(CLO) Qua 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần xét xử phúc thẩm, năm 2015, TAND TP. Hà Nội nhận định bản di chúc của ông Nguyễn Xuân Kha đề ngày 10/02/1991 là di chúc không hợp pháp. Toà này đã chấp nhận Kháng nghị của VKS cũng cấp trước đó và giao hồ sơ lại cho TAND quận Hoàn Kiếm xét xử sơ thẩm lần thứ 3.
[caption id="attachment_108090" align="aligncenter" width="640"]
Bản án phúc thẩm lần 2 của TAND TP. Hà Nội nhận định di chúc của ông Kha năm 1991 là không hợp pháp.[/caption]
Di chúc không hợp pháp
Nguyên đơn của vụ án “Tranh chấp quyền thừa kế” đang được TAND quận Hoàn Kiếm thụ lý giải quyết sơ thẩm lần 3 là chị Nguyễn Xuân Hằng (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), do bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, mẹ của nguyên đơn làm đại diện. Bị đơn là 07 người con của ông Nguyễn Xuân Kha (ở số 2, ngõ 40 Trần Nhật Duật, ông Kha đã mất năm 2007). Các bị đơn do bà Nguyễn Thị Xuân Lai là người đại diện.
Chị Nguyễn Xuân Hằng (sinh 1994) là con chung của bà Nguyễn Thị Thanh Hồng và ông Nguyễn Xuân Kha. Việc con chung này được xác định tại bản án số 56/PTLH ngày 04/6/1998 của TAND TP. Hà Nội về Truy nhận cha cho con.
Theo Bản án dân sự phúc thẩm (lần 2) số 183/2015/DS-PT ngày 16/9/2015 của UBND TP. Hà Nội về Tranh chấp quyền thừa kế thì: Các bên đương sự đều thống nhất xác nhận ngôi nhà số 2 ngõ 40 Trần Nhật Duật, Hà Nội là tài sản chung của ông Nguyễn Xuân Kha và bà Nguyễn Thị Quý. Bà Quý là vợ của ông Kha, đã mất năm 1985 không để lại di chúc. Ông Kha mất năm 2007, có để lại di chúc đề ngày 09/02/1991 chia tài sản cho 07 người con chung với bà Quý. Khi đó, chị Nguyễn Xuân Hằng chưa ra đời.
Về bản di chúc, Bản án phúc thẩm này nhận định: “Do ông Kha có để lại di chúc nên cần phải xem xét bản di chúc trên của ông Kha. Án sơ thẩm nhận định di chúc do ông Kha lập ngày 10/02/1991 là di chúc hợp pháp và chia thừa kế cho chị Hằng hưởng 2/3 kỷ phần thừa kế là chưa phù hợp thực tế. Bởi cả hai phía đương sự đều xác định đó không phải là di chúc hợp pháp.
Đồng bị đơn cho rằng đó là văn bản tặng cho tài sản giữa bố con nên không còn di sản để chia thừa kế. Di chúc mặc dù có xác nhận của UBND phường Đồng Xuân nhưng không còn lưu giữ tài liệu để đối chứng vì ngày xác nhận di chúc có trước ngày lập di chúc.
Sau khi bà Quý mất, ông Kha và 07 người con không khai nhận thừa kế đối với di sản của bà Quý, nhưng tháng 02/1991, ông Kha lập bản di chúc trên và định đoạt toàn bộ tài sản của vợ chồng ông Kha là vượt quá phần tài sản của ông Kha được hưởng.
Như vậy, cả hình thức và nội dung bản di chúc của ông Kha đều không phù hợp với Pháp lệnh thừa kế 1990, nên lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải xác định di chúc của ông Kha lập ngày 10/9/1991 là không hợp pháp…”. Bản án phúc thẩm 183 nhận định.
Bao giờ kết thúc được vụ án?
Vụ án này được TAND quận Hoàn Kiếm thụ lý năm 2008. Trước khi xét xử sơ thẩm lần thứ nhất (năm 2010), phía bị đơn có nộp cho TAND quận Hoàn Kiếm 1 bản Hợp đồng uỷ quyền đề ngày 13/4/1998. Điều 1 của Hợp đồng này quy định: Ông Kha uỷ quyền cho ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm được thay mặt cha quản lý, sử dụng hoặc làm thủ tục bán, sang nhượng phần nhà thuộc sở hữu của ông Kha tại số 2, ngõ 40 Trần Nhật Duật.
Cùng với đó là 1 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất giữa ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm và ông Nguyễn Xuân Liên vào ngày 01/01/1999, hợp đồng do Văn phòng công chứng Lạc Việc chứng nhận. Tuy nhiên, do hiện nay không thể xác định được từ phía ông Liên nên Toà án không xem xét, nếu xảy ra tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng sẽ xem xét ở một vụ án khác.
Một tình tiết quan trọng liên quan đến việc tranh chấp thừa kế của vụ việc là: Không hiểu vì sao, mặc dù hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã được lập năm 1999 nhưng năm 2005, UBND quận Hoàn Kiếm vẫn cấp GCNQSD đất cho ông Kha và bà Quý. Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp GCNQSD đất cho 07 người con ông Kha đồng sở hữu với diện tích 94,1m2.
Trong bản án xét xử phúc thẩm lần 2 (năm 2015), bà Hồng đã đề nghị TAND các cấp huỷ GCNQSD đất cấp cho các đồng sở hữu con ông Kha và bà Quý (năm 2010) vì đó là GCNQSD đất được cấp trong lúc TAND quận Hoàn Kiếm đang thụ lý giải quyết vụ án (thụ lý năm 2008) này. Bản án phúc thẩm lần 2 đã giao toàn bộ hồ sơ lại cho TAND quận Hoàn Kiếm giải quyết theo quy định.
Trong hồ sơ gửi đến báo NB&CL, bà Hồng có gửi kèm cả một số đơn thư được cho là của ông Kha. Các đơn thư này thể hiện ý chí, nguyện vọng của ông Kha với nội dung: Khi vợ ông là bà Quý mất (năm 1985), năm 1992, ông gặp bà Hồng và muốn kết hôn với bà Hồng nhưng bị các con cản trở bằng mọi cách. Năm 1994, ông có con với bà Hồng là chị Hằng. Nguyện vọng cuối cùng của ông thể hiện ở Bản tự thú ghi ngày 01/10/2006: Được trả lại giấy tờ nhà đất do con ông đang cất giữ để ông làm tròn trách nhiệm người cha với chị Hằng, sắp xếp nơi ăn trốn ở cho chị Hằng.
Sau đó, ông Kha mất ngày 29/5/2007. Theo Giấy chứng tử của UBND phường Đồng Xuân cấp thì ông Kha được Bệnh viện Xanh Pôn xác định chết do ngừng tim, ngừng thử, gãy xương đùi.
Như vậy, từ năm 1998, bà Hồng đã khởi kiện truy nhận cha cho con và được xác lập bằng một bản án có hiệu lực gần 20 năm qua . Năm 2008, vụ án tranh chấp thừa kế tài sản này được TAND quận Hoàn Kiếm thụ lý. Tuy nhiên, 8 năm sau ngày bà Hồng khởi kiện đòi quyền lợi cho con, trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần xét xử phúc thẩm và nay TAND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thụ lý giải quyết quyết sơ thẩm lần thứ 3.
Qua vụ việc này, dư luận đặt ra câu hỏi: Bao giờ thì vụ án này mới được kết thúc và quyền lợi chính đáng của người dân được đảm bảo... ?
Phương Linh