Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đây chính là các chuyên gia của nhà thầu Nga đã tham gia nghiên cứu, thi công xây dựng cầu Thăng Long từ 30 năm trước. Đoàn chuyên gia của Nga sẽ làm việc tại Việt Nam trong vòng 5 ngày (từ 17/9 đến 21/9) nhằm khảo sát, đánh giá lớp mặt cầu và đưa ra phương án sửa chữa hiệu quả nhất đối với mặt cầu Thăng Long đang bị hư hỏng nặng.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có lời đề nghị với nước Nga về việc cung cấp tài liệu và cử chuyên gia tới nước ta để nghiên cứu và khảo sát tình hình thực tế cầu Thăng Long nhằm đưa ra phương án sửa chữa phù hợp. Phía Nga đã đồng ý với đề xuất trên và cử Tư vấn KEI (do JICA lựa chọn) thực hiện công việc này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này sẽ có cuộc họp với đoàn Nga để bàn về các phương án sửa chữa cầu Thăng Long. Sau khi có giải pháp, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ xem xét và cho ý kiến lựa chọn phương án thi công, sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, được khởi công năm 1974 và hoàn thành vào năm 1985. Cây cầu được xem là công trình thế kỷ, thể hiện tình hữu nghị gắn bó keo sơn giữa Việt Nam và Liên xô trước đây, nay là Liên bang Nga. Cầu Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2, nhưng từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa liên tục bị hư hỏng. Trong hai năm 2012 - 2013, mặt cầu Thăng Long được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông, nhưng gần đây do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt.
P.V