Tại hội nghị phản biện, các đại biểu đã tập trung thảo luận để làm rõ hơn các quy định liên quan đến việc quản lý mua bán, cho thuê nhà ở xã hội với đối tượng được ưu tiên nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Để chuẩn bị cho hội nghị phản biện, Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội đã tổ chức các đoàn đi khảo sát thực tế, thảo luận với các cơ quan, đơn vị và nhân dân để cùng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo của UBND Thành phố tại tòa nhà CT19A Việt Hưng (Q. Long Biên); Khu đô thị Đặng Xá II (H.Gia Lâm) ; tòa nhà CTA1 và CTA2 - KĐT mới Tây Nam hồ Linh Đàm (Q. Hoàng Mai). Đoàn đã tiếp thu 60 ý kiến, kiến nghị đóng góp vào dự thảo Quy định và phản ánh thực trạng nhà ở xã hội.
Tăng cường quản lý mua bán, cho thuê nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: KTĐT
Về vấn đề nhà ở xã hội cho học sinh, sinh viên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội Nguyễn Mạnh Hà cho rằng cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh, tránh trường hợp lợi dụng quen biết để mua nhà ở xã hội. Do đó, phải quản lý chặt đối tượng cho thuê, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ, có phương thức thu hồi hợp lý các nhà ở xã hội bị sử dụng sai mục đích.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết, Ủy ban MTTQ Thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến đánh giá để chuyển lên các cơ quan chức năng, nhất là Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Thành phố triển khai dự án này.
Ông Bùi Anh Tuấn khẳng định, đây là đề án được “thai nghén” trong hơn 2 năm. Đây là dự thảo khó vì nó liên quan đến quá nhiều đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhân dân cho nên Mặt trận phải tham gia đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, đề án cần sắp xếp lại các đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, sinh viên… để quan tâm đưa vào; đối với công tác tuyên truyền, đề nghị MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội phải thực hiện tốt chức năng giám sát để thực hiện tốt các quy định này.
P.V