(CLO) Mặc dù được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngành chức năng của thành phố tăng cường các giải pháp giảm thiểu rủi ro, nhưng tai nạn giao thông đường sắt vẫn gia tăng đáng kể. Thực trạng cho thấy, công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt còn nhiều khó khăn, bất cập.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều tuyến đường sắt nhất trên cả nước với mạng lưới đường sắt trên địa bàn hiện nay gồm 5 tuyến hướng tâm và 1 tuyến vành đai phía Tây với tổng chiều dài 160 km, đặc biệt có 2 tuyến nối liên vận quốc tế là tuyến Hà Nội – Lạng Sơn – Bằng Tường (Trung Quốc) và tuyến Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc). Các tuyến đều chưa có hành lang riêng, hầu hết là giao cắt đồng mức với các tuyến giao thông đường bộ, hệ thống thông tin tín hiệu còn lạc hậu, các chỉ tiêu kỹ thuật, tốc độ thiết kế, tải trọng đạt rất thấp so với các nước có hệ thống đường sắt hiện đại, vì vậy tình hình ATGT đường sắt trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp.
[caption id="attachment_48920" align="aligncenter" width="790"]
Hơn 400 vị trí đường ngang dân sinh chưa được kiểm soát. Người dân tự ý mở lối đi và vô tư đi lại hằng ngày qua đây, trong khi chưa hề có biện pháp bảo đảm an toàn. Ảnh: Iwebstreet[/caption]
Để giảm tai nạn giao thông đường sắt, vấn đề cần tập trung hiện nay là kiểm soát được mức độ an toàn của hệ thống đường ngang. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 584 vị trí đường bộ cắt ngang đường sắt. Trong đó, 181 vị trí là đường ngang hợp pháp; còn lại 403 vị trí là đường tự phát. Trong số các đường ngang hợp pháp nói trên, 78 vị trí có người gác, rào chắn hoặc cần chắn với hệ thống biển báo, chuông báo, đèn tín hiệu; 69 vị trí có cảnh báo tự động; 34 vị trí chỉ bố trí biển báo.
Trong thực tế, chỉ những điểm có người gác, rào chắn là bảo đảm an toàn. Còn lại các điểm cảnh báo tự động và nhất là các điểm chỉ có biển báo, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn lớn, do nhiều người dân còn chủ quan khi điều khiển phương tiện đi qua đường sắt. Đáng lo ngại hơn cả là hơn 400 vị trí đường ngang dân sinh chưa hề được kiểm soát. Người dân tự ý mở lối đi và vô tư đi lại hằng ngày qua đây, trong khi chưa hề có biện pháp bảo đảm an toàn. Không biển báo, không đèn tín hiệu, thậm chí không đủ ánh sáng để quan sát vào buổi tối, mà lối đi có độ dốc cao, trắc trở thì tai nạn xảy ra là điều tất yếu.
Trước đó, về biện pháp khắc phục những bất cập trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt của Hà Nội, ông Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ GTVT, ngành đường sắt triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như kết nối thông tin và bố trí biển báo tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, rà soát lại việc cắm mốc giới đường sắt, ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa vuốt nối các điểm giao cắt, cải tạo nâng cấp các đường ngang chưa bảo đảm các yếu tố kỹ thuật theo quy định của Bộ GTVT.
9 tháng qua, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội có những chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, riêng số vụ tai nạn giao thông đường sắt lại gia tăng. Từ cuối năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 31 vụ va chạm giữa tàu hỏa với người đi bộ và các phương tiện khác, làm 24 người chết, 13 người bị thương (so với cùng kỳ năm ngoái tăng 9 vụ, tăng 3 người chết và 9 người bị thương).
Giang Phan