Hà Nội: Độc đáo tục rước bánh trôi ở đền Hát Môn

Thứ ba, 12/04/2016 15:43 PM - 0 Trả lời

Làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cách trung tâm thành phố Hà Nội 25km về phía Tây, được biết đến là nơi duy nhất tại Việt Nam có tục lệ rước bánh trôi gắn với sự tích đầy ý nghĩa về Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán để trả nợ nước, thù nhà

(CLO) Làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cách trung tâm thành phố Hà Nội 25km về phía Tây, được biết đến là nơi duy nhất tại Việt Nam có tục lệ rước bánh trôi gắn với sự tích đầy ý nghĩa về Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán để trả nợ nước, thù nhà

[caption id="attachment_92286" align="aligncenter" width="640"]anh1 Lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán để trả nợ nước, thù nhà[/caption]

Rạng ngời một thánh tích

Hát Môn nghĩa là cửa sông Hát, đây là nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán để trả nợ nước, thù nhà. Sau khi chiếm được các thành trì ở Lĩnh Nam, khôi phục nền độc lập của đất nước, Hai Bà được suy tôn làm vua, đóng đô ở Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ). Năm 43, vua Hán sai danh tướng Mã Viện cùng hai vạn quân, hai nghìn thuyền xe sang xâm lược lại nước ta. Sau một năm anh dũng chống giặc, vì sức yếu nên quân ta phải rút quân về Cẩm Khê. Khi qua vùng căn cứ cũ, Hai Bà đã ghé vào một quán ven đường của một bà lão, ăn một đĩa bánh trôi và hai quả muỗm, sau đó Hai Bà gieo mình xuống sông Hát để tránh không sa vào tay giặc, hôm đó là ngày 6 tháng 3 âm lịch.

[caption id="attachment_92287" align="aligncenter" width="640"]anh2 Đoàn rước bánh trôi của 10 cụm dân cư và 1 khu phố mới, đại diện cho 8000 hộ dân của xã Hát Môn[/caption]

Theo như Huyền tích Hà Nội, sau khi chết, linh khí của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi tới thời Lý mới đến vùng Thăng Long. Một đêm đầu tháng hai âm lịch, hai pho tượng tỏa ánh sáng đỏ trên dòng sông Nhị trước bãi Đồng Nhân. Dân làng kính nghĩa lấy vải đỏ làm lễ buộc tượng rước các bà vào. Vì thế, đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn được coi là nơi thánh tích, đền thờ Hai Bà ở phố Đồng Nhân (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) được coi là nơi hiển tích, còn đền thờ ở Mê Linh là nơi Hai Bà sinh ra và đóng đô.

[caption id="attachment_92288" align="aligncenter" width="640"]anh3 Sáng sớm ngày 6/3, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ và rước bánh từ UBND xã về đền làm lễ tế.[/caption]

Đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn rộng tới hơn 3ha, tọa lạc trên khu đất cổ có thế long chầu hổ phục, phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Theo sách "Lĩnh Nam chích quái" thì đền được xây dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa thân vào cõi bất diệt, do đó đây là ngôi đền cổ nhất trong hệ thống đền thờ Hai Bà.

Trong đền còn nhiều cổ vật quý giá có giá trị lịch sử và mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê – Nguyễn. Người dân nơi đây quan niệm rằng, máu Hai Bà cùng chiến sĩ đổ xuống để tô thắm non sông, vì vậy toàn bộ đồ thờ ở đền đều sơn màu đen, kị màu đỏ. Trước kia, người đến tế lễ, dự lễ hội ở đền Hát Môn đều không được vận quần áo, trang phục màu đỏ. Gắn với thánh tích, mọi thứ trong đền đều đi đôi: hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước, hai lư hương, khi tiến hành đại lễ thì có hai chủ tế, hai người đọc chúc văn… Đây cũng là nét độc đáo chỉ có riêng tại đền thờ Hai Bà ở Hát Môn.

Hát Môn là một làng đặc biệt tại Việt Nam khi có tới 3 lễ hội lớn trong một năm. Ngày mùng 6 tháng 3, đền mở cửa, thắp hương tế lễ. Hội ngày mùng 4 tháng 9 kỉ niệm ngày Hai Bà Trưng khao quân khi rút quân ở Tây Hồ về. Ngày hội này thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng vì hội diễn trò múa cờ vô cùng độc đáo. Cùng với đó, dân làng kéo cờ đại, giết trâu, bò, lợn để tế lễ Hai Bà. Lễ hội linh đình nhất năm phải kể đến là ngày 24 tháng Chạp. Trong ngày hội này, hàng ngàn trai gái trong làng được chia thành hai hàng đạo binh tiền hậu làm chân cờ, chân kiệu dâng lễ, rước Mộc dục…

[caption id="attachment_92289" align="aligncenter" width="640"]anh4 Chị em phụ nữ kính cẩn dâng bánh Thánh lên Hai Bà[/caption]

Độc đáo lễ hội bánh trôi

Cũng từ tích Hai Bà ăn bánh trôi trước khi tuẫn tiết, lễ hội tưởng nhớ công lao Hai Bà Trưng trong ngày 6 tháng 3 còn có đại lễ dâng bánh trôi.

Theo phong tục, hằng năm bô lão trong làng chọn nhà của một gia đình hòa thuận, đủ đầy làm địa điểm làm bánh trôi dâng lên Hai Bà. Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng thượng hạng, thơm ngon, nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng (gọi là nước chí thành). Bánh được làm hết sức công phu, khi chín có màu trắng, trong, tròn, không nát, to bằng quả mận và phải là bánh chay.

Bánh trôi dâng lên phải đủ 100 viên rất nhỏ. Sau khi tế lễ xong, làng đem 49 viên đặt vào một bông hoa sen thả xuống dòng sông để trôi về biển cả.

Món bánh này, đối với người dân nơi đây là một thứ bánh Thánh.Thánh hưởng thụ rồi dân mới ăn. Nếu chưa hết ngày mùng 6 tháng 3, người dân Hát Môn dù đi đâu được bạn bè mời ăn bánh trôi họ cũng không bao giờ ăn. Đây thể hiện lòng thành kính của họ đối với Hai Bà Trưng, chưa đến ngày giỗ Hai Bà Trưng, Hai Bà Trưng chưa hưởng thì họ chưa ăn. Và người dân cũng muốn nhớ tới cử chỉ cao đẹp của bà bán bánh, dù nghèo khổ đến đâu cũng dâng bánh lên Hai Bà trước.

[caption id="attachment_92290" align="aligncenter" width="640"]anh5 Người dân Hát Môn vui mừng đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội truyền thống.[/caption]

Gần 2000 năm đã đi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội đền Hát Môn vẫn có một sức sống kì lạ. Tục ăn Tết Hàn thực muộn ở Hát Môn nhằm tỏ lòng biết ơn Hai Bà Trưng thể hiện dấu ấn của các nghi lễ nông nghiệp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước. Những viên bánh trôi, sản phẩm của lúa gạo trong lễ hội đền Hát Môn, thể hiện tín ngưỡng thờ lúa, đề cao hạt lúa, gửi gắm ước mơ của người dân về mùa màng tươi tốt, phản ánh sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng miền và góp phần khẳng định tính bản địa của phong tục làm bánh trôi ở Việt Nam.

[caption id="attachment_92291" align="aligncenter" width="640"]anh6 Tái hiện cảnh Hai Bà Trưng phất cờ nương tử tại buổi lễ.[/caption]

Ngoài phần lễ, phần hội cũng thu hút được đông đảo 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ tới hưởng ứng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ.

 Năm 2014, đền thờ Hát Môn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm nay, xã Hát Môn tổ chức lễ hội truyền thống năm 2016, mít tinh kỉ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội truyền thống đền Hát Môn.

Phương Linh

Tin khác

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.

Đời sống văn hóa
Lùi Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 sang tháng 12

Lùi Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 sang tháng 12

(CLO) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất với tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh lùi thời gian tổ chức Ngày hội sang tháng 12 năm 2024.

Đời sống văn hóa
Giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Trung

Giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Trung

(CLO) Giao lưu văn hóa “Gió trăng chung một bầu trời, Núi sông nối liền Việt - Trung” góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Đời sống văn hóa
Hà Nam: Nhiều hoạt động tại Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024

Hà Nam: Nhiều hoạt động tại Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024

(CLO) Tối 18/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), UBND huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương tổ chức Khai mạc Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024, nhân kỷ niệm 724 năm ngày mất của Đức Thánh Trần.

Đời sống văn hóa
Bí ẩn của Nhà thờ Đức Bà Paris sắp được giải mã?

Bí ẩn của Nhà thờ Đức Bà Paris sắp được giải mã?

(CLO) Bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ xung quanh vị trí chôn cất Joachim de Bellay, một thi sĩ thời Phục hưng, trong khuôn viên Nhà thờ Đức Bà Paris có thể sắp được giải đáp.

Đời sống văn hóa