(CLO) Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhưng đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 1% trên hơn 1.500 nhà chung cư cũ ở Hà Nội được cải tạo, xây mới.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu cải thiện điều kiện ở của người dân ngày càng tăng cao, hầu hết các hộ dân tại các khu tập thể, chung cư cũ đã tự cải tạo, cơi nới, lấn chiếm diện tích làm ảnh hưởng thay đổi kết cấu của ngôi nhà, làm giảm tuổi thọ công trình và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
[caption id="attachment_114164" align="aligncenter" width="660"]
Trong gần 10 năm qua, kế hoạch cải tạo hàng chục chung cư cũ vẫn gần như dậm chân tại chỗ do thiếu vốn, trong khi cơ chế thu hút doanh nghiệp thì còn nhiều vướng mắc.[/caption]
Nhận thức rõ sự nguy hiểm cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo điều kiện ở tốt hơn cho người dân, UBNDTP Hà Nội đã nỗ lực trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà kết quả thực hiện vẫn còn rất chậm.
Thống kê của Hà Nội cho thấy, trong vòng gần 10 năm qua, chỉ có 14 dự án nhà chung cư cũ nát trên địa bàn được cải tạo, xây mới. Có thể thấy con số này là quá nhỏ so với quy mô hơn 1.500 khu chung cư cũ đã xuống cấp, cần được cải tạo.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội - Nguyễn Hoài Nam cho biết, chủ trương cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội diễn ra rất chậm, kết quả thấp. Hầu hết các nhà đầu tư chỉ "nhăm nhe" khu đất vàng và không mặn mà với việc cải tạo hay xây dựng lại các chung cư cũ.
Trước thực trạng trên, đã có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về dự án xây mới đồng bộ 10 khu chung cư cũ và 2 nhà chung cư đơn lẻ với trị giá gần 120 nghìn tỷ đồng mà Hà Nội đang kêu gọi đầu tư. Bao gồm: Khu chung cư Ngọc Khánh, Ba Đình; chung cư Nghĩa Tân, Cầu Giấy; chung cư Giảng Võ, Ba Đình; chung cư Thành Công, Ba Đình; chung cư Vĩnh Hồ, Đống Đa; chung cư Kim Liên, Đống Đa; chung cư Trung Tự & lân cận; chung cư Khương Thượng, Đống Đa; chung cư Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng và khu chung cư Tân Mai, Hoàng Mai.
Đây là các dự án đã xuống cấp ở mức độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở trên địa bàn thành phố sẽ nằm trong kế hoạch xây mới đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hiện nay vẫn còn những rào cản khiến các nhà đầu tư còn ái ngại trong việc dốc vốn đầu tư vào mảng này. Đơn cử như rào cản về quy hoạch chiều cao, diện tích sử dụng…. Thống nhất và gỡ bỏ các rào cản này trong việc cải tạo các nhà chung cư cũ được cho là giải pháp đột phá để Hà Nội kêu gọi và tạo được sức hút lớn với phía các nhà đầu tư.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà trên địa bàn thành phố bằng việc chủ động phát hiện sớm công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; áp dụng các biện pháp an toàn kịp thời, đảm bảo không xảy ra sự cố công trình.
Nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình trong việc quản lý sử dụng, khai thác công trình thuộc sở hữu của mình hoặc được nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng để chủ động công tác sửa chữa, bảo trì công trình đảm bảo chất lượng và giữ gìn cảnh quan chung cho đô thị.
Theo Kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức kiểm tra hiện trạng, thống kê đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình trên địa bàn bao gồm nhà chung cư xây dựng trước năm 1994 (trừ các chung cư tái định cư do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà ở Hà Nội quản lý); nhà biệt thự; trụ sở làm việc, công trình có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn trên địa bàn.
Như vậy, chủ trương cải tạo chung cư cũ phải làm đồng bộ, theo quy hoạch chứ không phải theo kiểu chắp vá, trước hết phải có quy hoạch cho cả khu, sau đó sẽ lên phương án khai thác các dự án đầu tư và thực hiện theo tiến trình. Chính vì vậy, nếu các rào cản không được xóa bỏ thì việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ vẫn sẽ ì ạch dậm chân tại chỗ, và hàng vạn người dân Thủ đô sinh sống ở các toà nhà tập thể cũ nát hàng ngày vẫn nơm nớp nỗi lo căn nhà họ ở có thể sập bất cứ lúc nào.
Thanh Tân