầu Thanh Trì lên tuyến đê Bát Tràng; sau đó, chúng chạy qua tuyến Quốc lộ 1A và chuyển hướng xuống Quốc lộ 5.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm – người dân xã Đông Dư cho biết: “Khu vực ngay dưới chân cầu Thanh Trì toàn bến bãi trên đất nông nghiệp, nhà tôi cũng có mấy sào ở đấy trồng ổi. Họ hút cát lên sau đó mở đường ngay dưới chân cầu cho xe tải chạy. Xe nào mà không quá tải hả chú, bây giờ chạy xe mà bảo chở đúng trọng tải họ lấy gì ra mà ăn, đủ thứ tiền luật...”.
Video tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động tại địa bàn xã Đông Dư, Đa Tốn của huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Những chiếc xe quá khổ, quá tải gắn lên mình những lô gô như: Thanh Tùng, TS, PQ, ND, T. Đạt, Minh Tâm... được cơi nới thùng thành, che chắn sơ sài, bóp còi hơi inh ỏi, phóng như bay trên các tuyến đường khiến người tham gia giao thông nhiều phen kinh hãi. Theo người dân cho biết, chủ nhân của những nhà xe có gắn lô gô trên là những người có máu mặt tại địa phương như: lô gô ND của người tên Chiến chọi; TS của người tên Thuần và Sơn; PQ của một người tên Hùng - Phú Quang... Phải chăng là những “lô gô vua” để các nhà xe tự do hoạt động mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ cơ quan chức năng ?
Còn tại một khu vực khác bấy lâu nay cũng nhức nhối về tình trạng bến bãi trái phép và xe quá khổ, quá tải hoành hoành đó là khu vực bến Lời (xã Đặng Xá). Ghi nhận của phóng viên, sau khi những chiếc xe đã ăn đầy hàng chúng xuất phát từ khu vực bến Lời chạy trên tuyến đê sông Đuống. Tiếp đó, chúng di chuyển theo trục đường Ỷ Lan qua xã Đặng Xá, đến ngã tư Ỷ Lan giao Nguyễn Huy Thuận những chiếc xe này chuyển hướng chạy thẳng ra Quốc lộ 5. Một số chạy thẳng qua trục đường Ỷ Lan (từ xã Đặng Xá đến xã Dương Xá) qua cầu Phú Thụy để san lấp, cung ứng vật liệu cho một số dự án tại huyện Gia Lâm.
Bức xúc vì nạn xe quá khổ, quá tải, bà Bùi Thị An – người dân xã Cổ Bi cho biết: “Các chú cứ đứng mà xem người dân chúng tôi chịu khổ như thế nào. Xe quá tải chúng chạy suốt ngày đêm, toàn xe có tải trọng mấy chục tấn. Chiều đến chúng chạy mới nhiều, cát bụi bay mù mịt, đường xá hỏng hết. Họp hành chúng tôi cũng kiến nghị suốt mà cũng có ăn thua đâu. Xe nó còn chạy qua cả trước mặt công an huyện mà cũng không làm gì được”.
Video tình trạng xe quá khổ, quá tải tại khu vực tuyến đường Ỷ Lan, đê sông Đuống, bến Lời địa bàn xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Những tuyến đường như Ỷ Lan đặc biệt khu vực ngã tư phố Sủi (xã Phú Thị) đã bị xe quá khổ, quá tải cày xới khiến mặt đường xuất hiện hàng loạt ổ trâu, ổ gà. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì đường đọng nước lầy lội; người tham gia giao thông chỉ cần sơ ý khi đi qua những đoạn đường này rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Còn tại đường Đào Xuyên (xã Đa Tốn), người dân vì quá bức xúc trước nạn xe quá khổ, quá tải hoành hoành ngày đêm đã phải dựng những cống bê tông lớn ngay trên đường để ngăn chặn tình trạng này.
Ông Khải – người dân xã Đa Tốn bức xúc: “Con đường này mới làm xong đấy, đường đẹp mà toàn xe hổ vồ nó chở cát qua đây chẳng che chắn, cát bụi mù mịt. Dân chúng tôi bức xúc quá nên mới đưa hạ sách này ra chứ chờ công an đến xử lý có xe chúng nó chạy sạch...”.
Người dân thì bức xúc, đường xá hư hỏng còn cơ quan chức năng gần nhất là Công an huyện Gia Lâm đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Phóng viên đã liên hệ với Công an huyện Gia Lâm nhưng sau hơn 1 tháng (từ ngày 16/11/2018 đến ngày 19/12/2018) không nhận được hồi âm. Ngày 19/12/2018, phóng viên tiếp tục liên hệ với phía Công an huyện này. Sau khi được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Cán bộ trực ban Công an huyện kiểm tra cho biết, nội dung đã được lãnh đạo giao cho Đội Cảnh sát giao thông – trật tự huyện, do Trung tá Đỗ Văn Quang - Đội trưởng phụ trách.
Tiếp đó, phóng viên được giới thiệu làm việc với ông Đỗ Văn Quang nhưng ông Quang cho biết vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ phía lãnh đạo Công an huyện. Tuy nhiên, vị Đội trưởng này vẫn trả lời những câu hỏi của phóng viên đề cập đến tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy trên địa bàn huyện.
Trung tá Đỗ Văn Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ông Quang thừa nhận có tình trạng xe quá khổ, quá tải như phóng viên phản ánh và cho biết: “Phía Công an huyện cũng đã phối hợp với Thanh tra giao thông xử lý rất nhiều trường hợp xe quá khổ, quá tải đặc biệt tại tuyến đường Ỷ Lan”. Khi phóng viên đề cập đến việc, trong nhiều ngày từ tháng 11/2018 đến nay phóng viên có ghi nhận rất nhiều trường hợp xe quá khổ, quá tải chạy trên địa bàn huyện nhưng không thấy lực lượng Công an huyện xử lý? Lúc này ông Quang lại “lấy lý do” cho việc một số dự án ký cam kết nhưng không thực hiện, lực lượng mỏng, xe chạy tránh giờ tuần tra, kiểm soát.
Để có thông tin, số liệu chính xác về việc Công an huyện Gia Lâm đã xử lý được bao nhiêu trường hợp xe quá khổ, quá tải; ông Đỗ Văn Quang hẹn phóng viên khi nào có nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo huyện sẽ làm việc cung cấp vào một buổi khác.
Trước sự “thờ ơ”, thiếu sự xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng sở tại, dễ hiểu vì sao người dân huyện Gia Lâm vẫn đang phải gánh chịu nạn xe tải, phải “ăn bụi, ngủ bụi” và nơm nớp lo sợ khi tham gia giao thông. Đề nghị UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV/2018. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, phải quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện và công an huyện trong quản lý tải trọng xe; sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính điều tiết từ Trung ương về để trang bị cân xách tay cho Công an huyện để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại đầu mối hàng hóa (mỏ vật liệu, cảng, nhà máy). Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự ATGT quốc gia cần sớm được khắc phục. Đó là, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 1.83%; vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ xe quá tải vẫn còn khoảng 10%, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường địa phương, có dấu hiệu tái diễn trên các quốc lộ, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông. |
Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần